Không còn là sự cố hy hữu
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và các Cục: Hàng hải VN, Đường thủy nội địa VN, Đường sắt VN và Sở GTVT các địa phương và Hiệp hội Vận tải ôtô VN tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, đơn vị xếp dỡ hàng hóa, nhà ga, bến cảng, nhà máy sản xuất tuân thủ nghiêm các quy định tại Thông tư số 35/2013 của Bộ GTVT về xếp hàng hóa trên xe ôtô khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đối với việc xếp, chằng buộc và vận chuyển hàng hóa là thép cuộn tròn trên ôtô và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…
Lý do chỉ đạo trên là thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc liên quan đến xe ôtô chở thép cuộn để rơi loại hàng này xuống đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác trên đường, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông và gây ùn tắc giao thông.
Gần đây nhất, khoảng 8h ngày 9/8/2022, trên đường Vành đai 3 trên cao (gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội) một xe đầu kéo chở 2 cuộn thép trên rơ-moóc biển số 15R-155.58, lưu thông hướng Thanh Trì - Mỹ Đình bất ngờ bị đứt xích neo giữ hàng và rơi xuống đường.
Sau sự cố, 1 cuộn thép nặng 21 tấn chắn ngang đường, 1 cuộn khác lăn cách xe container hơn 10m, gây hỏng mặt đường và ùn tắc giao thông kéo dài khoảng 5km. Khoảng sau 2 giờ, các phương tiện trên chiều đường trên mới lưu thông trở lại bình thường. Nguyên nhân ban đầu được cho là xe chở đầu kéo phanh gấp để tránh va chạm với ô tô con, khiến dây xích neo buộc cuộn sắt bị đứt.
Hiện trường phương tiện sau tai nạn cho thấy, trên rơ - moóc có một số thanh gỗ đặt ngang, dải dây cao su để lót đệm các cuộn sắt, cùng các sợi dây xích sắt dùng để chẳng buộc hàng.
Vụ tai nạn trên gây nóng dư luận bởi trước đó không ít vụ tai nạn tương tự xảy ra. Có thể kể đến, ngày 2/8/2022 tại Hải Phòng, một xe đầu kéo khi dừng đèn đỏ trên đường Nguyễn Văn Linh khi phanh dừng đèn đỏ bị đứt xích khiến cuộn thép rơi lăn xuống đường, khiến người đi xe máy thoát nạn trong gang tấc.
Tại TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương, gần giữa tháng 4/2022, xe đầu kéo rơ moóc chở container biển số 61C-456.82 khi đang chở cuộn thép nặng chạy đến khu vực ngã ba đường Mỹ Phước - Tân Vạn và Cụm công nghiệp Bình Chuẩn cũng đứt dây xích khiến rơi cuộn thép xuống đường, khiến người đi đường gặp phen hốt hoảng.
Sau mỗi vụ tai nạn, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đều cho rằng, hiểm họa trên xuất phát từ việc các dây xích chằng buộc mỏng manh, xếp hàng không đảm bảo chắc chắn và người điều khiển phương tiện vận chuyển không tuân thủ quy tắc an toàn.
Cần tiêu chuẩn hóa cấu kiện định vị hàng hóa trên xe
Theo ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân dẫn đến sự cố dạng trên chủ yếu xuất phát từ việc xếp hàng hóa trên xe. Mặc dù đã có quy định và hướng dẫn về việc xếp dỡ hàng hóa, song mức độ phòng ngừa sự cố phụ thuộc vào ý thức tự giác của người xếp dỡ, vận chuyển. Từ đó cho thấy quy định còn kẽ hở, chưa phát huy được tác dụng phòng ngừa sự cố, tai nạn trong quá trình vận chuyển.
“Quy định về xếp dỡ hàng hóa (tại Thông tư 35/2013 của Bộ GTVT) có đầy đủ hướng dẫn về xếp hàng hóa dạng cuộn, ống tròn… Tuy nhiên, quy định thiếu tính định lượng cụ thể, như hàng hóa có khung trọng tải, kích thước bao nhiêu thì tương ứng với dây xích chẳng buộc loại nào hay phụ kiện giá kê, đỡ cố định có hình dạng thế nào.
Thực tế trên đường dễ nhận thấy là các cuộn thép tròn hay hàng hóa dạng ống tròn… chỉ được chằng buộc bằng định vị bằng dây xích mong manh, kê đỡ, định vị bằng thanh gỗ thông thường. Nhưng nếu đối chiếu với quy định cũng khó nói rằng các phụ kiện và cách xếp hành như thế có đảm bảo an toàn hay không.
Điều này phần nào dẫn đến người xếp dỡ, vận chuyển hàng neo buộc hàng theo cảm tính hoặc chủ quan, dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố rơi hàng hóa khi lưu thông trên đường”, ông Thanh phân tích.
Theo chuyên gia này, nên quy định rõ ràng, cụ thể (bằng tiêu chuẩn kỹ thuật) các cấu kiện dùng để cố định hàng hóa rời có trọng lượng, kích thước lớn, dạng như thép cuốn, ống vật liệu tròn… để ngăn tai nạn từ khâu bốc xếp hàng hóa. Quy định kỹ thuật cụ thể giúp người xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa ý thức hơn trong việc xếp hàng và lực lượng chức năng cũng có căn cứ định lượng để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đồng quan điểm với ông Thanh, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-05V cho biết, hiện không có quy định về việc kiểm định các cấu kiện dùng để cố định hàng hóa rời (dạng đặc biệt như hình tròn, trụ hoặc dễ trôi, lăn…) chở trên xe ô tô tải.
“Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, hàng rời có kích thước, trọng tải lớn khi được vận chuyển bằng xe đầu kéo được cố định bằng các cơ cấu định vị có hình dạng cụ thể để hạn chế tối đa sự chuyển dịch, lắc động khi vào cua, phanh đột ngột. Nếu có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện sẽ góp phần hạn chế các sự cố hàng hóa bị rơi trong quá trình phương tiện vận chuyển trên đường”, vị này nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.