Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình |
Hiệu quả kinh tế rõ rệt
VEC hiện là chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc, trong đó đã thông xe 415km. Các tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo và kết nối đồng bộ với các tuyến cao tốc thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Từ khi thông xe 20km đầu tiên, tính đến cuối năm 2017, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã phục vụ xấp xỉ 46 triệu lượt phương tiện, bình quân 32.000 - 36.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Riêng năm 2017, đã có gần 13 triệu lượt phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này. Sau 6 năm đưa vào khai thác và sử dụng, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã góp phần quan trọng hình thành và liên kết các khu công nghiệp, tăng cường giao thương hàng hóa, cắt giảm tối đa chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Tuyến cao tốc này còn giúp khơi dậy tiềm năng du lịch của các địa phương để trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào GDP.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai kết nối Hà Nội với Hải Phòng, Côn Minh - Hà Khẩu tạo thành tuyến Côn Minh - Hải Phòng - một trong những tuyến đường hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; đã có 23 triệu lượt phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc dài nhất cả nước. Riêng năm qua, VEC phục vụ an toàn 8,48 triệu lượt phương tiện, với lưu lượng trung bình hiện tại từ 22.000 - 25.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc này đã đáp ứng trọn vẹn niềm mong mỏi lâu nay của nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc.
Ở khu vực miền Trung, tuyến cao tốc đầu tiên VEC đầu tư xây dựng là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đầu tháng 8 vừa qua, 65km đầu tiên của tuyến cao tốc này đã đưa vào khai thác, dự kiến cuối quý II/2018 sẽ thông xe toàn tuyến. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nâng cao đời sống của người dân các tỉnh/thành các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đặc biệt, đây là tuyến đường cùng chia sẻ áp lực giao thông và là đường cứu trợ khẩn cấp cho người dân miền Trung khi QL1 bị chia cắt trong mùa mưa lũ.
Đánh giá về hiệu quả của tuyến cao tốc phía Nam do VEC làm chủ đầu tư, khai thác là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ông Đặng Trọng Hiền - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Phương Trang cho biết, tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận tải, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa địa phương nói riêng và hàng hóa Việt nói chung. Tuyến cao tốc hiện đại này đã tạo sức bật cho giao thông thành phố năng động nhất cả nước và cũng được kỳ vọng đặt nền tảng cho hệ thống cao tốc hiện đại phủ kín khu vực phía Nam, giúp kết nối trục giao thông, kinh tế các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên.
Tính từ thời điểm thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên đến nay, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ an toàn và thông suốt trên 42 triệu lượt phương tiện. Trong đó, tuyến đón trên 14 triệu lượt phương tiện trong năm 2017.
Chia sẻ áp lực giao thông, kéo giảm TNGT
Cao tốc Cầu Rẽ- Ninh BÌnh |
Không chỉ giúp các địa phương phát triển kinh tế, từ khi các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, TNGT cũng giảm sâu, số người tử vong giảm nhiều lần. Các tuyến cao tốc chia sẻ áp lực giao thông, kéo giảm TNGT cho các tỉnh mà các tuyến cao tốc chạy qua.
Như tuyến QL70 nối các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai nhiều năm trước khi chưa có cao tốc Nội Bài - Lào Cai từng là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông. Khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng đã giúp giảm tải áp lực giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển và kéo giảm TNGT, giúp tài xế di chuyển trên đường bớt căng thẳng. Ông Trần Ngọc Sơn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lào Cai cho biết, chỉ riêng QL70 qua địa bàn tỉnh Lào Cai mỗi năm có gần chục người chết vì TNGT, nhưng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn chạy qua địa bàn tỉnh gần như không có người thương vong do TNGT.
Hay theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Yên Bái, từ khi có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã giúp giảm 85% số vụ tai nạn trên các tỉnh lộ và 95% số vụ tai nạn dẫn đến tử vong trên các tỉnh lộ và quốc lộ lân cận đường cao tốc.
Tương tự, tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực phía Bắc là Cầu Giẽ - Ninh Bình được VEC đưa vào khai thác giữa năm 2012, góp phần điều tiết lưu lượng phương tiện giao thông, khắc phục tình trạng mãn tải, tắc nghẽn và TNGT thường xuyên xảy ra trên tuyến QL1. Ông Bùi Đức Tĩnh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam cho biết, với lưu lượng xe phát triển quá nhanh nên trước khi có đường cao tốc, trên QL1 đoạn qua Hà Nam thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường. Sau khi có đường cao tốc, lưu lượng xe được san sẻ nhiều, giảm hẳn ùn tắc và TNGT, đặc biệt số người chết do TNGT cũng gần như không có.
Không chỉ Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, những dự án cao tốc khác như Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã góp phần không nhỏ trong việc kéo giảm TNGT, xây dựng văn hóa giao thông. Khẳng định điều này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, các tuyến cao tốc khi đưa vào khai thác đã tác động đến việc chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông rõ nét hơn, đây cũng là cơ sở để tiếp cận, xây dựng, hình thành ý thức của người tham gia giao thông.
Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT đánh giá, trong thời gian qua, những tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác mang lại hiệu quả tích cực. Qua khảo sát cho thấy, sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng lên, thời gian rút ngắn, góp phần giảm chi phí. Hiện nay, chi phí logistics (hậu cần, kho vận…) của nước ta chiếm khoảng 20% trong tổng GDP. Do vậy, cước vận tải giảm xuống, góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.