Vận tải du lịch đường thủy: Cần đặt lợi ích an toàn cho du khách

Tác giả: THÀNH VŨ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/11/2017 10:53

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về khai thác giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ), những năm qua, hoạt động vận tải du lịch ĐTNĐ phát triển mạnh mẽ. Công tác đảm bảo ATGT du lịch trên ĐTNĐ được triển khai mạnh mẽ và đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn những “bài toán khó” cần lời giải để nâng cao an toàn cho du khách.

 

DSC08538
 

Những “điểm nóng” thành… ”điểm an toàn”

Ghi nhận thực tế của PV Tạp chí GTVT tại một số "điểm nóng" về vận tải khách du lịch ĐTNĐ, công tác đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia giao thông ĐTNĐ có nhiều chuyển biến tích cực, tính an toàn trong vận tải khách du lịch trên ĐTNĐ đang ngày càng được nâng cao.

Trên dòng suối Yến (thuộc quần thể khu di tích chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội), các phương tiện phục vụ du khách đi lễ chùa Hương hiện nay đều được gắn biển kiểm soát, tình trạng phương tiện bố trí ghế nhựa không cố định với phương tiện về cơ bản đã được giải quyết, thay vào đó là những chiếc ghế được cố định chắc chắn; tình trạng sử dụng xuồng máy hoạt động với tốc độ cao, tạo sóng mạnh đe dọa đến an toàn của các phương tiện đò chèo tay nay cũng được kiểm soát chặt chẽ, giảm trên 90% so với trước đây.

Bên cạnh đó, thực hiện đề nghị của Cục ĐTNĐ Việt Nam, cơ quan chức năng của địa phương cũng đang tiến hành thống nhất quy định về số lượng người của mỗi loại phương tiện chở khách trên suối Yến, đặc biệt là phải gắn biển ghi rõ số người được chở theo quy định để kiểm soát tải trọng phương tiện và giúp du khách nhận biết phương tiện này hoạt động có đảm bảo an toàn hay không; trang bị đầy đủ 100% phao cứu sinh, dụng cụ nổi cho các phương tiện cũng đang được đẩy mạnh nhằm ứng phó với tình huống xấu.

Tại quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, công tác đảm bảo TTATGT ĐTNĐ đã được các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm, thường xuyên bố trí trực kiểm tra, kiểm soát giữ gìn TTATGT đường thủy. Đặc biệt, tình trạng đò chở quá số người quy định đã được các đơn vị địa phương chấn chỉnh nghiêm túc so với trước đây.

Hình ảnh những chiếc thuyền chở đúng 6 người mặc áo phao đầy đủ luôn hiện hữu trong bất kể bức ảnh nào chụp về Tràng An. Hệ thống loa truyền thanh tại bến thuyền Tràng An được sử dụng để tuyên truyền về các quy định pháp luật về mặc áo phao khi đi đò, giúp du khách dễ dàng nhận thức và nâng cao ý thức tự giác chấp hành, người chèo đò tuân thủ nghiêm ngặt việc nhắc nhở du khách chấp hành mặc áo phao trước khi xuống phương tiện.

Còn tại Quảng Ninh - một địa phương điển hình trong “quy củ hóa” vận tải khách du lịch trên ĐTNĐ, lực lượng cảng vụ ĐTNĐ luôn túc trực và kiểm tra chặt chẽ tải trọng của tàu trước khi rời bến. Cảng vụ viên khi thực hiện kiểm soát trực tiếp tại tàu du lịch đều phải ký xác nhận và chịu trách nhiệm ngay khi hoàn thành công tác kiểm tra đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường… của phương tiện theo quy định, đặc biệt là số lượng hành khách trên tàu.

DSC09655-02.
 

Cùng với đó, các cảng vụ viên thường xuyên yêu cầu các thuyền viên thực hiện hướng dẫn hành khách mặc áo phao ngay khi ổn định chỗ ngồi trên tàu. Chính vì vậy, toàn bộ hành khách và thuyền viên trên các phương tiện đều chấp hành các quy định về an toàn, mặc áo phao đầy đủ. Mặt khác, lực lượng chức năng tại địa phương đã quyết liệt tăng cường công tác kiểm tra phương tiện vận chuyển khách tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long và tàu khách hoạt động tại các tuyến từ bờ ra đảo, đảm bảo đủ điều kiện an toàn theo quy định.

Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ông Nguyễn Việt Thắng - Trưởng phòng Vận tải - ATGT (Cục ĐTNĐ Việt Nam) khẳng định, những năm qua, công tác đảm bảo TTATGT ĐTNĐ đã được triển khai rất mạnh mẽ, có hiệu quả khi liên tục kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Tuy nhiên, nguy cơ TNGT vẫn còn tiềm ẩn xuất phát chủ yếu từ ý thức chủ quan không chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy.

“Ý thức trách nhiệm về an toàn đường thủy của nhiều chủ phương tiện, người điều khiển và nhân viên phục vụ trên phương tiện chưa được đề cao. Nhiều du khách vẫn chưa ý thức trong việc tuân thủ yêu cầu về đảm bảo ATGT đường thủy khi tham gia hoạt động du lịch như không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển phương tiện, cố tình không mặc áo phao”, ông Thắng cho biết.

Trong khi đó, sự thiếu quan tâm, đầu tư trong công tác bảo đảm TTATGT ĐTNĐ của chính quyền cơ sở và các chủ doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng TNGT đường thủy.

Một thực tế đang xảy ra là cách thức quản lý phương tiện thủy nội địa hoạt động du lịch tại nhiều địa phương không có sự thống nhất, không phân cấp, phân trách nhiệm rõ ràng. Nhiều địa phương còn sử dụng phương tiện hoán cải từ tàu chở hàng, tàu cá hoặc tàu không đủ điều kiện về đăng kiểm để vận chuyển khách du lịch dẫn tới tình trạng chất lượng tàu thấp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong vận chuyển khách.

Trên các tuyến du lịch từ bờ ra đảo hiện nay chỉ có tỉnh Quảng Ninh đang triển khai rất tốt. Còn lại, hầu hết các điểm du lịch vẫn còn tình trạng du khách xuống phương tiện thủy nội địa mà không có vé, đứng, ngồi tùy ý, ai đến trước ngồi trước, ai đến sau thì tranh giành ghế, rất mất an toàn. Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đã nhiều lần yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc bán vé và phải quy định số ghế trên vé, hành khách phải ngồi đúng ghế.

Đặt lợi ích an toàn cho du khách

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho rằng, đảm bảo ATGT tuyệt đối trong vận tải du lịch còn làm thay đổi “bộ mặt” của du lịch Việt Nam.

"Rất tiếc là hầu hết các địa phương chưa thực sự quan tâm sát sao đến việc áp dụng những mô hình hiện đại, đồng bộ trong quản lý phương tiện du lịch. Du khách đã đến điểm du lịch thì họ buộc lòng “tặc lưỡi” sử dụng phương tiện và trả tiền để đi, mặc dù số tiền đó đủ để đầu tư lại cho hệ thống phương tiện đảm bảo chất lượng hơn", Cục trưởng Hoàng Hồng Giang bày tỏ.

Cũng theo Cục trưởng, việc hiện đại hóa, nâng cấp chất lượng phương tiện vận tải khách du lịch sẽ giúp doanh nghiệp kiếm được nguồn thu lớn hơn, từ đó có thể thu hồi vốn nhanh để tiếp tục phát triển đầu tư. Tuy nhiên, các địa phương chưa chú trọng tới việc này khiến lợi ích chưa đến tay du khách khi họ vẫn phải "chịu đựng" dịch vụ kém, thiếu an toàn.

Về góc độ quản lý nhà nước, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho rằng, thực trạng vận tải hành khách du lịch hiện nay là “trăm hoa đua nở”, ai đủ điều kiện đầu tư thì đều có thể tham gia vận tải hành khách du lịch được.

Để phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn thì cần phải có những đầu mối lớn, phải có những doanh nghiệp lớn đầu tư lâu dài, bền vững, tạo thành những tuyến cố định, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể gộp thành hợp tác xã. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lộn xộn, cạnh tranh phức tạp, đảm bảo lợi ích cho du khách thì nên giới hạn số lượng doanh nghiệp nhất định trên một địa bàn.

Khi tổ chức quản lý hoạt động tốt thì sẽ hình thành quy tắc tự nhiên. Cần có đầu mối chung để định hướng đầu tư và phát triển mang tính tổng thể. Điển hình như quần thể danh thắng Tràng An đang thực hiện rất tốt, tạo sự thỏa mãn cho du khách, nhất là tính an toàn khi du lịch trên sông nước.

Ngoài ra, các giải pháp trọng tâm trong nâng cao hiệu quả đảm bảo ATGT đối với vận tải du lịch trên ĐTNĐ được xác định một số vấn đề quan trọng gồm: Chú trọng công tác quản lý luồng tuyến, bến bãi; kiểm soát chất lượng và quy trình hoạt động của phương tiện vận chuyển khách du lịch; quản lý chất lượng đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy nội địa…

Để quản lý hoạt động du lịch đường thủy đảm bảo an toàn tuyệt đối cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành GTVT và Du lịch, đặc biệt là cần đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch bằng đường thủy

Ý kiến của bạn

Bình luận