Tăng trưởng tốt
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua lĩnh vực vận tải biển giữ được đà tăng trưởng tốt, khối lượng hàng thông qua cảng biển do đội tàu Việt Nam vận chuyển đạt hơn 81 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng của đội tàu biển Việt Nam đạt 1,2 triệu Teus, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời... Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hóa tổng hợp…
Đối với vận tải biển quốc tế hiện đang đảm nhận vận chuyển khoảng 7% thị phần và chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á. Đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.
Để có được kết quả này, ông Nguyễn Đình Việt - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, thời gian qua đội tàu biển Việt Nam đã có những bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Cụ thể, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ 19 tàu trong năm 2013 lên 39 tàu năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới. Đồng thời, tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam là 15,6 tuổi, trẻ hơn 5,2 tuổi so với thế giới (theo số liệu của UNCTAD, tuổi tàu bình quân của thế giới là 20,8 tuổi).
“Tuy vậy, đội tàu cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và vận tải hàng feeder tại một số nước trong khu vực, chưa tăng được thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu”, ông Việt cho biết.
Về dịch vụ hàng hải và logistics, thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 300.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải và logistics; khoảng 30 doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia đang động tại Việt Nam. Các công ty logistics của Việt Nam với số lượng nhiều nhưng chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ, chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics hoặc làm đại lý cho hãng tàu biển nước ngoài.
Giải quyết những tồn tại
Mặc dù lĩnh vực vận tải biển giữ được đà tăng trưởng ấn tượng nhưng theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, ngành vận tải biển của Việt Nam vẫn còn thách thức khi năm 2018, đội tàu biển là hơn 1.600 tàu nhưng thời điểm hiện tại giảm xuống còn 1.568 tàu. Đây là con số đáng lo ngại. Đội tàu suy giảm mạnh, mục tiêu đáp ứng vận chuyển 100% sản lượng vận tải hàng hóa nội địa sẽ khó đạt được như kỳ vọng.
Đồng thời, một trong những vấn đề được lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm là về tàu sông pha biển (VR-SB). Theo đó, chủ trương thành lập tuyến vận tải ven biển, san sẻ gánh nặng với đường bộ là đúng đắn, tuy nhiên trong thời gian vừa qua nhiều phương tiện lại hoạt động sai bản chất, vẫn vận chuyển hàng hóa từ cảng biển này qua cảng biển khác. Tình trạng này nếu không được quản lý kịp thời sẽ phá vỡ đội tàu biển.
Chính vì vậy trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất những giải pháp để phát triển loại hình VR-SB hiệu quả hơn, phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế về an toàn và an ninh hàng hải. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cần nghiên cứu, có đề xuất giải pháp hợp lý như xem xét chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí thực tập cho học viên ngành đi biển; miễn thuế thu nhập cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động nội địa; nghiên cứu mức lương tối thiểu cho thuyền viên đi biển... nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực hàng hải chất lượng
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.