Bước chuyển biến đồng bộ, tích cực
Ngày 26/12, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Phạm Hoài Phương tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ghi nhận, biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức Cục Đường thủy nội địa VN trong năm 2022 có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều kết quả công tác nổi bật.
Trong đó, có thể kể đến như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với nhiều văn bản được ban hành đúng tiến độ và chất lượng khá tốt; công tác cải cách hành chính và hiệu lực quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy được nâng lên; quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền trong quản lý lĩnh vực đường thủy; hợp tác quốc tế mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, với kết quả số lượng phương tiện thủy tăng và sản lượng vận tải tăng mạnh song số vụ TNGT đường thủy giảm phần nào phản ánh sự tích cực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy.
Theo Thứ trưởng, thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa VN cần tập trung triển khai quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy theo hướng đầu tư công tập trung vào hạ tầng luồng tuyến để "làm mồi", dẫn dắt doanh nghiệp đầu tư cảng, bến thủy, phương tiện vận tải; cũng như tổ chức phân cấp, phân quyền và bố trí quản lý phù hợp để đảm bảo phủ kín phạm vi luồng tuyến đường thủy. Và mục tiêu hướng đến là thúc đẩy phát triển vận tải thủy mạnh mẽ khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng.
"Năm 2023, Cục Đường thủy nội địa VN cần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, triển khai quy hoạch tổng thể kết cấu hạ tầng đường thủy; nâng hiệu quả quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy theo phương thức đấu thầu; xây dựng thông tư quy định phân cấp quản lý đường thủy và tổ chức quản lý bao phủ phạm vi luồng tuyến được giao quản lý.
Nguồn vốn trung hạn dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy có tỷ lệ thấp, trong khi nhu cầu lớn. Vì vậy, Cục Đường thủy nội địa VN cần rà soát nguồn vốn đầu tư dự phòng giai đoạn trung hạn để đề xuất đầu tư phát triển kết cấu đường thủy; cùng đó, đặc biệt quan tâm đến an toàn vận tải tuyến và phương tiện vận tải pha sông biển (SB); làm tốt công tác phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang giao nhiệm vụ, đồng thời chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN, Công đoàn Cục có giải pháp cụ thể quan tâm, chăm lo đời sống công chức, người lao động.
Trước đó, hội nghị đã bàn thảo các định hướng, giải pháp công tác năm 2023 nhằm tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng vận tải.
"Điểm sáng" vận tải thủy
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, sản lượng vận tải thủy là một trong những kết quả rõ nét nhất của lĩnh vực GTVT đường thủy.
Năm 2022, các kết quả và chỉ số vận tải thủy có sự tăng trưởng cao nhất trong 4 năm gần đây. Cụ thể, vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt 232,4 triệu lượt khách, tăng 48%; hàng hóa đạt 406 triệu tấn, tăng 29% so với năm trước (trong khi chỉ số tăng trưởng bình quân 4 năm gần đây là 11,2%).
"Sự tăng trưởng vượt bậc này chủ yếu là do bùng nổ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi các chính sách phòng chống dịch Covid-19 được điều chỉnh, chính sách Zero Covid của Trung Quốc vẫn được duy trì cũng đã tạo sự dịch chuyển một khối lượng hàng hóa lớn qua Việt Nam để đi nước thứ 3, sự điều hành giá kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN đã tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa", theo Cục Đường thủy.
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tương, cố vấn cao cấp của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam bày tỏ cảm ơn Cục Đường thủy nội địa VN đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội trong phản biện và kiên trì đề xuất, kiến nghị các ngành, địa phương các chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phí hạ tầng cảng biển, thủ tục hải quan. Có thể kể đến, từ 1/8/2022 TP.HCM và Hải Phòng (từ 1/1/2023) đã giảm 50% phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.
Về phân cấp quản lý, trong năm, Bộ GTVT đã có các quyết định công bố chuyển đổi 213km luồng đường thủy nội địa quốc gia thành luồng đường thủy địa phương. Cục Đường thủy nội địa VN đã xây dựng đề án phân cấp, phân quyền các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trình Bộ GTVT.
Từ 1/1/2023, Bộ GTVT cũng cho phép thí điểm giao Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức quản luồng đường thủy quốc gia (thay cho Chi cục) nhằm hướng tới quản lý tốt hơn hạ tầng đường thủy.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện khá tốt vai trò nhiệm vụ thường trực Hiệp định vận tải thuỷ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia; phối hợp với cơ quan Hải quan để kịp thời tháo gỡ bất cập về kiểm tra thực tế hàng quá cảnh nhập/quá cảnh xuất của Campuchia tại khu vực Cát Lái; thực hiện nhiệm vụ thường trực Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Trong năm 2022, tổng số có 2.218 phương tiện thủy đăng ký mới, với tổng trọng tải hơn 1,36 triệu tấn và hơn 7.500 ghế; nâng tổng số phương tiện đã đăng ký lên 257.958 phương tiện, với tổng trọng tải hơn 224,2 triệu tấn và gần 585.000 ghế.
Trong 11 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 30 vụ TNGT đường thủy, làm chết 44 người, bị thương 5 người. So cùng kỳ năm 2021: giảm 18 vụ (-37,5%); tăng 10 người chết và tăng 4 người bị thương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.