Tu nghiệp sinh nước ngoài kể về hiện thực lao động khắc nghiệt ở Nhật

11/11/2018 11:38

Trong lúc Nhật Bản hướng tới mở cửa tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn, các tu nghiệp sinh lên tiếng về việc bị ngược đãi, trả lương thấp cùng hàng loạt vấn đề khác.

Ngày 8/11, 18 tu nghiệp sinh tham dự phiên họp tại quốc hội Nhật Bản để cung cấp cho các nhà lập pháp cái nhìn chính xác hơn về hiện thực khốc liệt mà người lao động nước ngoài thuộc Chương trình Học viên Thực tập Kỹ thuật phải chịu đựng.

“Tôi định tự tử bằng cách nhảy xuống từ tòa nhà công ty vì tôi là mục tiêu của nạn lạm quyền và ngược đãi. Tôi cũng không có cơ hội chuyển sang phân ban khác”, Asahi Shimbun dẫn lời một phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi 30. Chị làm việc ở công ty xử lý giấy tại tỉnh Shizuoka và nói rằng bị đối xử tàn tệ đến mức muốn kết thúc cuộc sống.

thuc_tap_sinh_nhat_ban_2
Một tu nghiệp sinh nước ngoài bị biến dạng bàn tay do công việc ở Nhật. Ảnh: Asahi Shimbun.

Một người khác, khoảng 50 tuổi, là công nhân ở một nhà máy may mặc thuộc tỉnh Gifu. Người này kể rằng chỉ được trả khoảng 300 yen/h, tương đương 2,63 USD. Mức lương này còn chưa bằng một nửa lương tối thiểu theo quy định, trong khi chị phải làm việc từ 8h sáng tới nửa đêm.

Phiên họp cũng chứng kiến câu chuyện xót xa của một tu nghiệp sinh Việt Nam đến Nhật từ năm 2015. Người này muốn đến xứ sở mặt trời mọc để học các kỹ năng xây dựng như xử lý cốt thép và tạo khuôn đóng bê tông cho các công trình.

Anh làm ở một công ty xây dựng tại tỉnh Fukushima nhưng công việc chủ yếu lại là tẩy xạ, dọn dẹp hậu quả còn sót lại từ sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1, thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Tokyo.

Nam tu nghiệp sinh người Việt nói rằng muốn học kỹ năng chuyên ngành nhưng chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Ba năm sau khi đặt chân tới nước Nhật, anh cay đắng nhận ra những mong ước và hy vọng của mình sẽ không bao giờ thành sự thật.

Phiên họp diễn ra trong lúc chính phủ Nhật Bản hướng tới ban hành cái gọi là thị thực số 1 cho lao động nước ngoài có kỹ năng chuyên ngành vào tháng 4/2019. Dù các nhà lập pháp đối lập cho rằng những vấn đề với hệ thống hiện tại cần được giải quyết trước, dự luật trên đã được trình quốc hội xem xét trong kỳ họp kéo dài tới tháng 12.

Hạng mục thị thực mới

Tính tới cuối tháng 10/2017, theo Asahi Shimbun, cả nước Nhật có 257.000 tu nghiệp sinh nước ngoài. Trong khi chế độ hiện tại chỉ cho phép họ ở Nhật tối đa 5 năm, dự thảo sửa đổi Luật Kiểm soát Xuất Nhập cảnh và Công nhận Cư trú sẽ tạo điều kiện để những người này lưu lại tới 10 năm.

Theo thị thực mới được sửa đổi, công dân nước ngoài có đủ năng lực và trình độ tiếng Nhật sẽ được hưởng trạng thái thị thực gọi là hạng mục thị thực số 1. Dự luật sửa đổi cũng cho phép công dân nước ngoài đã lưu trú ít nhất 3 năm với tư cách là tu nghiệp sinh được đổi sang loại thị thực này.

thuc_tap_sinh_nhat_banb
Các tu nghiệp sinh nước ngoài có mặt trong phiên họp quốc hội Nhật Bản hôm 8/11. Ảnh: Asahi Shimbun.

Tuy nhiên, các đảng đối lập kêu gọi chính phủ xem xét lại hệ thống chương trình tu nghiệp “nhiều vấn đề” trước khi đưa ra hình thức cư trú mới. Họ lo ngại rằng những rắc rối tương tự chương trình tu nghiệp sinh sẽ tái diễn.

Để dẹp yên những mối lo, hôm 7/11, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Ủy ban Ngân sách Thượng viện, tuyên bố đảm bảo cho "nhân công nước ngoài được trả lương tương xứng với người Nhật theo chế độ lưu trú mới".

“Chúng tôi sẽ thiết lập hệ thống mới dựa trên những bài học rút ra từ chương trình tu nghiệp”, Bộ trưởng Tư pháp Takashi Yamashita khẳng định thêm.

Tuy nhiên, dù dự luật mới có bao gồm điều khoản buộc chủ lao động trả lương “tương xứng nhân viên người Nhật” cho nhân công nước ngoài thuộc diện lưu trú có tay nghề cao, thì điều khoản này bản thân nó cũng đã tồn tại trong quy định quản lý thực tập sinh kỹ thuật hiện nay và không hề hiệu quả.

Akira Hatate, thành viên tổ chức Liên minh Tự do Dân sự Nhật Bản, cho rằng đề xuất mới có thể chỉ là một phiên bản khác của chương trình tu nghiệp mà trong đó, nhân công nước ngoài bị buộc làm việc với lương thấp hơn nhiều mức tối thiểu.

“Chế độ lương cần phải được cụ thể hóa, nếu không thì sẽ không thể vượt quá mức tối thiểu”, ông đánh giá.

Tương lai của các tu nghiệp sinh nước ngoài ở Nhật

Chương trình Học viên Thực tập Kỹ thuật được chính phủ Nhật khởi động từ năm 1993 là một dạng chương trình chuyển giao kỹ năng. Nó được quảng bá là cơ hội để công dân các nước đang phát triển nâng cao tay nghề trong một số lĩnh vực tại Nhật Bản và mang những kỹ năng đó về nước.

Tuy nhiên, hệ thống này vướng phải vô số chỉ trích vì tạo điều kiện cho chủ lao động bóc lột nhân công nước ngoài như một dạng lao động giá rẻ nhằm lấp đầy tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong các ngành như nông nghiệp, ngư nghiệp và sản xuất.

Sau nhiều báo cáo về các vấn đề xoay quanh điều kiện lao động, một số điều khoản được sửa đổi để phạt chủ lao động vi phạm nhân quyền và củng cố sự giám sát thông qua một đạo luật có hiệu lực từ tháng 11/2017. Tuy nhiên, rõ ràng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

img_1_m
Lao động Việt tại một xưởng sản xuất hàu ở Nhật Bản. Ảnh: Japan News

Tại tỉnh Ibaraki, một phụ nữ Trung Quốc, 32 tuổi, bắt đầu làm việc trên nông trại từ tháng 10/2013. Chị đến Nhật Bản theo Chương trình Học viên Thực tập Kỹ thuật một tháng trước đó. 

Người phụ nữ này hàng ngày phải làm việc tới khoảng 10h tối, có lúc tới tận nửa đêm nhưng chỉ được trả 400 yen/h (3,5 USD) trong khi mức lương tối thiểu theo quy định địa phương là 700 yen/h. Tòa án Quận Mito gần đây ra phán quyết buộc chủ nông trại bồi thường cho chị số tiền 1,99 triệu yen (17.500 USD). 

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hàng loạt vụ ngược đãi lao động thuộc chương trình được cho là dạng thức nhập khẩu lao động giá rẻ "trá hình". 

"400 yen/h là sai trái và còn rất nhiều vụ tương tự tại Nhật Bản", Japan Times dẫn lời Shoichi Ibusuki, luật sư của tu nghiệp sinh trên.

"Sự thực là các tu nghiệp sinh không thể tự đòi quyền cho bản thân", ông chỉ trích chủ lao động người Nhật đã lợi dụng tình thế khó khăn của nhân công nước ngoài. 

Ngày 1/11, tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Bộ trưởng Tư pháp Yamashita tiết lộ con số kỷ lục 4.279 tu nghiệp sinh trốn khỏi chỗ làm trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng 1.074 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Đề xuất sửa đổi luật mới vạch ra viễn cảnh các nhóm tư nhân hỗ trợ lao động nước ngoài tới Nhật theo hạng mục thị thực số 1. Sau đó, cơ quan chức năng tiếp nhận rồi mới phân họ về nơi làm việc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng quy định này cũng sẽ không đủ để ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền của chủ lao động. 

Ông Ichiro Natsume thuộc Hội Luật sư Lao động Nhật Bản phê phán chính phủ đã quá hấp tấp trong việc ban hành thị thực mới. "Không nghi ngờ gì nữa, vấn đề với lao động nước ngoài sẽ chỉ mở rộng thêm", ông nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận