Tỷ phú Anh Richard Branson - Ảnh: CNBC. |
Tỷ phú Anh Richard Branson, Chủ tịch tập đoàn Virgin Group, vừa gia nhập phe những người muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo trang CNN Business, trong một bài viết blog đăng trên website của Virgin vào cuối tuần vừa rồi, ông Branson nói rằng nước Anh "vẫn đang cận kề một thảm họa toàn diện" là Brexit không thỏa thuận.
Ông Branson cho rằng giải pháp tốt nhất cho thế bế tắc hiện nay trong Quốc hội Anh xung quanh thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May là tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới. Vị tỷ phú tin rằng công chúng Anh giờ đây phản đối việc nước này ra khỏi EU.
"Có một sự thật là quan điểm của công chúng không bao giờ đứng yên, mà có thể có sự thay đổi. Tôi không phải là người duy nhất cảm thấy rằng nhiều người ở Anh giờ đây đã thay đổi suy nghĩ của họ", ông Branson viết. "Chính phủ Anh lúc này cần đặt lên bàn tất cả mọi lựa chọn, và để cho người dân đưa ra quyết định cuối cùng phải là một trong số những lựa chọn đó".
Bài viết của ông Branson được đăng lên vào hôm thứ Sáu, chỉ một ngày trước khi khoảng 1 triệu người xuống đường biểu tình ở thủ đô London để kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Cho đến thời điểm hiện tại, bà May vẫn phản đối ý tưởng trưng cầu dân ý lần nữa. Tuy nhiên, vào hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond - một trong những thành viên cấp cao nhất trong nội các của bà May - nói rằng trưng cầu dân ý lại là một lựa chọn đáng để xem xét.
Giống như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Anh, ông Branson từ lâu là một người phản đối Brexit. Ngay từ trước khi trưng cầu dân ý Brexit diễn ra, ông Branson đã gọi ý tưởng "ly hôn" với EU là một điều tồi tệ với tương lai của nước Anh và là một "thảm họa tài chính".
"Gần 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, các bằng chứng hiện nay cho thấy rằng, hầu như chẳng có dự báo lạc quan nào về Brexit, nếu có, là đúng", ông Branson viết trong bài blog hôm thứ Sáu.
"Hàng nghìn công việc đã rời khỏi nước Anh, và sẽ có thêm những đợt sa thải nữa một khi các nhà sản xuất phải đối mặt với nguy cơ thuế quan và gián đoạn chuỗi cung ứng. Hơn 1 nghìn tỷ Bảng tài sản sẽ bị dịch chuyển đến Dublin, Frankfurt, Paris và các thành phố khác ở châu Âu, khi mà các định chế tài chính chuẩn bị cho kế hoạch khẩn cấp của họ".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.