Bộ trưởng trao cờ thi đua xuất sắc năm 2015 cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) |
Tái cơ cấu, CPH là nhiệm vụ trọng tâm
Trong năm 2015, VEC đã trình Bộ GTVT Đề án tăng vốn điều lệ của Tổng công ty và chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động từ công ty TNHH MTV sang công ty cổ phần. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, giải trình của VEC và Bộ GTVT, ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2393/TTg-KTTH đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quyết định cụ thể việc điều chỉnh và hướng dẫn hạch toán tăng vốn theo quy định.
Cùng với đề xuất tăng vốn điều lệ, trong năm 2015, trên cơ sở rà soát tính toán lại sự tăng trưởng về lưu lượng xe và doanh thu thu phí trên ba tuyến cao tốc vừa được đưa vào sử dụng cùng với các yếu tố đầu vào khác, VEC đã cập nhật số liệu tài chính của 5 dự án đường cao tốc và đã báo cáo Bộ GTVT phương án tài chính 5 dự án trên nguyên tắc VEC được chủ động thu xếp bù đắp trên cơ sở hòa chung dòng tiền 5 dự án để hỗ trợ cho nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời. Theo phương án cập nhật này, Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ 30.787 tỷ đồng để bù đắp thiếu hụt tạm thời trong những năm đầu khai thác đối với 02 dự án Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi như dự kiến trước đó. Các dự án khi hòa chung dòng tiền chỉ bị thiếu hụt khoảng 1.690 tỷ đồng vào năm 2030 khi đại tu các tuyến đường. Khi đó, phần thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng cách vay tín dụng bổ sung, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc kéo dài thời gian thu phí của một trong các tuyến cao tốc. Chính phủ đã đồng ý nguyên tắc với phương án tài chính này và giao Bộ GTVT xây dựng cơ chế quản lý tài chính trong thời gian khai thác, thu phí 5 dự án cao tốc do VEC là chủ đầu tư, bảo đảm phù hợp quy định.
Năm 2015, VEC đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, góp phần phát triển sự nghiệp ngành GTVT. |
Những kết quả đạt được trên là tiền đề hết sức quan trọng để nâng cao năng lực tài chính cho VEC, đáp ứng yêu cầu của Luật quản lý nợ công, lành mạnh hóa và đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển bền vững của VEC, làm cơ sở cho VEC huy động được tối đa các nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc mới, phát huy vai trò là doanh nghiệp nòng cốt trong việc phát triển các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia.
Bên cạnh đó, trong tháng 12/2015, VEC đã hoàn thành làm việc với Bộ GTVT về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M); đang thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần tư vấn đường cao tốc Việt Nam (VECC).
Tích cực thu hút, sắp xếp các nguồn vốn
Năm 2015, VEC đã thu xếp, huy động được tổng cộng 11.445 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ nguồn vốn vay ADB để bổ sung cho dự án Nội Bài - Lào Cai với giá trị 147 triệu USD; từ nguồn JICA cho dự án Bến Lức - Long Thành với giá trị 31 tỷ Yên; nguồn vốn NSNN là 632,5 tỷ đồng cho các dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Nội Bài - Lào Cai.
Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đối ứng từ NSNN, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, VEC đã ứng 1.013 tỷ đồng từ nguồn thu phí các dự án của VEC để tạm chi trả cho công tác GPMB dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB của các dự án.
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các dự án
Công tác triển khai dự án trong năm đã đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể: Hoàn thành thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm toàn tuyến TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cơ bản hoàn thành lớp bê tông nhựa tạo nhám dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình; triển khai mở rộng các trạm thu phí Cao Bồ, Đại Xuyên, Liêm Tuyền - những hạng mục cuối cùng của dự án nhằm đưa vận tốc khai thác đạt vận tốc thiết kế (120km/h); thông hầm Eo và hợp long cầu Kỳ Lam, đánh dấu việc hoàn thành những cột mốc đầu tiên của dự án dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, góp phần vào mục tiêu hoàn thành cơ bản các hạng mục chính đoạn tuyến JICA trong năm 2016; triển khai thi công đồng loạt các gói thầu xây lắp chính đoạn JICA và phần phía Tây đoạn ADB của dự án Bến Lức - Long Thành. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trên cơ sở tờ trình của VEC, Bộ GTVT đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ và ADB chấp thuận cho triển khai một số hạng mục xây lắp bổ sung từ nguồn chờ tái phân bổ của Hiệp định vay vốn ADB.
Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới cũng được VEC tích cực triển khai. Trong năm 2015, Bộ GTVT đã phê duyệt thiết kế cơ sở dự án Hà Nội - Lạng Sơn và cho phép triển khai công tác thiết kế kỹ thuật cho 43,3km đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Ngoài ra, VEC cũng chủ động nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt, Biên Hòa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Nha Trang để góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành 1.000km đường cao tốc vào năm 2020.
Trong năm 2015, VEC đã đưa vào khai thác thêm 54km thuộc tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nâng tổng số km đường cao tốc VEC đang vận hành và khai thác lên 350km. Việc đưa các tuyến cao tốc vào khai thác đến nay đã mang lại hiệu quả lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo… Tính đến nay, các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác đã phục vụ trên 45,3 triệu lượt phương tiện, trong đó riêng năm 2015 đã phục vụ 22,5 triệu lượt phương tiện, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT và hiệu quả. Tổng doanh thu thu phí qua các tuyến (bao gồm VAT) là 1.868,2 tỷ đồng, đạt 102,7% kế hoạch 2015 (Cầu Giẽ - Ninh Bình: 396,6 tỷ; Nội Bài - Lào Cai: 849,6 tỷ; TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây: 622 tỷ).
Sắp xếp đổi mới DN - "chìa khóa" thành công của VEC trong tương lai
Đánh giá cao những thành quả mà VEC đã được trong năm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, VEC đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi to lớn mang tính quyết định để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phía trước. Có thể nói, thành tích mà VEC đạt được trong thời gia qua, đặc biệt trong năm 2015 là rất đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào sự thành công của ngành GTVT.
Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra và chiến lược phát triển đường cao tốc trong những giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị VEC cần chuẩn bị các điều kiện, các phương án để gối đầu dự án, tránh tình trạng trì trệ, thiếu quyết liệt, kém hiệu quả. Trước hết, VEC cần tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp. Đây là chìa khóa để VEC tiếp tục xây dựng những phương án sản xuất kinh doanh tiếp theo.
Bộ trưởng cho rằng, hiện tại VEC mới chỉ phát huy tốt vai trò quả lý dự án, còn mảng đầu tư, khai thác đường cao tốc chưa thực sự rõ nét. Vậy nên, từ tư duy đến hành động, VEC cần nhìn nhận mình là một doanh nghiệp phát triển theo cơ chế thị trường để có chiến lược phát triển phù hợp.
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình |
Năm 2016 và giai đoạn tiếp theo, VEC cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển đầu tư đường cao tốc; trước hết cần sửa nội dung về đường cao tốc trong Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp. Thực tế hiện nay, việc chuyển nhượng các dự án đã hoàn thành hay đang khai thác chưa thực sự hiệu quả; công tác quản lý còn nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng trên, VEC cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chống thất thu, tăng giá trị sản lượng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu VEC tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị để giảm thiểu TNGT trên đường cao tốc, kiểm soát chặt chẽ xe quá tải trọng; nâng cao, đẩy nhanh chất lượng công trình giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.