Bức tranh còn nhiều “điểm đen”
Chiều 16/11, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng Đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông nông thôn đến năm 2020”.
Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (CLPT GTVT), tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở khu vực nông thôn đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức người dân còn kém.
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông nông thôn (GTNT) trong một số năm vừa qua đã có sự phát triển vượt bậc; tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa tăng nhanh; phương tiện cơ giới đường bộ đặc biệt là xe máy gia tăng nhanh. Tuy nhiên, nhiều bất cập của hệ thống KCHT và phương tiện không đủ điều kiện an toàn vẫn tồn tại.
Tỷ lệ nhựa hóa ở đường nông thôn tăng đáng kể |
Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm ATGT, Viện CLPT GTVT nhận định, KCHT GTNT mới chủ yếu quan tâm đến chất lượng mặt đường, trong khi đó, các hệ thống báo hiệu đường bộ và công trình bảo đảm ATGT còn thiếu rất nhiều.
Cũng theo báo cáo của Viện CLPT GTVT, hệ thống đường GTNT tồn tại bất cập do tầm nhìn không bảo đảm, đặc biệt tại các chỗ rẽ; nhiều cầu dân sinh mất an toàn, nhiều tuyến đường bị gián đoạn khi lũ về; công tác bảo trì đường bộ còn rất nhiều hạn chế, nhiều đường không được bảo trì, sửa chữa bảo đảm ATGT; tổ chức giao thông còn thiếu các điểm dừng đỗ xe an toàn; chất lượng phương tiện xe gắn máy ở vùng miền núi và vùng sâu, vùng xa còn kém, không bảo đảm an toàn khi đổ dốc…. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật TTATGT còn chưa phù hợp với người dân khu vực nông thôn.
Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế do thiếu nhân lực, bị tác động bởi yếu tố gia đình, dòng họ…; lực lượng CSGT huyện mỏng, không triển khai được sâu rộng, trong khi lực lượng công an xã lại khó thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ xăng xe đi lại cho lực lượng chức năng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp cũng chưa phù hợp, làm cho tình hình điều khiển phương tiện xe máy khi chưa có GPLX vẫn phổ biến.
“Lệ làng” là căn bản đảm bảo ATGT nông thôn
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc đảm bảo TTATGT không thể chỉ quy trách nhiệm cho các lực lượng như CSGT, Thanh tra giao thông. Bởi lẽ, giải pháp tuần tra kiểm soát của 2 lực lượng này cũng phải được thực hiện theo đúng chức năng, phạm vi của mình và không thể bố trí lực lượng ở khắp mọi nẻo đường nông thôn. Vì vậy, chính quyền xã chính là lực lượng thực thi nhiệm vụ hiệu quả nhất.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đảm bảo ATGT nông thôn cũng là trách nhiệm của chính quyền xã |
“Trách nhiệm đảm bảo TTATGT tại các vùng nông thôn cũng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, công an xã, dân phòng xã. Đồng thời trách nhiệm này cũng phải gắn với thôn xóm, người dân, các tổ chức đoàn thể địa phương. Bản thân Chủ tịch xã cũng có thẩm quyền xử phạt, thậm chí là xử phạt nặng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về việc xây dựng đề án, Thứ trưởng cho biết, công tác đảm bảo TTATGT nông thôn cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa và phải tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá. Đặc biệt là tránh việc xây dựng những giải pháp không có tính phù hợp với thực tiễn.
Giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách đưa phương tiện vận tải công cộng như xe Bus, taxi về các vùng nông thôn được Thứ trưởng đánh giá cao bởi đây là giải pháp rất thực tế, không nhiều khó khăn trong triển khai và mang lại nhiều lợi ích thực sự.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu nội dung Đề án phải cụ thể và thiết thực hơn, tập trung vào những giải pháp mang tính đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến cấp xã, lực lượng tham gia bảo đảm trật tự ATGT tại địa phương.
Đồng thời, Đề án phải đưa ra giải pháp nâng cao ý thức của người dân khu vực nông thôn bằng việc xóa bỏ những hạn chế, tồn tại hiện có. Đồng thời chú trọng vào việc phân nhóm theo các cụm dân cư, vùng sâu, vùng xa.
Hành vi vi phạm Luật Giao thông diễn ra phổ biến tại các vùng nông thôn, đặc biệt là những người trẻ |
Thứ trưởng cũng cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT cũng cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền địa phương cần phải tích cực chủ động hơn trong việc tổ chức tuyên truyền trực tiếp, tổ chức ký cam kết đối với từng hộ dân, họ tộc. Đặc biệt là áp dụng vào cả Hương ước của làng sẽ là giải pháp giúp nâng cao tính tự giác và gắn được trách nhiệm từ mỗi người dân theo quy định pháp luật, đồng thời tuân thủ theo đúng phong tục tập quán của mình.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Đề án chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu tập trung đông dân cư.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị liên quan, Thứ trưởng chỉ đạo Viện CLPT GTVT tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để phân tích rõ và tập trung vào một số giải pháp đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách theo lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt; công tác huy động nguồn vốn, trong đó, vốn Nhà nước chỉ hỗ trợ, kích cầu đầu tư. Đặc biệt chú trọng đổi mới hình thức đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đối với người dân khu vực nông thôn bằng cách giảm nội dung chương trình lý thuyết, tăng thực hành, tăng lượng hình vẽ.
Từ nay đến 26/11, Viện CLPT GTVT sẽ khẩn trương hoàn thiện Đề án để tiến hành lấy ý kiến góp ý và trình Bộ trưởng phê duyệt trong tháng 12.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.