Ứng dụng thành công kĩ thuật hiện đại điều trị bệnh lý mạch máu não

Tác giả: Minh Hà

saosaosaosaosao
Ứng dụng 24/08/2016 05:39

“Cụm công trình ứng dụng các kĩ thuật hiện đại tiên tiến trong chuẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch máu não bằng Điện quang can thiệp nội mạch” do GS.TS Phạm Minh Thông và các đồng tác giả bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên ứng dụng thành công các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trong chuẩn đoán và can thiệp điều trị một số bệnh lý mạch máu não ở Việt Nam

4 (1)
GS.TS Phạm Minh Thông giao lưu cùng bạn đọc

Cụm công trình trên vừa được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN lần này. Trước thềm sự kiện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Minh Thông đại diện tác giả cụm công trình trên.

GS có thể nói rõ hơn về kết quả của công trình do GS và cộng sự thực hiện trong thời gian qua?

GS.TS Phạm Minh Thông: Mỗi năm ở riêng Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm bệnh nhân được điều trị thông động mạch cảnh xoang hang thành công, khoảng 200 bệnh nhân phình mạch não được điều trị thành công, vài trăm bệnh nhân đột quỵ não được chẩn đoán kịp thời và hàng trăm bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết và lấy huyết khối. Và các trung tâm khoác như Bệnh viện 108, 103, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM, Bệnh viện 115, Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng... đã điều trị thành công rất nhiều bệnh nhân.

Hiện nay chúng tôi đang chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch não cho bệnh viện tuyến tỉnh, đang và sẽ và có kế hoạch chuyển giao cho bệnh viện tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới...

Ngoài chuyển giao các kỹ thuật can thiệp mạch não, chúng tôi còn can thiệp điều trị nhiều bệnh lý khác qua đường mạch máu hoặc trực tiếp qua da như điều trị ung thư gan bằng đốt bằng sóng RF, điều trị ung thư gan bằng nút mạch bằng hạt hóa chất, hạt phóng xạ.

Và đặc biệt hiện nay chúng tôi đang điều trị phì đại tiền liệt tuyến bằng nút mạch. Đây là kỹ thuật mới đã triển khai thành công, người bệnh sau điều trị có chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với phẫu thuật.

Chúng tôi đang dự kiến chuyển giao cho một số bệnh viện ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Trong hai năm đã có hơn 50 bệnh nhân điều trị thành công.

GS có thể chia sẻ những khó khăn của mình trong quá trình thực hiện công trình?

GS.TS Phạm Minh Thông: Đây là những kỹ thuật mới, tiên tiến ở các nước phát triển. Sau thời gian học tập ở nước ngoài, tôi thấy bệnh lý mạch máu não được điều trị hiệu quả bằng can thiệp nội mạch, trong khi ở VN những năm 1999-2000 vẫn phẫu thuật với nhiều biến chứng.

Ví dụ ở Pháp thì thông động mạch cảnh xoang hang chỉ điều trị bằng can thiệp nội mạch, phình mạch não cũng được can thiệp nội mạch là chủ yếu, chủ phẫu thuật một số trường hợp can thiệp nội mạch thất bại.

Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm đưa kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị bệnh lý mạch máu não vào VN.

Ca đầu tiên tiến hành điều trị thông động mạch cảnh xoang hang năm 1999, trước khi can thiệp chúng tôi đã hội chẩn với hội đồng các giáo sư nổi tiếng trong ngành y như GS Vũ Văn Đính, GS Phạm Gia Khải, GS Dương Trạm Uyên, cố giáo sư Hoàng Kỷ, nhưng chúng tôi đã thất bại.

Một tuần sau, tôi đã mời giáo sư người Pháp Deramond ở ĐH Amiens sang hỗ trợ kỹ thuật. Dù đã học một số năm ở Pháp, tuy nhiên vẫn cần phải có GS trực tiếp chuyển giao kỹ thuật.

Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã hoàn thiện kỹ thuật, và những bài báo khoa học đầu tiên đã được đăng tải vào năm 2001, về những kỹ thuật này. Nhiều người bệnh đã được cứu sống, và chúng tôi đã đào tạo và chuyển giao cho các bệnh viện khác từ những năm 2002.

Năm 2004-2005, chúng tôi đã vào TP.HCM nhiều lần để chuyển giao kỹ thuật này tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, Bệnh viện 115, vì chúng tôi cũng hiểu rằng các đồng nghiệp học lý thuyết và kiến tập là không đủ mà phải trực tiếp được cầm tay chỉ việc.

Công trình có nhận đuợc sự hỗ trợ gì từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan đơn vị? Giáo sư có mong muốn gì sau khi nhận được giải thưởng cao quý này?

GS.TS Phạm Minh Thông:Đây là cụm công trình của nhóm tác giả, chúng tôi cùng các cộng sự đã triển khai trong nhiều năm, kết quả được triển khai ở nhiều trung tâm trong cả nước.

Bộ Y tế và Bộ Khoa học công nghệ đã đánh giá cao cụm công trinh và đã hỗ trợ chúng tôi trong hoàn thiện thủ tục để có thể sớm gửi lên các Hội đồng.

Giải thưởng này là niềm vinh dự lớn của chúng tôi và các đồng tác giả và sẽ tiếp thêm động lực cho chúng tôi trong nghiên cứu và triển khai các đề tài khác, cũng như chuyển giao các kết quả của đề tài cho các cơ sở y tế.

Tôi cũng mong rằng Bộ Khoa học công nghệ tiếp tục là cái nôi đỡ đầu cho những sáng kiến và ý tưởng mới của các tác giả và các nhà khoa học, để các ý tưởng mới mẻ sớm có cơ hội được nghiên cứu và ứng dụng.

Có một số ý kiến cho rằng, đầu tư cho KH&CN trong những năm gần đây chưa đáp ứng được nhu cầu, GS có thấy như vậy không?

GS.TS Phạm Minh Thông:Việt Nam vừa vượt qua ngưỡng thu nhập thấp và đang ở mức trung bình thấp, nên cơ bản kinh tế còn khó khăn, nên theo tôi khái niệm đủ khó định lượng.

Hiện nay Đảng và Nhà nước đã dành nguồn kinh phí khá lớn cho nghiên cứu khoa học. Ví dụ cách đây 10 năm một đề tài cấp bộ chỉ được đầu tư 300-400 triệu đồng, thì hiện nay khoản đầu tư đó có thể lên đến vài tỷ, còn đề tài cấp nhà nước lên đến hàng chục tỷ.

Vấn đề là các nhà khoa học lớn phải đưa ra các định hướng và chứng minh được tính hiệu quả của các đề tài.Ngành y của chúng tôi chủ yếu là các nghiên cứu ứng dụng gen trị liệu, tế bào gốc, công nghệ nano, vắc xin và đều đã được đầu tư và có kết quả nhất định.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận