TS. Hoàng Văn Long Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh Người phản biện: PGS. TS. Võ Phước Tấn TS. Trần Đăng Thịnh |
TÓM TẮT: Trong quá trình nghiên cứu về đường ô tô cao tốc, đặc biệt là tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có vị trí và vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của cả khu vực Tây Nam bộ nói chung. Bài báo trình bày những vai trò, lợi ích của tuyến đường trên đối với sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh.
TỪ KHÓA: Đường cao tốc, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
ABSTRACT: In the research process of high-speed motorway, we see that Ho Chi Minh City - Trung Luong Expressway, which connects Ho Chi Minh City with provinces of the Mekong Delta, plays an important role in social - economic development of Ho Chi Minh City in particular and the Southwest region in general. The article presents the role and benefit of the expressway in the sustainable development of Ho Chi Minh City.
KEYWORDS: Freeway, city expressway Ho Chi Minh City - Trung Luong.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với các ngành khác, ngành GTVT đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư phát triển hạ tầng GTVT với vốn đầu tư hàng năm vào khoảng 5% GDP nói riêng và khoảng 4 - 5% GDP vào cơ sở hạ tầng nói chung.
Kể từ khi đổi mới đến nay, đầu tư phát triển luôn là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thay đổi mô hình tăng trưởng, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn chế, việc nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước nói chung và hiệu quả của các dự án hạ tầng kỹ thuật nói riêng trở thành một vấn đề hết sức quan trọng. Nâng cao hiệu quả của các dự án đường cao tốc chính là một trong các hoạt động theo hướng đó.
Như vậy, điều ai cũng có thể nhận thấy rất rõ là trong thời gian sắp tới đây, rất nhiều hệ thống đường ô tô cao tốc (ĐCT) sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Vậy, hệ thống ĐCT có vai trò như thế nào trong việc phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh và những giải pháp cơ bản nào nhằm khai khác hệ thống ĐCT có hiệu quả.
2. HỆ THỐNG ĐƯỜNG Ô TÔ CAO TỐC TẠI KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Theo số liệu từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), tổng chiều dài đường bộ nước ta hiện có trên 258.200km, trong đó, quốc lộ và cao tốc 18.744 km, chiếm 7,26%. Ngày 25/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 356/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó ĐCT đặc biệt được chú trọng và quan tâm. Việt Nam đã, đang và sẽ xây dựng 2.018,6km đường bộ cao tốc. Đến hết năm 2015, cả nước sẽ hoàn thành 700km ĐCT, đang thi công 457km, chuẩn bị khởi công triển khai 120km và đã có nhà đầu tư quan tâm 508km, tổng cộng là 1.785km ĐCT. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác 567km ĐCT; đang triển khai thi công 457km và đã xác định nguồn vốn đầu tư cho 3 dự án ĐCT: Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Dầu Giây - Phan Thiết, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch với chiều dài 120km.
Hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có các dự án đường ô tô cao tốc như: ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương; ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh); Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch). Tuy nhiên, để đưa vào khai thác hệ thống ĐCT thì tại TP. Hồ Chí Minh có hai dự án đang khai thác, đó là: (1) Dự án xây dựng đường ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (ĐCT TP. HCM - TL) đi qua ba địa phương, đó là TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang và là một bộ phận của tuyến ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, từ đó hình thành trục dọc song song với QL1 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là của cả khu vực phía Nam, củng cố an ninh - quốc phòng, giảm tải cho QL1 cũng như các tỉnh lộ hiện hữu. (2) Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (ĐCT TP. HCM - LT - DG) là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam; đồng thời dự án sau khi hoàn tất sẽ nối liền với Đại lộ Đông Tây, ĐCT TP. HCM - TL và trong tương lai sẽ kết nối vào mạng lưới cao tốc quốc gia tạo lập một hệ thống cao tốc liên vùng.
3. VAI TRÒ CỦA ĐƯỜNG Ô TÔ CAO TỐC ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
ĐCT TP. HCM - TL là một phần trong dự án ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, sẽ nối liền hai khu vực kinh tế quan trọng của nước ta là khu kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm là TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm là TP. Cần Thơ. Tuyến cũng đi qua hoặc đi rất gần một số thị xã, thành phố của đồng bằng sông Cửu Long như: TP. Tân An, TP. Mỹ Tho… là các trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của các tỉnh Long An, Tiền Giang. Vì vậy, dự án này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự giao lưu và hỗ trợ phát triển kinh tế giữa hai khu vực và giữa các tỉnh trong khu vực với nhau. Nhờ có tuyến ĐCT này mà toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long được gắn kết chặt hơn với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế của khu vực và cả nước.
Hiện nay, GTVT đường bộ TP. HCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều thực hiện chủ yếu thông qua QL1. Trên đoạn QL1A từ TP. Hồ Chí Minh đến Cà Mau thì đoạn TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ là đoạn có lưu lượng xe lớn nhất, đặc biệt là đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Mỹ Thuận. Lưu lượng xe trên đoạn này lớn không chỉ do nhu cầu trao đổi hàng hóa, đi lại mà là một phần còn do tính độc tuyến hiện nay của QL1. Tổng số làn xe yêu cầu cho từng đoạn tuyến từ 4 làn đến 8 làn cho thời kỳ năm 2015 theo tính toán, dự trù nêu ở trên là chính xác. Điều này cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của tuyến ĐCT TP. HCM - TL. Với tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chiều dài tuyến ngắn, ĐCT TP. HCM - TL đã, đang và sẽ thu hút một lượng phương tiện từ QL1, đặc biệt là xe đường dài, nhờ đó, QL1A sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức lại giao thông phục vụ cho giao thông nội đô, giao thông tuyến ngắn và như vậy là hiệu quả sử dụng chung của cả 2 tuyến được phát huy.
ĐCT TP. HCM - LT - DG là dự án giữ vai trò và vị trí cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đến phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam bộ từ trục trung tâm TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đi các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. ĐCT TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam. Dự án sau khi hoàn tất sẽ nối liền với Đại lộ Đông Tây, ĐCT TP. HCM - TL và trong tương lai sẽ kết nối vào mạng lưới cao tốc quốc gia tạo lập một hệ thống cao tốc liên vùng, từ đó làm tiền đề khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả khu vực. Tuyến cao tốc sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy khai thác thế mạnh về du lịch của Vũng Tàu và Đà Lạt, phát huy hiệu quả của cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực về mọi mặt, trong đó có cạnh tranh về dịch vụ vận tải biển quốc tế; phục vụ nhu cầu vận tải của sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL51 và QL1, góp phần giảm thiểu TNGT; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; rút ngắn hành trình TP. Hồ Chí Minh - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 20km, rút ngắn hành trình từ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại so với đi theo các QL1A, QL51 hiện nay với ưu thế về tiêu chuẩn kỹ thật cao hơn, tốc độ lớn hơn và điều kiện ATGT tốt hơn.
Dự án cũng tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giao thương ba trung tâm kinh tế lớn của khu vực là TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. QL1 đoạn TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) hiện có mật độ giao thông rất lớn, đã có dấu hiệu quá tải, tốc độ lưu thông không cao, tình trạng kẹt xe, TNGT thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, dự án còn tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển của các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh như Long Thành, Nhơn Trạch, Dầu Giây, Phú Mỹ, Phước Thái…, giảm áp lực giao thông nội đô vào trung tâm thành phố, cải thiện môi trường đô thị.
4. ĐƯỜNG Ô TÔ CAO TỐC ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA TP. HỒ CHÍ MINH
4.1. Lĩnh vực kinh tế
Giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa: Giá trị hàng hóa chịu tác động bởi các yếu tố như thời hạn sử dụng và việc thu hồi nhanh vốn do giá thành sản xuất của hàng hóa đó, bên cạnh đó những mặt hàng vận chuyển nhanh chóng do giao thông thuận tiện (sử dụng ĐCT) sẽ làm giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là hàng hóa đông lạnh và hàng rau củ quả, đồng thời làm giảm tối đa chi phí vận hành của hàng hóa.
Tiết kiệm thời gian di chuyển của hành khách: Trước khi có ĐCT TP. HCM - TL thì các loại phương tiện giao thông phần lớn đều phải di chuyển trên QL1 để đi từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tây Nam bộ và ngược lại, bình quân phương tiện di chuyển trên QL1 đối với từng loại xe từ 74 phút đến 110 phút (trong điều kiện QL1 không bị kẹt xe vì bất cứ lý do gì). Tuy nhiên, khi lưu thông trên ĐCT TP. HCM - TL thì thời gian được rút xuống từ 52 phút đến 72 phút cho từng loại phương tiện. Như vậy, rõ ràng việc di chuyển trên ĐCT so với QL1 (trên cùng một quãng đường) tùy từng loại phương tiện chúng ta có thể tiết kiệm được từ 22 đến 38 phút. Cũng cần chú ý thời gian tiết kiệm trên đây có tính chất tương đối giữa ĐCT và QL1, vì QL1 có thể đã được thông thoáng hơn nhiều so với thời điểm chưa đưa ĐCT vào khai thác, nhờ một lượng lớn phương tiện di chuyển trên ĐCT.
Mở rộng thị trường, kết nối, lan tỏa: Phát triển kinh tế phải đi đôi với vấn đề phát triển bền vững và cân bằng. Ở góc độ vai trò của giao thông, có thể thấy rằng hệ thống giao thông thuận lợi góp phần khắc phục sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng miền. ĐCT TP. HCM - TL rõ ràng tạo nên một huyết mạch kết nối giữa trung tâm kinh tế của miền Nam là TP. Hồ Chí Minh và phần còn lại của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... Nhiều hệ quả tích cực như là những đóng góp ở góc độ kinh tế vĩ mô của ĐCT TP. HCM - TL như: Giảm sự chênh lệch giá cả giữa các khu vực; giảm sự chênh lệch thu nhập giữa các khu vực; nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chu chuyển hàng hóa và vận tải hành khách.
Rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống văn hóa xã hội: Do tiết kiệm thời gian và tạo thêm một tuyến lưu thông quan trọng, ĐCT TP. HCM - TL rõ ràng có những đóng góp quan trọng đối với phát triển vùng ở những địa phương mà nó đi qua hay những địa phương ở hai đầu. Tuy nhiên, việc đưa ĐCT TP. HCM - TL vào sử dụng và khai thác chưa lâu và nhất là do sự biến động kinh tế trong thời gian qua làm cho các chỉ số phát triển bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, đối với việc rút ngắn khoảng cách vùng miền, có thể thấy các khía cạnh sau:
Thứ nhất, đó là việc gia tăng khả năng lựa chọn dịch vụ đối với trung tâm đô thị lớn là TP. Hồ Chí Minh. Kết quả phỏng vấn cho thấy, ĐCT đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sử dụng các dịch vụ giáo dục, y tế ở TP. Hồ Chí Minh. Với thời gian rút ngắn hơn, việc khám chữa bệnh hiểm nghèo, việc theo học các chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, cao học… được gia tăng.
Thứ hai, ĐCT TP. HCM - TL đóng vai trò trong việc giảm sự khác biệt về giá cả hàng hóa (nhất là hàng hóa nông sản, phục vụ tiêu dùng…) ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hàng hóa trung chuyển nhanh hơn, với chi phí thấp hơn làm cho sự chênh lệch giá cả giảm xuống và chất lượng tăng lên. Tính chất cạnh tranh thương mại cũng ngày càng trở nên mạnh hơn, mà đối tượng hưởng lợi là người tiêu dùng.
Thứ ba, lưu thông nhanh chóng trên ĐCT qua các tỉnh, thành cũng góp phần nâng cao đời sống văn hóa xã hội, khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao lưu văn hóa giữa các vùng miền.
Tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện: Như vậy, một điều rất rõ ràng khi đưa vào khai thác ĐCT TP. HCM - TL ngoài việc các phương tiện vận tải sẽ được lưu thông với tốc độ cao thì QL1 song song với ĐCT trên cũng sẽ được cải thiện nhờ một lượng lớn phương tiện di chuyển trên ĐCT. Việc tăng vận tốc lưu thông của phương tiện sẽ làm giảm chi phí khai thác phương tiện, tức là có một lợi ích thu được từ việc tiết kiệm chi phí khai thác.
4.2. Lĩnh vực xã hội
Nếu như trong lĩnh vực kinh tế, vai trò của ĐCT liên quan trực tiếp đến việc khai thác, thu lợi từ dự án ĐCT, hay đến chi phí vận chuyển vận tải hay đến những vấn đề vĩ mô hơn trong tăng trưởng kinh tế, thì các lợi ích xã hội thường khó định lượng và phân tích hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các giá trị xã hội của ĐCT TP. HCM - TL không tồn tại. Ngược lại, các giá trị xã hội của ĐCT nói trên rất đáng chú ý. Trong khuôn khổ của tham luận này, tác giả sẽ đề cập những lợi ích xã hội của ĐCT TP. HCM - TL ở ba khía cạnh: Giảm thiểu ùn tắc; giảm TNGT; tạo công ăn việc làm…
Giảm thiểu ùn tắc: Trước khi ĐCT TP. HCM - TL đưa vào khai thác thì hiện trạng UTGT thường xuyên diễn ra tại các vùng thị tứ, đặc biệt là huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) và TP. Tân An (Long An). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc UTGT, song một trong các nguyên nhân có tính chất đặc biệt quan trọng đó là cơ sở hạ tầng giao thông. Nếu hạ tầng giao thông không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng phát triển của nền kinh tế và không đi trước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thì việc giải quyết vấn đề ùn tắc là rất khó khăn. ĐCT TP. HCM - TL khi đưa vào khai thác đã góp phần trực tiếp vào việc giảm thiểu UTGT tại của ngõ phía Tây của Thành phố và TP. Tân An (tỉnh Long An), nhờ hệ thống nút giao.
Giảm TNGT: Các dự án giao thông nói riêng và giao thông đường bộ nói chung ngoài việc phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương mà ĐCT đi qua hoặc cho cả vùng thì việc ra đời của ĐCT có những mặt tích cực về việc giảm thiểu TNGT, một lượng lớn phương tiện trước đây lưu thông trên QL1 sẽ dịch chuyển qua ĐCT để lưu thông, từ đó sẽ làm giảm lưu lượng xe cho quốc lộ, đặc biệt đối với tình hình giao thông tại Việt Nam phần lớn là xe máy cùng lưu thông với xe ô tô chung một tuyến đường. Nguyên nhân của TNGT một phần do con người nhưng phần lớn những tai nạn do hệ thống giao thông không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, dẫn đến tình trạng mạng lưới đường giao thông trở nên quá tải và mật độ phương tiện giao thông ngày càng dày đặc
Tạo công ăn việc làm:
Thứ nhất, số lượng CB, CNV tham gia trực tiếp vào việc xây dựng tuyến đường trên từ khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho đến khi dự án đưa vào khai thác. Không dừng lại ở đó, trong suốt dòng đời của dự án trên thì số lượng lao động tham gia trực tiếp vào vận hành khai thác của tuyến đường trên luôn được duy trì.
Thứ hai, tạo công ăn việc làm. Như vậy rõ ràng rằng, với sự tăng trưởng kinh tế thì ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn theo việc di cư, nhập cư, dân số cơ học ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc di cư, nhập cư, tăng dân số cơ học này là do lao động ở nông thôn thiếu việc làm, mức thu nhập thấp, công việc theo mùa vụ, nhiều thời gian nhàn rỗi. Tình trạng nhập cư vào khu vực đô thị ngày càng tăng nhanh kéo theo nhiều vấn đề phải giải quyết như chỗ làm, nhà ở, điều kiện đảm bảo cho đời sống, các tệ nạn xã hội… Để giải quyết được vấn đề trên cùng với các giải pháp khác nhau như các chính sách thu hút, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm tại địa phương... thì một trong các giải pháp quan trọng đó là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đặc biệt là giao thông đường bộ. Cụ thể, ĐCT TP. HCM - TL đi vào khai thác sẽ thu hút được các nhà đầu tư đến đầu tư tại các địa phương có ĐCT đi qua (tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang). Các dự án, nhà máy, các khu công nghiệp hình thành, đây cũng là những yếu tố chính tạo công ăn việc làm cho số lao động dư thừa ở nông thôn, sẽ kéo dãn một lượng không nhỏ lao động (lao động địa phương) trở về từ các khi đô thị lớn. Như vậy, vừa giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động địa phương, vừa là động cơ để các địa phương phát triển ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, bên cạnh đó sẽ giúp các thành phố lớn lân cận (TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa…) giảm được dân số tăng cơ học.
4.3. Lĩnh vực môi trường
Giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng có vai trò đặc biệt to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ, là một đất nước nông nghiệp đang từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò của ngành GTVT luôn luôn được coi trọng và đầu tư xứng đáng. Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên thì hàng ngày các phương tiện GTVT lại gây ra những tác động xấu đến môi trường xung quanh và gây nguy hại cho sức khỏe của con người. Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu của giao thông chủ yếu là khí đốt nhiên liệu, bụi và tiếng ồn. Trong ba tác nhân trên thì việc hạn chế chất thải độc hại do khí đốt của phương tiện bằng các phát minh sáng chế và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì việc giảm thiểu bụi và tiếng ồn do việc xây dựng những tuyến đường mới cách xa khu vực sinh sống của người dân, đường sá được xây dựng mới nhằm giảm tải lưu lượng phương tiện lưu thông cũng là một trong các giải pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro do phương tiện giao thông gây ra.
Giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn: Cũng như khói bụi, tiếng ồn là dạng ô nhiễm phổ biến ở các đô thị. Trong các nguồn sinh ra tiếng ồn ở đô thị thì các phương tiện GTVT đóng vai trò chủ yếu với những nguyên nhân sau: Tiếng ồn do động cơ, ống xả; tiếng ồn rung động các bộ phận xe; tiếng ồn đóng cửa xe, còi xe, phanh xe, sự tương tác giữa lốp xe và mặt đường, nhiều lúc cả tiếng la hét của phụ xe đã gây giật mình, hốt hoảng cho người đi đường…
Giảm thiểu ô nhiễm khói bụi: Khi phương tiện lưu thông trên đường luôn tạo ra khói bụi, đặc biệt là khi các loại phương tiện thắng (hãm phanh), các lốp xe sẽ ma sát mạnh với mặt đường làm mòn đường, mòn lốp xe và tạo ra bụi đá, bụi cao su và bụi sợi. Các bộ phận ma sát của thắng (phanh) bị mòn cũng thải ra bụi kẽm, đồng, niken, crom, sắt và cadmi. Ngoài ra, quá trình cháy không hết nhiên liệu cũng thải ra bụi carbon. Bên cạnh các nguồn bụi sinh ra từ xe, còn có bụi đất đá, cát tồn đọng trên đường do chất lượng đường kém, do đường bẩn và do chuyên chở các vật liệu xây dựng, chuyên chở rác. Nguồn bụi này thường tồn đọng trên đường, hoặc bám theo xe và thường cuốn theo lốp xe khi xe chạy.
5. GIẢI PHÁP KHAI THÁC HIỆU QUẢ HỆ THỐNG ĐCT TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH
Việc nghiên cứu các giá trị kinh tế - xã hội của ĐCT cũng như việc khảo sát hiện trạng của ĐCT đều nhằm mục đích quan trọng là tìm ra các giải pháp để khai thác ĐCT sao cho hiệu quả nhất, mang lại lợi nhuận cao mà vẫn bảo đảm các giá trị về môi trường, an ninh và trật tự xã hội. Nghiên cứu ĐCT TP. HCM - TL là một ví dụ điển hình, qua đó rút bài học kinh nghiệm trong một chừng mực nào đó sẽ được áp dụng cho các ĐCT khác trong tương lai ở các địa phương khác nhau. Việc phát triển ĐCT TP. HCM - TL không thể tách rời với mục đích lớn nhất của nó là tạo đà cho sự phát triển khu vực. Vì vậy, để tối ưu hóa vai trò của nó, cần thực hiện:
Thứ nhất, Hệ thống hóa đường cao tốc cần kết nối với các hệ thống ĐCT khác như: Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành (Đồng Nai) - Dầu Giây (Đồng Nai); đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Hóa (Long An); đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Đước (Long An); đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh; đường cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai). Việc xây dựng các hệ thống kể trên sẽ tạo nên mạng lưới cao tốc, làm nền tảng cho sự phát triển của khu vực và tối ưu hóa ĐTC.
Thứ hai, đường dẫn vào và ra của ĐCT để kích thích sự phát triển của các vùng miền có ĐCT đi qua đề nghị xây dựng thêm các đường dẫn trên trục đường trên. Ngoài ra, cũng nên xem xét đến việc sử dụng một phần trong gần 40km đường dẫn nâng cấp lên thành đường cao tốc, kéo dài thêm tuyến đường và giảm thời gian lưu thông. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng và chiều rộng của đoạn đường dẫn không khác gì mấy so với đường cao tốc, nên giải pháp này theo chúng tôi là khá khả thi.
Thứ ba, Giải pháp tận dụng không gian giải tỏa: Hệ thống ĐCT đóng vai trò quan trọng và là đường huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại, tuy nhiên do nhu cầu đa dạng trong GTVT mà có thể trong tương lai gần hay xa, hệ thống này không đáp ứng nổi với nhu cầu phát triển, nhất là về góc độ lưu lượng và vận tải hạng siêu nặng. Như vậy, trong các dự án xây dựng ĐCT trong tương lai cần tính toán hệ thống tổng thể, vì ĐCT là thành tố quan trọng trong hệ thống GTVT.
6. KẾT LUẬN
Vai trò của hệ thống ĐCT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh có thể nói là rất rõ ràng. Chính vì vậy, việc xây dựng ĐCT được coi là một trong những chiến lược phát triển của các quốc gia, đặc biệt ở góc độ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tính hiệu quả trong việc khai thác và sử dụng ĐCT lại là vấn đề rất đáng được quan tâm và cần được nghiên cứu thấu đáo, nhằm cung cấp những kinh nghiệm trong tương lai. Bài báo chỉ giới hạn ở việc nêu lên các vai trò trong việc phát triển kinh tế - xã hội và gợi ý một số giải pháp nhằm khai thác có hiệu của hệ thống đường ô tô cao tốc nói chung và hệ thống ĐCT tại khu vực TP. Hồ Chí Minh nói riêng, việc khai thác có hiệu quả cũng có nghĩa là ghi nhận những đóng góp trực tiếp hay gián tiếp của ngành GTVT cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hoàng Văn Long (2015), Lợi ích kinh tế xã hội của việc khai thác đường cao tốc tại Việt Nam - trường hợp đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Luận án Tiến sĩ.
[2]. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định 356/QĐ-TTg về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.