Tuổi trẻ tham gia xây dựng đường nông thôn |
Từ xóa cầu khỉ…
Cách đây khoảng chục năm, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tới hàng chục nghìn "cầu khỉ" gập gềnh khó đi. Với vai trò tiên phong, xung kích, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đề xuất Đảng, Chính phủ triển khai Chương trình thanh niên xóa "cầu khỉ", xây dựng cầu NTM ở khu vực này.
Để bảo đảm hiệu quả chương trình, những cán bộ Đoàn ngày ấy đã xin thực hiện thí điểm xóa khoảng 400 “cầu khỉ” trên địa bàn 6 tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang. Kết quả đạt được hơn mong đợi, ngay trong 3 năm đầu thực hiện, với số vốn đầu tư chỉ vẻn vẹn 72 tỷ đồng (thời điểm năm 2000 - 2002), trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 36 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng địa phương, đã có hơn 500 cầu mới được hoàn thành đưa vào sử dụng, vượt kế hoạch dự kiến hơn 110 cầu.
Sở dĩ có kết quả ngoài mong đợi là do trong quá trình thực hiện chương trình còn huy động thêm được hàng chục tỷ đồng đóng góp của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Đặc biệt, thông qua phong trào “Mùa hè xanh tình nguyện”, nhiều đoàn viên, thanh niên của Trường Đại học GTVT, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã về các tỉnh ĐBSCL để trực tiếp tham gia khảo sát, thiết kế các mẫu cầu phù hợp từng vùng, miền mà không nhận một đồng tiền công nào.
Trên cơ sở kết quả đạt được và ý nghĩa xã hội sâu sắc của Dự án Thanh niên xây dựng cầu NTM thay thế cầu khỉ ở ĐBSCL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trình và được Chính phủ giao cho xây dựng và thực hiện Dự án thí điểm xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và vùng đặc biệt khó khăn. Đây là chương trình trọng điểm của Trung ương Đoàn nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tận mắt chứng kiến hiệu quả từ những cây cầu do thanh niên đảm nhận, nhiều địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Cần Thơ, Bến Tre... còn tin tưởng bổ sung vốn do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư thực hiện thêm các dự án giao thông nông thôn khác. Thậm chí, nhiều cấp bộ Đoàn còn vượt qua khuôn khổ của chương trình, huy động hàng chục tỷ đồng trong nhân dân, hàng chục nghìn ngày công lao động của thanh niên và kết hợp sử dụng vật liệu tại chỗ của địa phương để tự xóa “cầu khỉ”. Nhờ vậy, đã có hàng chục nghìn “cầu khỉ” được thay thế, cùng với hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn khu vực ĐBSCL.
…Đến làm cầu thanh niên
Yên Bái - một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề giao thông vô cùng kém, từ đó đã hạn chế, là vật cản cho phát triển kinh tế địa phương. Bao năm qua, cứ đến mùa mưa bão là bà con thôn Đồng Phay, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên lại canh cánh nỗi lo khi đi qua cây cầu Khe Thủ tạm bợ, không có bờ vịn, mặt cầu hư hỏng. Thấu hiểu những khó khăn và hiểm nguy đó, Tỉnh đoàn Yên Bái đã lựa chọn cầu tràn liên hợp Khe Thủ là một trong số 15 cây cầu được xây dựng ở giai đoạn 1 của Dự án.
Đến đầu tháng 4/2015, công trình được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép, dài 6m, rộng gần 3,5m, tải trọng 3 tấn, kinh phí xây dựng gần 1 tỷ đồng do Tỉnh đoàn Yên Bái làm chủ đầu tư. Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của nhân dân và sự góp công của các đoàn viên, thanh niên xã Kiên Thành, đến tháng 8/2015, cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp nhân dân trong thôn đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi.
Năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đoàn triển khai Dự án thí điểm xây dựng cầu thanh niên nông thôn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó, tỉnh Yên Bái được phê duyệt xây dựng 15 cây cầu nông thôn tại 4 huyện gồm: Lục Yên, Văn Chấn, Trấn Yên và Văn Yên với tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 14 tỷ đồng, còn lại là do đoàn viên, thanh niên đóng góp bằng ngày công lao động.
Kết thúc giai đoạn 1, tỉnh Yên Bái đã có 5 cây cầu hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng tại các xã Hưng Khánh, Kiên Thành, Hòa Cuông (huyện Trấn Yên) và xã Trúc Lâu, Mai Sơn (huyện Lục Yên). Có cầu không chỉ giúp nhân dân đi lại thuận tiện mà đặc biệt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chung sức vì mục tiêu quốc gia
Dưới sự quản lý, tổ chức của các cấp bộ, đoàn, hội, vai trò của tuổi trẻ càng được nhân lên, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Năm 2014, xã Tân Lập, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đăng ký về đích NTM. Để chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã hoàn thành các tiêu chí NTM đúng kế hoạch, Tỉnh đoàn đã tập trung các nguồn lực, hỗ trợ xã xây dựng sân thể thao nhà văn hóa thôn Thụy Điền với diện tích gần 600m2, kinh phí hỗ trợ trên 50 triệu đồng. Cùng với đó, đoàn viên, thanh niên xã tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, vận chuyển cát, sỏi, đổ bê tông… góp phần hoàn thiện sân thể thao của nhà văn hóa thôn theo đúng tiến độ. Tất cả những hoạt động trên đã đóng góp thiết thực hoàn thành các tiêu chí NTM của xã. Nhờ đó, đến cuối năm 2014, xã Tân Lập về đích NTM đúng hạn.
Qua 5 năm (2011 - 2015) triển khai chương trình xây dựng NTM, Vĩnh Phúc có hơn 1.576 công trình, phần việc thanh niên được đăng ký và triển khai trên tất cả các lĩnh vực: Bảo vệ môi trường, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thiết chế văn hóa...
Trong xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, lực lượng đoàn viên, thanh niên xung kích đảm nhận thi công, tu sửa nhiều đoạn đường giao thông nông thôn; tham gia đóng góp ngày công lao động, vận động gia đình và người thân hiến đất làm đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao với nhiều tấm gương tiêu biểu.
Trong năm 2015, các cấp bộ đoàn, hội tỉnh Thái Bình đã san lấp, tu sửa và cứng hóa 54,2km đường giao thông nội đồng, liên thôn, liên xã; lắp đặt 7,82km đường dây điện, 173 thiết bị chiếu sáng, phát quang đường làng ngõ xóm, nạo vét và khơi thông dòng chảy... Hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương được tổ chức rộng khắp gắn với những hành động cụ thể như: Tuyên truyền, ra quân bảo vệ môi trường, trồng cây xanh...
Những cây cầu, con đường mang dấu ấn thanh niên từ Bắc vào Nam, từ non cao đến sông nước Cửu Long đã tạo điều kiện cho người dân trong vùng đi lại thuận tiện, an toàn, góp phần mở rộng lưu thông hàng hóa, xóa bỏ ngăn cách giữa các vùng, miền, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Những giọt mồ hôi trên những cung đường ngập tràn màu xanh của sức trẻ đang góp phần thúc đẩy đề án xây dựng NTM ngày càng giàu đẹp hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.