Tuyến vận tải container đường thuỷ đầu tiên ở phía Bắc đi vào hoạt động

Giao thông 24h 25/06/2017 06:52

Tuyến vận tải container bằng đường thủy từ Việt Trì đến Hải Phòng được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với đường bộ vì chi phí bằng một nửa.

 

Tuyến vận tải container đường thuỷ đầu
Bốc xếp container xuống sà lan tại cảng Hải Linh (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Đ.Loan

Ngày 23/6, tuyến vận tải hàng hoá đường thủy từ Việt Trì đi Hải Phòng được khai trương tại cảng Hải Linh (Việt Trì, Phú Thọ). Đây là luồng vận tải container đường thủy duy nhất ở miền Bắc sau nhiều năm được khảo sát, lên kế hoạch. 

Ông Đinh Hải Bắc, Giám đốc Công ty vận tải biển Container Vinalines - đơn vị khai thác tuyến, cho biết vấn đề hạn chế của vận tải thủy phía bắc là đường sông cạn chỉ thích hợp chạy loại sà lan cỡ nhỏ. Độ dốc của sông lớn nên khi tàu chạy từ Hải Phòng về Việt Trì mất tới 48 giờ. Cầu sông Đuống hạn chế tĩnh không nên chỉ cho phép sà lan được xếp tối đa 2 lớp container. Do đó, nhiều năm qua không có doanh nghiệp nào khai thác vận tải container trên tuyến này.  

Điểm cạnh tranh được kỳ vọng là giá cước thấp, một container loại 40 feet từ cảng Hải Phòng lên Việt Trì chi phí khoảng 6-7 triệu đồng, bằng một nửa so với đường bộ. Tuy vậy, thời gian chuyên chở hàng hóa lại dài hơn, trung bình một tàu hàng di chuyển 18 giờ từ Việt Trì đi Hải Phòng trong khi đường bộ chỉ 6 giờ. Do đó, đường thủy chỉ thích hợp vận chuyển các mặt hàng vật liệu xây dựng, phân bón, quặng, hàng tiêu dùng...

Theo ông Bắc, vận tải container bằng đường thủy ở phía Nam chiếm tới 80% khối lượng. Còn ở phía Bắc, hàng hóa hoàn toàn vận chuyển bằng đường bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ùn tắc giao thông.   

Tuần đầu triển khai, đơn vị vận tải đã tiếp nhận hơn 70 container từ các doanh nghiệp vật liệu xây dựng tại Phú Thọ, Lào Cai. 

Dưới góc độ cơ quan quản lý ngành, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam, nhận xét, tổ chức tuyến vận tải Việt Trì - Hải Phòng là hướng đi đúng để tăng trưởng và giảm tải cho đường bộ. 

Dù vậy, đặc thù của vận tải thủy là không chở hàng từ cửa đến cửa nên việc thiếu kết nối hạ tầng khiến khả năng cạnh tranh với đường bộ còn yếu. Nhiều đoạn đường vào cảng chất lượng xấu, hạn chế tải trọng khiến xe lớn khó tiếp cận cảng. "Cơ chế ưu đãi chưa đủ hấp dẫn nên rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư cảng đường thủy", ông Giang nói. 

Năm 2017, với mục tiêu tăng thị phần vận tải đường thủy từ 18% lên 19%, ngành đường thủy nội địa dự kiến tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác, đồng thời đẩy mạnh khuyến khích phát triển vận chuyển container. 

Ý kiến của bạn

Bình luận