Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô con sản xuất trong nước

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 25/11/2019 06:31

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 9 chỗ sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Chính sách này nếu được áp dụng sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế cũng như ngành ô tô Việt Nam.

0422_Lap_rap_o_to_trong_nuoc

Lép vế cạnh tranh

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô đến 9 chỗ ngồi tại Việt Nam còn cao so với khu vực. Trong khi đó, so với các sản phẩm ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là các sản phẩm từ ASEAN, ô tô sản xuất, lắp rắp trong nước đang gặp bất lợi về giá thành bởi chi phí sản xuất cao. Nguyên nhân do dung lượng thị trường hiện tại của ngành ô tô Việt Nam còn nhỏ, sản lượng tích lũy nội địa thấp, các doanh nghiệp đang sản xuất với công suất thấp xa so với công suất thiết kế của các nhà máy nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa phát triển. Hầu hết các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài nên chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm... khiến tăng giá thành sản xuất.

Bộ Công Thương cho biết, các yếu tố bất lợi nêu ở trên đã khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam còn cao hơn từ 10 đến 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Nếu không có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm giảm giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước, thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đặc biệt là sản xuất, lắp ráp ô tô con sẽ khó có thể duy trì phát triển, do không thể cạnh tranh được với làn sóng ô tô nhập khẩu. Hệ quả của nó sẽ hkiến thâm hụt ngân sách lớn (ngành ô tô mỗi năm đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách nhà nước), tác động khó khăn đến các ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp cung ứng, phân phối và dịch vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; ảnh hưởng hưởng đến việc làm của hơn 100.000 lao động trực tiếp (chưa kể các lao động gián tiếp) trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, ngành ô tô trong nước không phát triển còn có nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam. Căn cứ vào các phân tích, dự báo về thị trường và nhu cầu sử dụng ô tô của Việt Nam đến năm 2025, Bộ Công Thương nhận định, nếu không có sản xuất xe con trong nước, toàn bộ thị trường xe con là nhập khẩu, thì kim ngạch nhập khẩu ô tô và linh kiện ô tô của Việt Nam năm 2025 ước tính sẽ lên đến khoảng 12 tỷ USD, năm 2030 khoảng 21 tỷ USD. Xét về dài hạn, ngành ô tô trong nước không phát triển, nhà nước khó có thể giải được bài toán cân bằng ngoại tệ đảm bảo cho việc nhập khẩu ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô phục vụ phát triển đất nước trong tương lai.

“Đòn bẩy” chính sách thuế

Có thể khẳng định, việc Bộ Tài Chính đề xuất áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của ô tô trong nước, từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa. Đồng thời, tạo ra hiệu ứng lan tỏa phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, cũng như hệ thống cung ứng, dịch vụ vệ tinh phục vụ ngành ô tô; tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành đóng góp ngân sách thông qua nộp thuế đáng kể nhất. Đặc biệt, theo dự báo Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ ô tô hóa trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng ô tô sẽ bùng nổ. Nếu bảo vệ thành công sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, sẽ tạo ra thị trường lớn cho các doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất, qua đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước thông qua thuế, đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng GDP cả nước, hạn chế tình trạng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thanh toán quốc tế trong ngành ô tô nhiều chục năm qua.

Việc khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của chính sách này, cũng sẽ góp phần cho ô tô trong nước phát triển, tận dụng cơ hội xuất khẩu ra các thị trường khu vực và quốc tế để hưởng các ưu đãi thuế quan theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc.

Mặc dù, xét trong ngắn hạn, có thể chính sách thuế mới này sẽ khiến hụt thu ngân sách một khoản nhất định do cách xác định giá tính thuế TTĐB mới sẽ làm số thuế thu được tạm thời giảm. Song mức hụt thu này sẽ được bù đắp lại nhờ việc các doanh nghiệp tăng số lượng xe sản xuất, tiêu thụ và phải đóng thuế.

Ý kiến của bạn

Bình luận