Cây đổ làm mất điện tại khu I Đồ Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Từ 15 giờ ngày 4/7, tuyến phà Gót-Cái Viềng (huyện Cát Hải) và các tuyến phà, đò vượt sông trên địa bàn thành phố Hải Phòng hoạt động trở lại bình thường.
Đây là thông báo chính thức "về hoạt động giao thông đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu vực biển đảo và ven sông sau bão số 2" từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng.
Thông báo cũng nêu rõ, các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa đã hoạt động trở lại từ sau 7 giờ ngày 5/7.
Các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển đảo, ven sông trở lại bình thường từ sau 7 giờ ngày 5/7/2019.
Bão số 2 đã đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp, tuy nhiên, hoàn lưu bão còn tiếp tục hoạt động ở khu vực ven biển Hải Phòng.
Để đảm bảo an toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, đơn vị tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phòng chống bão và khắc phục hậu quả sau bão.
Tính đến 14 giờ ngày 4/7, tại khu vực trung tâm thành phố và khu vực ven biển, nhiều cây xanh bị gãy đổ trong đêm 3/7 đã được công nhân vệ sinh môi trường khẩn trương thu gom, các tuyến phố cơ bản sạch sẽ, phong quang.
Tại các cảng cá, bến cá của thành phố 100% tàu neo đậu an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố đã trực tiếp kiểm tra tại các địa phương và ghi nhận diện tích mạ, lúa cấy và rau màu trên địa bàn thành phố chưa bị ảnh hưởng sau bão. Hải Phòng không có thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng trong cơn bão số 2.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ sáng 4/7 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện mưa, có nơi mưa rất to, với lượng mưa trung bình 50-100mm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, trong những ngày tới trên các hệ thống sông suối thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang có khả năng xuất hiện lũ; các khu vực vùng núi, sông suối có nguy cơ cao sẽ xảy sạt lở đất và lũ quét.
Trước tình hình trên, để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết; kiểm tra, cảnh báo các hộ gia đình ở ven sông suối, nơi vách núi, taluy cao, nơi thảm phủ thực vật thưa thớt, nơi rừng sản xuất mới được khai thác biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó đề phòng mưa lớn gây ra lũ quét, lũ ống, trượt, lở đất; tổ chức kiểm tra hồ, đập, công trình thủy lợi trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện xử lý ngay các sự cố, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các địa phương bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo giao thông thông suốt, kiểm soát người, phương tiện qua lại tại các khu vực đường tràn, ngầm, đường bị ngập, khu vực bến đò, không để người dân đi lại khi có mưa lũ xảy ra.
Đối với các khu vực trũng, hay xảy ra ngập úng, các địa phương cần sẵn sàng chuẩn bị phương án tiêu úng, thoát nước, đặc biệt là tại các khu ruộng đã gieo cấy phải đảm bảo tiêu thoát úng nhanh để hạn chế diện tích cây trồng bị ngập úng gây chết.
Khi có thiên tai gây thiệt hại trên địa bàn quản lý, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phải chủ động các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm nhanh chóng hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và sản xuất sau thiên tai, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác tổng hợp báo cáo theo quy định.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang còn chỉ đạo huyện Ủy ban Nhân dân Na Hang thực hiện các phương án đảm bảo an toàn người và tài sản cho các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao như Khuổi Phầy, thôn Nà Khuyến (xã Yên Hoa), thôn Nà Đứa (xã Đà Vị).../.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.