Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/6, Phó Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu nhiều trăn trở liên quan đến công tác cán bộ, việc triển khai gói phục hồi kinh tế cũng như tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Thông qua nhanh nhất nhưng đến nay chưa qua vòng thủ tục
Theo bà Yên, thời gian qua có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế,… do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin.
“Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý thì lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực đó. Cử tri rất thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý Nhà nước một cách dễ dàng như thế trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, đại biểu Tạ Thị Yên đặt vấn đề.
Đại biểu Tạ Thị Yên chỉ rõ, tình trạng chậm giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng.
“Khi chúng ta thảo luận, thông qua Nghị quyết này một cách khẩn trương nhất, nhanh nhất nhưng đến nay có vẻ như chưa qua được vòng thủ tục, tiến độ rất chậm mặc dù đã có cơ chế đặc thù nên khó có thể nói đến hiệu quả như đã được thiết kế trong đề án chương trình”, nữ đại biểu tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch. Bà dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ: Số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.
Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85%, nhiều bộ ngành đạt dưới 20% đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Theo đó làm phát sinh khoản chi ngân sách không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả.
Phải chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải ngân chậm trễ
Bên cạnh đó, bà Yên cũng lưu ý, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay, phải chịu lãi suất, phí quản lý,… Do đó vấn đề giải ngân chậm, tiến độ chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn.
“Việc tăng cường kiểm soát, chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là cần thiết, để các quyết sách của Nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được mong đợi của người dân”, đại biểu tỉnh Điện Biên nói.
Nữ đại biểu cũng nêu thực tế, các vấn đề về phát triển giao thông ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội và các tuyến cao tốc trục ngang liên vùng, nhất là ở ĐBSCL, trung du miền núi phía Bắc.
“Đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, mà nếu không bắt tay vào ngay thì sẽ không biết đến bao giờ chúng ta mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển. Tôi nghĩ chúng ta phải rất khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thiết kế, dự kiến cân đối các nguồn lực nhà nước trong trung, dài hạn và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia”, Phó Ban Công tác đại biểu đề nghị.
Từ thực tiễn công tác tại tỉnh miền núi Điện Biên, bà Yên cũng mong muốn Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện sớm bố trí vốn đầu tư công cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4H đoạn tuyến huyện Mường Chà - Nậm Pồ của Điện Biên; đoạn tuyến Mường Nhé của Điện Biên đến Mường Tè của Lai Châu và nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.