Vẫn nóng cuộc chiến taxi truyền thống và taxi công nghệ

Tác giả: xe đời sống

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 25/06/2018 15:28

Một “trận đồ” mới trong cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống đang hình thành khi các hãng taxi truyền thống toan tính hợp sức lại để đua Grab.

09_cmow_srop
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp nhỏ sáp nhập lại

Từ khi dịch vụ gọi xe công nghệ xuất hiện trên thị trường với giá cước cạnh tranh, tiện lợi, các hãng taxi truyền thống lâm vào cảnh kinh doanh khó khăn, khách hàng sụt giảm mạnh. Cuối năm 2017, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã đưa ra một con số đáng chú ý khi có 4 hãng taxi phải giải thể bởi không chịu nổi áp lực của thị trường, hơn 3.000 xe taxi truyền thống dừng cuộc đua tìm khách với taxi công nghệ, nhiều lái xe bỏ nghề.

ComfortDelGro Savico Taxi là một trong những hãng taxi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của taxi công nghệ. Đây là công ty liên doanh giữa Savico và Tập đoàn ComfortDelGro Corporation Limited, trong đó Savico có tỷ lệ sở hữu 40%.

Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ComfortDelGro Savico Taxi đều sụt giảm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Savico năm 2017, ComfortDelgro Savico Taxi chỉ mang về 235 triệu đồng lợi nhuận sau thuế cho Công ty, sụt giảm mạnh so với con số 3,3 tỷ đồng của năm 2016 và 7 tỷ đồng của năm 2015.

Vinataxi cũng đang gặp khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều giảm. Vinataxi là công ty liên doanh giữa Tracodi và Tecobest (Hồng Kông) được thành lập năm 1992, Tracodi nắm tỷ lệ sở hữu 30%. Đến năm 2003, đối tác nước ngoài chuyển quyền quản lý vốn tại Vinataxi cho ComfortDelGro, một trong những đơn vị dẫn đầu ngành kinh doanh vận tải tại Singapore. Đây cũng là đơn vị đang liên doanh với Savico trong lĩnh vực taxi.

Năm 2017, doanh thu mà Vinataxi mang về chỉ đạt 49,8% kế hoạch đề ra, với 48,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,2 tỷ đồng, bằng 9,8% kế hoạch.

Chủ tịch Tracodi Nguyễn Hồ Nam từng thừa nhận, kinh doanh vận tải taxi ngày càng cạnh tranh khốc liệt, ngoài các đối thủ taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh… thì Vinataxi còn phải đối đầu với loại hình kinh doanh mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam là Uber và Grab.

Theo Tracodi, do thiếu hụt tài xế nên kế hoạch duy trì mức 400 xe trong năm 2017 không đạt được, số xe taxi chỉ duy trì dưới 300 xe, dẫn đến doanh thu sụt giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.

Kinh doanh gặp khó, ComfortDelGro Savico Taxi và Vinataxi đã chuẩn bị cho kế hoạch sáp nhập để có thêm sức mạnh trong cuộc chiến với taxi công nghệ. Điều này cũng thuận lợi bởi thực chất, Savico Taxi và Vinataxi đều có chung một cổ đông lớn là ComfortDelGro.

Sự sáp nhập này cũng là tiền đề để Vinataxi đưa ra kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018 giữa bối cảnh thị trường vẫn rất khó khăn. Cụ thể, năm nay, Vinataxi dự tính sẽ đem lại doanh thu 85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,7 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt 57,4% và 541,6%. Số lượng xe trung bình tăng từ 290 xe lên 330 xe.

Doanh nghiệp lớn tìm cách mở rộng thị phần

Trong khi đó, các “ông lớn” taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Taxigroup, Taxi Ba Sao… cũng đang làm mới mình để mở rộng khách hàng. Điển hình như Vinasun, với đội ngũ lái xe có mặt ở 22 tỉnh thành, hãng này vẫn không ngừng tuyển thêm xe để mở rộng thị phần. Mới đây, Vinasun đăng tải thông tin về chính sách hợp tác kinh doanh taxi thương quyền với nhiều ưu đãi nhằm gia tăng lượng xe và đem đến sự chủ động, linh hoạt cho khách hàng.

Kết quả kinh doanh của Vinasun trong quý I/2018 vẫn còn khó khăn, với doanh thu đạt 490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11,6 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm lần lượt 55% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (HSC) đã rót hơn 100 tỷ đồng vào Vinasun. Hiện HSC đang nắm giữ 10,61% vốn điều lệ Vinasun và là cổ đông lớn thứ ba tại công ty này.

Trong khi đó, Mai Linh thực hiện chiến lược mới khi “tấn công” ra thị trường các tỉnh, thành, khu vực miền núi, hải đảo. Chỉ riêng trong tháng 6/2018, Mai Linh thông báo mở chi nhánh tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Điên Biên Phủ; huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)…

Mai Linh cũng chú trọng tận dụng công nghệ để phát triển dịch vụ. Mới đây, Công ty đã bắt tay với Tập đoàn Willers (Nhật Bản) nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa hệ thống quản lý thông minh, quản lý chất lượng sản phẩm.

Có thể thấy, các doanh nghiệp taxi truyền thống không chịu ngồi yên nhìn sự chiếm lĩnh thị trường của Grab, mà liên tục vận động tìm giải pháp chiếm lĩnh thị phần. Cuộc chiến taxi truyền thống và taxi công nghệ chưa khi nào thôi hết nóng.

Ý kiến của bạn

Bình luận