1. Đặt vấn đề
Cảng bến thủy nội địa là một bộ phận trong hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) với vai trò quan trọng là đầu mối trong các hoạt động vận tải thủy nội địa. Hằng năm, lượng hàng hóa, hành khách thông qua cảng, bến thủy nội địa lên đến hơn 40 triệu tấn/năm và hơn 5 triệu lượt hành khách/năm.
Hiện nay, trên phạm vi cả nước có 4 cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam và 14 cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc sở GTVT các tỉnh, thành phố quản lý 5.755 cảng, bến thủy nội địa, trong đó có 164 cảng thủy nội địa và 5.591 bến thủy nội địa. Trong tổng số 5.591 bến thủy nội địa, có 4.548 bến (đạt 85%) đã được cấp phép hoạt động và có 1.043 bến (chiếm 15%) bến chưa cấp phép hoạt động.
Công tác quản lý nhà nước đối với cảng vụ ĐTNĐ nói chung, quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT ĐTNĐ tại cảng, bến thủy nội địa nói riêng là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành vận tải thủy nội địa. Tuy nhiên, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tại cảng vụ ĐTNĐ còn một số hạn chế: Sự hài lòng của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cảng, bến thủy nội địa chưa cao, một số nơi còn gây phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; chưa tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp khi vẫn tồn tại nhiều cảng, bến thủy nội địa không phép, chưa được quản lý (1.043 bến, chiếm 15% tổng số bến thủy nội địa); ứng dụng công nghệ thông tin cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế; hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng, kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện vào, rời cảng bến chưa cao….
2. Thực trạng
2.1.Thực trạng về cảng, bến thủy nội địa
Thực tế quản lý tại các cảng bến thủy nội địa còn một số tồn tại như: Sự hài lòng của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cảng, bến thủy nội địa chưa cao, một số nơi còn gây phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; chưa tạo được một môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp khi vẫn tồn tại 15% cảng, bến thủy nội địa không phép, chưa được quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa các quy trình quản lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế; hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng, kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện vào, rời cảng bến chưa cao…
2.2. Thực trạng về thuyền viên, người lái phương tiện
Hiện nay, trên cả nước có 38 cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, có 974.399 người đang trực tiếp điều khiển phương tiện thủy nội địa, trong đó trên 188.000 người thuộc diện phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng. Tuy nhiên, hiện tượng bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên bị làm giả còn tồn tại, trong khi công tác cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn tuy đã được tin học hóa trong quản lý nhưng hiện nay chưa phát huy hết tính năng và chưa đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả.
2.3. Thực trạng về phương tiện thủy nội địa
Tính đến hết tháng 3/2015, trên cả nước có 275.292 phương tiện thủy nội địa được đăng ký, đăng kiểm. Trong đó, tàu chở hàng khô là 202.755 chiếc; tàu container là 490 chiếc; tàu dầu, tàu khí hóa lỏng 3.331 chiếc; tàu khách, tàu du lịch, tàu chở người là 48.696 chiếc; còn lại là tàu khác. Trong tổng số phương tiện thủy nội địa, số phương tiện thuộc tư nhân, hộ cá thể là hơn 260.563 chiếc, chiếm khoảng 94,65%, số còn lại thuộc doanh nghiệp nhà nước (8.421chiếc, chiếm 3,06%) và hợp tác xã, tập thể (6.308 chiếc, chiếm 2,29%). Số phương tiện thủy nội địa cũng phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long (80%) và khu vực phía Bắc (15%), số còn lại thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Để đảm bảo an toàn cho phương tiện, thuyền viên, hành khách và hàng hóa, phương tiện thủy nội địa khi hoạt động trên ĐTNĐ phải đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm cấp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tồn tại tình trạng phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn vẫn hoạt động trên ĐTNĐ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT trong quá trình hoạt động. Nguyên nhân là do chủ phương tiện thường chốn đăng kiểm và chấp nhận “chi phí ngoài” để phương tiện không đủ điều kiện vẫn được hoạt động; trách nhiêm công vụ của một số bộ phận cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các điều kiện an toàn của phương tiện chưa cao; sự phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát, thanh tra và Cảng vụ ĐTNĐ chưa được chặt chẽ; kinh phí cho việc phối hợp tuần tra kiểm soát còn hạn chế, công tác tổ chức chưa khoa học.
2.4. Thực trạng tai nạn giao thông
Theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam, 10 năm gần đây, TNGT ĐTNĐ liên tục giảm theo từng năm. Riêng trong năm 2015, tính đến ngày 15/9/2015, trên phạm vi cả nước xảy ra 91 vụ TNGT ĐTNĐ, làm chết 38 người, bị thương 7 người, chìm đắm 82 phương tiện, thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ 640 triệu đồng.
Số vụ TNGT ĐTNĐ gia tăng chủ yếu do phương tiện chở vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi...) với thực tế là hầu hết các phương tiện loại này chở quá tải trọng cho phép và xuất phát từ các cảng, bến thủy nội địa không được cấp phép hoạt động, các điểm mỏ khai thác cát, sỏi trên sông hoặc lấy hàng sang mạn từ những bãi neo đậu trái phép nên việc quản lý rất khó khăn do không có cơ quan chức năng (cảng vụ ĐTNĐ) kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật và kiểm soát tải trọng của phương tiện.
Số người chết vì TNGT ĐTNĐ chủ yếu do phương tiện gia dụng gây ra... Đối với các phương tiện loại này, việc quản lý cũng có một số khó khăn nhất định như: Phương tiện được đóng thủ công nên không có thiết kế ban đầu làm cơ sở để tiến hành các thủ tục đăng kiểm, đăng ký phương tiện; người lái phương tiện thường điều khiển theo kinh nghiệm không có chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn nên hiểu biết về pháp luật và các tiêu chuẩn an toàn đối với phương tiện là rất hạn chế; buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương đối với các phương tiện loại nhỏ, phương tiện gia dụng.
2.5. Hiện trạng trang, thiết bị thông tin và hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý giao thông ĐTNĐ
Quy định về trang, thiết bị thông tin trên phương tiện thủy nội địa như sau:
Đối với các phương tiện mang cấp VR-SB, VR-SI và các tàu chạy ra đảo có khoảng cách 2 đầu tuyến trên 15km phải trang bị 01 thiết bị MF/HF. Các tàu hàng, tàu khách có chiều dài
Việc trang bị trên phương tiện vận tải thủy nội địa các thiết bị như VHF, MF/HF và AIS nhằm hỗ trợ phương tiện hành trình an toàn, hiệu quả, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước thu nhận thông tin phục vụ cho việc giám sát, quản lý hoạt động của phương tiện. Tuy nhiên, với những yêu cầu trang, thiết bị thông tin theo quy định hiện nay thì sẽ không phát huy được hết hiệu quả của khoa học công nghệ đối với công tác quản lý nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thủy nội địa chưa nhận thức hết sự quan trọng, tính hiệu quả, những lợi ích khi phương tiện được trang bị các thiết bị hỗ trợ nên việc trang bị, lắp đặt các thiết bị này vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
3. Các giải pháp
Để khắc phục những tồn tại trên, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước tại cảng vụ ĐTNĐ là vô cùng quan trọng và cấp thiết; phải triển khai một cách đồng bộ, tổng thể hệ thống CNTT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời công khai, minh bạch, giảm thời gian các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Một số giải pháp sau:
Thứ nhất, triển khai đồng bộ toàn diện hệ thống quản lý cấp phép điện tử phương tiện ra, vào cảng bến thủy nội địa từ cảng vụ ĐTNĐ Trung ương đến địa phương:
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải thủy nội địa, Cục ĐTNĐ Việt Nam xây dựng và thực hiện triển khai thí điểm phần mềm cấp phép điện tử phương tiện ra, vào cảng bến thủy nội địa tại 4 Cảng vụ ĐTNĐ trung ương. Theo thống kê đến ngày 15/11/2015, trên cả nước đã thực hiện 6.822 lượt cấp phép, trong đó: Cấp phép vào 3.599 lượt, cấp phép rời 3.223 lượt, xử lý vi phạm là 34 vi phạm.
Việc áp dụng CNTT trong công tác quản lý cấp phép phương tiện ra, vào cảng bến thủy nội địa sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại cảng, bến thủy nội địa, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải (trước khi phương tiện cập cảng bến, chủ phương tiện hoặc thuyền trưởng gửi một tin nhắn SMS đến đại diện cảng vụ quản lý, cảng bến nơi phương tiện dự kiến cập bến; các thủ tục tiếp theo sẽ được cán bộ chức năng xử lý, bảo đảm khi phương tiện đến cảng, bến sẽ hoàn thiện các thủ tục theo quy định để có thể cập bến nhanh nhất, giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp). Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra hiện trường cũng như các lỗi mà phương tiện vi phạm sẽ được cập nhật lên hệ thống dữ liệu chung của đại diện cảng vụ ĐTNĐ và thông báo đến các lực lượng như thanh tra, cảnh sát. Khi phương tiện hành trình và ghé đến cảng tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ tập trung vào các lỗi này để kiểm tra, giúp giảm thiểu thời gian kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần bảo đảm ATGT trên ĐTNĐ. Chủ phương tiện, doanh nghiệp cũng có thể tra cứu dữ liệu về phương tiện đang bị xử phạt về vấn đề gì để kịp thời khắc phục, bảo đảm hoạt động của phương tiện được liên tục, an toàn và hiệu quả.
Lực lượng liên ngành tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT đường thủy trên sông Lạch Tray - TP. Hải Phòng |
Đối với cán bộ cảng vụ viên thực hiện công tác cấp phép phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa, hệ thống cung cấp nhiều tiện ích: Mỗi khi phương tiện sắp đến cảng bến, cảng vụ viên được thông báo qua tin nhắn SMS có thể kiểm tra hồ sơ phương tiện trên hệ thống, lịch sử hành trình phương tiện, lịch sử vi phạm phương tiện, kết nối đến dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu thuyền viên để kiểm tra bằng thật bằng giả…, giúp cho việc cấp phép được thực hiện chính xác, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng thuyền viên sử dụng bằng giả, phương tiện không bảo đảm ATKT.
Đối với thanh tra, CSGT, qua hệ thống có thể cập nhật thông tin vi phạm của các phương tiện để lập và triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, bảo đảm ATGT trên ĐTNĐ; đồng thời cập nhật những vi phạm (vượt quá tải trọng, không bảo đảm an toàn…) của các phương tiện đã được kiểm tra vào hệ thống để cán bộ cảng vụ kiểm tra khi phương tiện vào, rời cảng bến thủy nội địa, từ đó hình thành lịch sử vi phạm và thống kê vi phạm của các phương tiện, giúp Cục ĐTNĐ Việt Nam, Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam tập trung chỉ đạo bảo đảm sát với thực tế và đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, xây dựng danh bạ trực tuyến cảng bến thủy nội địa trên cả nước
Việc triển khai danh bạ trực tuyến cảng bến thủy nội địa giúp cho Cục ĐTNĐ Việt Nam, các chi cục ĐTNĐ, cảng vụ ĐTNĐ, sở GTVT quản lý, điều hành cảng bến thủy nội địa khoa học, nhanh chóng, hiệu quả. Với cơ sở dữ liệu cảng bến toàn diện và dữ liệu lưu lượng vận tải hàng hóa được cập nhật theo thời gian thực sẽ là cơ sở để các đơn vị quản lý nhà nước quy hoạch cảng bến, góp phần nâng cao ATGT ĐTNĐ, đồng thời thông tin hữu ích từ danh bạ cảng bến giúp cho thuyền viên, chủ phương tiện, doanh nghiệp lập kế hoạch chuyến đi an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, với cơ sở dữ liệu cảng bến thủy nội địa, các đơn vị quản lý nhà nước thống kê và phân tích dữ liệu các bến không phép, từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu số lượng bến thủy nội địa hoạt động tự phát, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chưa được tổ chức quản lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và bất bình đẳng trong hoạt động cảng, bến thủy nội địa.
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu phương tiện thủy nội địa, bằng chứng chỉ chuyên môn, giấy CNKNCM, người lái phương tiện thủy nội địa.
Với mục tiêu từng bước hình thành ngân hàng dữ liệu về phương tiện và thuyền viên trong toàn quốc phục vụ cho công tác quản lý nhằm mục tiêu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển lĩnh vực ĐTNĐ và kết nối với các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa nói chung và trong công tác quản lý phương tiện, thuyền viên người lái phương tiện thủy nội địa, góp phần quan trọng trong tiến trình bảo đảm ATGT ĐTNĐ. Cục ĐTNĐ Việt Nam, các chi cục ĐTNĐ, các sở GTVT tỉnh, thành, các trường cao đẳng GTVT đã thực hiện việc cập nhật dữ liệu phương tiện, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa trên hệ thống cơ sở dữ liệu chung của toàn Ngành. Qua bước đầu triển khai, toàn bộ cơ sở dữ liệu được tích hợp lên Cổng thông tin điện tử Cục ĐTNĐ Việt Nam phục vụ các đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân có thể tra cứu, khai thác dữ liệu.
Thứ tư, xây dựng hệ thống báo cáo trực tuyến ATGT và số liệu vận tải toàn Ngành
Triển khai báo cáo trực tuyến công tác vận tải thủy nội địa và ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến; tổng hợp, lập danh sách các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa trên phạm vi cả nước đưa lên cổng thông tin điện tử của Cục; thông báo công khai, rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của Cục để tiếp nhận kịp thời thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp trong công tác vận tải thủy nội địa.
Báo cáo trực tuyến công tác bảo đảm TTATGT và hoạt động vận tải được Cục ĐTNĐ Việt Nam xây dựng và yêu cầu các đơn vị trực thuộc và 63 sở GTVT các tỉnh, thành phố báo cáo hàng tháng tình hình bảo đảm TTATGT ĐTNĐ và số liệu của hoạt động vận tải; dữ liệu sau khi cập nhật được hiển thị dưới dạng biểu đồ trực quan, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích tổng quan tình hình TNGT ĐTNĐ trong một khoảng thời gian tự chọn, từ đó đưa ra các giải pháp sát với thực tiễn và có hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT ĐTNĐ. Số liệu sẽ được lưu trữ và tự phân tích, so sánh với các thời điểm. Người làm báo cáo chỉ việc chiết xuất dữ liệu báo cáo từ hệ thống, giúp giảm thời gian trong công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo.
Thứ năm, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu và kiểm soát hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên các tuyến ĐTNĐ.
Để quản lý được số lượng sông kênh lớn (80.577km) này chỉ có ứng dụng CNTT mới là giải pháp tối ưu để quản lý được các phương tiện hoạt động trên tuyến đường thủy của Việt Nam. Cục ĐTNĐ Việt Nam đang từng bước ứng dụng công nghệ AIS (nhận dạng tự động) và đề xuất giải pháp hệ thống điều phối, hỗ trợ giao thông đường thủy VTS (Vessel Traffic Service) trong công tác quản lý kiểm soát phương tiện, an toàn và anh ninh ĐTNĐ.
Thứ 6, ứng dụng CNTT để tuyên truyền ATGT trực tiếp đến người dân.
Hiện nay, Internet và mạng xã hội được người dân sử dụng rất phố biến, việc tuyên truyền ATGT trên website Ngành, mạng xã hội... có lợi thế là trực tiếp truyền tải đến người dân những thông tin, những khuyến cáo để bảo đảm ATGT khi tham gia giao thông trên ĐTNĐ. Cục ĐTNĐ Việt Nam đã quan tâm và triển khai, duy trì 02 địa chỉ mạng xã hội: www.facebook.com/cucduongthuynoidia và www.facebook.com/antoanduongthuy, đồng thời thường xuyên tạo banner, video, các tin bài về ATGT ĐTNĐ trên Cổng thông tin điện tử của Cục để tuyên truyền thông tin trong lĩnh vực ĐTNĐ nói chung và lĩnh vực ATGT ĐTNĐ nói riêng. Đây cũng là nơi tiếp nhận giám sát xã hội, phản biện xã hội từ người dân, doanh nghiệp và xử lý thông tin nhanh chóng.
Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đã cung cấp đường dây nóng, email để tiếp nhận và xử lý kịp thời, hiệu quả thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp về thực trạng ĐTNĐ.
4. Kiến nghị
Lãnh đạo ngành ĐTNĐ, sở GTVT tỉnh, thành phố, cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng toàn diện, đồng bộ CNTT trong công tác quản lý tại cảng vụ ĐTNĐ từ trung ương đến địa phương.
Đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu quy định bắt buộc các phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến vận tải ven biển có trọng tải từ 500T trở lên phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS. Các phương tiện VR-SB từ 300 - 500T hoạt động tuyến ven biển và các phương tiện VR-SI, VR-SII có trọng tải từ 300T trở lên phải lắp đặt thiết bị thông tin vô tuyến điện VHF.
Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam, sở GTVT các tỉnh, thành phố phối hợp với Cục ĐTNĐ Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu của phương tiện thủy nội địa, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa; có cơ chế kết nối chia sẻ dữ liệu chuyên ngành qua hệ thống phần mềm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trên ĐTNĐ.
Ban ATGT các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, gắn trách nhiệm lãnh đạo cơ sở đối với an toàn của các bến khách ngang sông; đưa cơ sở dữ liệu bến khách ngang sông lên danh bạ cảng bến thủy nội địa phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, điều phối ATGT ĐTNĐ.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố quan tâm phối hợp với Cục ĐTNĐ Việt Nam trong công tác quản lý các bến thủy nội địa không phép; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tải trọng, kiểm tra điều kiện bảo đảm ATGT ĐTNĐ.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên ĐTNĐ, đặc biệt là trên tuyến vận tải ven biển quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý tàu qua hệ thống AIS nhằm hiện đại hóa công tác quản lý tàu, tránh thất thoát hàng hóa, bảo đảm tàu hành trình theo đúng kế hoạch chuyến đi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.