Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi: Vạch chỉ kết nối giao thông phía Nam

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 05/02/2019 15:12

Người dân trên các tỉnh phía Tây đồng bằng sông Cửu Long rất vui mừng, phấn khởi khi cầu Cao Lãnh, tuyến nối đã thông xe và cầu Vàm Cống sắp hoàn thành. Rồi chỉ một thời gian ngắn nữa, khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đưa vào hoạt động thì cảnh ùn tắc trên QL1A, nỗi niềm chờ đợi phà… sẽ không còn nữa.

 

IMG_2908
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật kiểm tra tiến độ dự án

Những ngày cuối năm 2018, chúng tôi được tận mắt chứng kiến về những công trình cầu Cao Lãnh, Vàm Cống trên hai tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ sừng sững hiện ra. Những gương mặt, những nụ cười tươi sáng của những người dân địa phương nơi đây đã thể hiện niềm vui sướng khi không còn phải chịu cảnh “lụy đò”. Trước đây, những ngày lễ, Tết… hay thậm chí chỉ là giờ cao điểm, người dân phải xếp hàng dài và mỏi mòn chờ đợi để qua sông. Giờ đây, con đường rộng lớn cứ thế hiện dài trước mắt. Hai cây cầu lớn như những cánh tay vẫy chào và ôm ấp người dân địa phương nơi đây.

Hiện nay, từ TP. Hồ Chí Minh khi đi đến QL30 sẽ có đường dẫn vào cầu Cao Lãnh và tuyến kết nối Cao Lãnh - Vàm Cống. Trong năm 2019, khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng người dân có thể đi qua cầu này và di chuyển xuống QL91, QL80…

Hiện nay, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã được nâng lên thành 4 làn xe, được quy hoạch như một tuyến cao tốc đầu tiên của các tỉnh phía Tây đồng bằng sông Cửu Long. Điểm kết nối cầu Vàm Cống - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đặt tại xã Vĩnh Chinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Với dự án thành phần 4, tuyến tránh Long Xuyên cũng sẽ kết nối vào điểm này và vượt kênh Cái Trắng, chạy song song QL91 đi vào Long Xuyên.

anh bo sung

Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án có điểm đầu tại km02+104.11 thuộc địa bàn quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), điểm cuối tại km53+279 thuộc địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang). Đây là tuyến đường quan trọng có chức năng kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác của Tứ giác Long Xuyên.

Chỉ trong hai năm tới, sau khi hoàn thành hai dự án thì từ Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) có thể theo tuyến N2 tới cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống qua Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi đến hành lang ven biển phía Nam (tỉnh Kiên Giang). Cả hai dự án sẽ tạo nên một tuyến đường cao tốc phía Tây đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, đến Kiên Giang và Cà Mau.

bau-thi-bridge-1330

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), tính đến nay đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Gói thầu CW1 đã bàn giao 24,17/24,17km (100% theo tuyến chính), còn vướng một số hộ tại nút giao Vĩnh Thạnh và một số hộ dọc đường tỉnh 919 (ảnh hưởng đến việc di dời đường điện trung/hạ thế tại vị trí này), tuy nhiên không ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các hạng mục xây lắp chính của dự án.

Gói thầu CW2 đã bàn giao 27km/27km (100% theo tuyến chính), chưa bao gồm tuyến nối Tân Hiệp - QL80 và nút giao đường tỉnh 963. Hiện tại, vấn đề này không ảnh hưởng đến việc thi công các hạng mục xây lắp chính của dự án.

Đối với việc di dời công trình công cộng, hiện đang thi công điện trung, hạ thế và đường nước đạt xấp xỉ 86% khối lượng. Tính đến ngày 31/12/2018, tiến độ thi công chung của công trình đạt gần 60%.

Hiện nay, do giá vật liệu biến động đột biến, đồng thời khi bổ sung khối lượng mở rộng 4 làn đã làm thay đổi cơ cấu tính toán điều chỉnh giá của hợp đồng. CIPM Cửu Long đã điều chỉnh phương pháp tính điều chỉnh giá cho phù hợp với thực tế và trình Bộ GTVT trong tháng 12/2018 để Bộ xem xét, phê duyệt.

Mặt khác, UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, đề nghị khai thác dự án như một tuyến cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Tây Nam bộ. Để thực hiện điều này chỉ cần bổ sung thêm một ít chi phí và có thể sử dụng vốn dư của Hiệp định, không cần chờ đến giai đoạn 2 của dự án, vì vậy CIPM Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét, chấp thuận vấn đề này.

Được biết, đây là dự án đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành Cần Thơ, Kiên Giang và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tương lai sẽ tạo kết nối vùng với các dự án nói trên. Đây cũng là tuyến đường xuyên suốt tới Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc, góp phần chia sẻ lưu lượng và phá thế độc đạo cho QL1A hiện hữu.

Ý kiến của bạn

Bình luận