Sở GTVT Hải Phòng lại tiếp tục xem xét cấp phép thêm cho 3 doanh nghiệp khai thác tuyến Hải Phòng – Hà Nội với số chuyến 37 chuyến/ngày (ảnh Vũ Thành) |
Nạn "đầu gấu" đe dọa nhà xe, hành khách
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tuyến xe khách Hải Phòng - Hà Nội đang có 17 doanh nghiệp vận tải tham gia khai thác và hàng ngày có gần 400 chuyến xe được cấp phép hoạt động thuộc các doanh nghiệp như: Hoàng Long, Hải Âu, Đất Cảng, Anh Huy, Đoàn Xuân, Thanh Long... Tính trung bình, cứ 2 phút có 1 chuyến xe khách rời bến.
Trong khi đó, lưu lượng hành khách trên tuyến vào ngày bình thường chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 người/ngày, việc “cung vượt cầu” như hiện nay đã vượt quá nhu cầu đi lại của người dân, hệ số có khách chỉ đạt trung bình chỉ đạt 30-45% số ghế. Đây chính là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” dẫn đến tình trạng tranh giành khách một cách không lành mạnh, thậm chí có doanh nghiệp sử dụng “côn đồ, đầu gấu” dọa dẫm, đe nẹt, hành hung lái, phụ xe các doanh nghiệp khác thậm chí là cả nhân viên và lãnh đạo các bến xe, hiện tượng trên cứ dập được một thời gian lại bùng phát trở lại.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều lái xe các hãng như H.A,H.L, A.H, ĐC bị đối tượng xấu hành hung gây thương tích; có những lái xe phải bỏ nghề vì bị truy sát gây thương tích nặng.
Thời gian gần đây, vụ việc lại càng diễn biến phức tạp khi tại bến xe Yên Nghĩa - Hà Nội, sau khi di dời bến xe Lương Yên thì 43 chuyến xe tại bến xe Lương Yên đi Hải Phòng được điều chuyến về bến xe Yên Nghĩa và chỉ trong thời gian 1 năm lượng chuyến xe đi Hải Phòng tại bến xe Yên Nghĩa đã tăng thêm hơn 100% (hơn 70 chuyến xe/ngày).
Tình trạng xe khách tuyến Hà Nội - Phải Phòng đón trả khách trái phép diễn ra công khai trên nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội (ảnh Vũ Thành) |
Trước tình hình nhiều xe, tình trạng “ế” khách đã khiến không ít doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản, có doanh nghiệp thì phải xin chuyển bến khác, có doanh nghiệp thì hoạt động cầm chừng để tồn tại. Trong khi đó thì Hải Phòng lại tiếp tục cho bổ sung thêm nhiều chuyến xe trong ngày làm cho tình hình càng thêm điêu đứng.
Cố tình “chống lệnh” chỉ đạo của Thủ tướng
Mới đây, ngày 19/7/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 1251/CĐ-TTg nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Công điện nêu rõ: “Trong thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội – Hải phòng có nhiều diễn biến phức tạp; hiện tượng các lái xe chèn ép nhau để tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến và tạo dư luận xấu trong xá hội.
Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và ổn định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, tạo sự yên tâm, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ GTVT tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Hà Nội và Hải Phòng; trong đó xác định rõ lộ trình giữa bến đầu và bến cuối; xác định rõ các điểm đón – trả khách dọc trên tuyến; tổng số chuyến xe trong ngày và tần suất tối đa trong mỗi giờ cao điểm; xây dựng lịch trình khai thác cụ thể cho từng chuyến xe trên tuyến, thống nhất với Sở GTVT địa phương, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện nay, tuyến Hà Nội - Hải Phòng có gần 400 chuyến xe hoạt động, tính trung bình 2 phút/chuyến. |
Thủ tướng đặc biệt chỉ đạo, trong thời gian chưa công bố phương án điều chỉnh quy hoạch, chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác tuyến Hà Nội – Hải Phòng đối với phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung giữa tất cả các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Trong khi, vấn đề trên đang được Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam tìm cách khắc phục và một trong những phương án được đưa ra là điều hành tuyến vận chuyển hành khách Hà Nội – Hải Phòng theo mô hình tập trung trong đó xây dựng thêm nhiều điểm đón, trả khách tại cung đường trên tuyến và giám sát phương tiện bằng thiết bị giám sát hành trình để phát hiện các sai phạm của nhà xe.
Tuy nhiên, sau nhiều lần trì hoãn, đến nay mô hình quản lý này cũng vẫn chưa được áp dụng và hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh tiếp tục tái diễn.
Về việc mở tuyến mới cho một số doanh nghiệp vận tải khai thác tuyến Hải Phòng – Hà Nội, trong thời gian qua nhiều cơ quan quản lý như Sở GTVT Hà Nội, Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an; Công an thành phố Hải Phòng, và gần đây nhất là Thủ tướng chính phú có công điện chỉ đạo tạm dừng việc cấp phép khai thác tuyến Hà Nội – Hải phòng đối với phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung giữa tất cả các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Việc cập phép tràn lan tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ dẫn đến việc xe dù, bến cóc lộng hành, lúc đó cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm trước Thủ tướng? |
Tuy nhiên, đến nay Sở GTVT Hải Phòng lại tiếp tục xem xét cấp phép thêm cho 3 doanh nghiệp khai thác tuyến Hải phòng – Hà Nội với số chuyến 37 chuyến/ngày.
Cụ thể: lộ trình Bến xe Tiên Lãng (Hải Phòng) đi Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội): 20 chuyến/ngày. Bến xe Đồ Sơn (Hải Phòng) đi Bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội): 17 chuyến /ngày (cấp cho Công ty Gia Bảo Linh 9 chuyến/ngày và Công ty Đất Cảng 8 chuyến/ngày) với tổng số chuyến hơn 1.000 chuyến/tháng.
Vì sao Hải Phòng lại đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tiếp tục “nhồi nhét” thêm tuyến Hải Phòng – Hà Nội? Trong khi tình trạng thừa xe, thiếu khách và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đang diễn biến hết sức phức tạp thì việc bổ sung thêm nhiều chuyến xe chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.