VEC và “55 ngày đêm không ngủ” để hoàn thiện hệ thống ETC

Giao thông 24h 01/08/2022 19:14

VEC cùng các đơn vị đã tăng cường nhân lực và tài chính...thậm chí nhập linh kiện bằng đường hàng không để hoàn thành hệ thống ETC trên 4 tuyến cao tốc

Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Hôm nay 1/8, ngày đầu tiên vận hành thu phí không dừng (ETC) trên cả nước. Trong đó, tình hình giao thông tại các trạm thu phí ở TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã bắt đầu diễn ra ổn định. Nhiều phương tiện vẫn chưa dán thẻ nên vẫn lưu thông vào làn hỗn hợp, đồng thời tại các điểm cuối trạm nhiều xe di chuyển khó khăn do bị lỗi thẻ. Để hoàn thành hệ thống ETC này trong thời gian ngắn và khối lượng công việc lớn. Tạp chí GTVT đã có buổi trao đổi cùng ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC):

Xin ông cho biết thông tin chung về việc triển khai ETC tại 4 tuyến cao tốc của Tổng công ty quản lý?

“Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập từ năm 2004, với vai trò là đơn vị nòng cốt trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hệ thống đường bộ cao tốc. Hiện nay, VEC đã đưa vào khai thác 4 tuyến cao tốc với chiều dài khoảng 490 Km. Đây là một phần của mạng lưới đường cao tốc quốc gia và đều là các tuyến huyết mạch, có quy mô lớn, đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước (đến nay đã phục vụ khoảng 307 triệu lượt phương tiện).

Để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp, từ đầu năm 2022, VEC đã khẩn trương triển khai hàng loạt các thủ tục và ngày 7/6/2022, đã ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu cung cấp dịch vụ là Công ty CP TASCO. Sau 55 ngày đêm lao động không ngừng nghỉ, đến nay VEC và Công ty CP TASCO đã hoàn thành đưa vào khai thác hệ thống ETC trên toàn bộ 4 tuyến cao tốc với 28 trạm thu phí (Cầu Giẽ - Ninh Bình từ ngày 20/7/2022; TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây từ ngày 25/7/2022; Đà Nẵng – Quảng Ngãi từ ngày 31/7/2022 và Nội Bài – Lào Cai vào ngày 01/8/2022). Như vậy, VEC đã chấp hành nghiêm, hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ yêu cầu của Chính phủ, đưa hệ thống ETC của toàn bộ 4 tuyến cao tốc vào khai thác trước ngày 01/8/2022; đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng dịch vụ ETC của người dân”.

Empty

ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)


Trong quá trình thực hiện có những khó khăn và thuận lợi gì? Sự bứt tốc và cố gắng của Tổng công ty và các đơn vị thực hiện ra sao?

“Hệ thống thu phí tự động không dừng là hệ thống phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến. Trong đó ưu tiên tính chính xác, sự đồng bộ giữa các hệ thống thiết bị, phần mềm tương tác với phương tiện giao thông tại trạm (Front-End). Và trung tâm dữ liệu xử lý giao dịch (Back-End). Hệ thống có sự tham gia của nhiều chủ thể (đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị vận hành, người sử dụng dịch vụ, các cơ quan quản lý, giám sát…).

VEC là đơn vị đang quản lý và khai thác 4 tuyến cao tốc trên toàn quốc với lưu lượng lớn

VEC là đơn vị đang quản lý và khai thác 4 tuyến cao tốc trên toàn quốc với lưu lượng lớn


Trong khi đó, 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác đều thực hiện theo phương thức thu phí kín (kiểm soát 2 đầu vào/ra, tính phí theo số Km thực tế sử dụng). Khó khăn chủ yếu trong quá trình triển khai là sự phức tạp về công nghệ, khối lượng công việc quá lớn và yêu cầu tiến độ gấp. Cùng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng các thiết bị linh kiện công nghệ nhập khẩu cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Bên cạnh đó, tỷ lệ các phương tiện sử dụng dịch vụ ETC còn thấp, phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền sẽ tiếp tục gây khó khăn cho công tác khai thác, vận hành khi triển khai thu phí hoàn toàn tự động.

Trước những khó khăn đó, VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ đã triển khai hàng loạt giải pháp chưa từng có như: VEC đã thành lập 2 Tổ công tác do Lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp phụ trách và các cán bộ chủ chốt của các Ban, Trung tâm để chỉ đạo và triển khai thực hiện. Lập kế hoạch thi công chi tiết theo từng ngày cho từng công việc, từng trạm thu phí.
Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ của VEC tại hiện trường. Thực hiện việc kiểm soát và báo cáo tiến độ vào cuối các ngày làm việc. Tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tối đa cho Nhà thầu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc ngay tại hiện trường.

Nhà thầu cũng huy động toàn bộ lực lượng kỹ sư, kỹ thuật viên để triển khai đồng loạt trên 4 tuyến; chấp nhận tăng chi phí do thay đổi phương án vận chuyển,nhập khẩu thiết bị bằng đường hàng không để cung cấp nhanh nhất thiết bị tới hiện trường. Đồng thời, Nhà thầu cũng triển khai trên quy mô lớn công tác dán thẻ, mở tài khoản giao thông cho các chủ phương tiện để phát huy hiệu quả khi đưa hệ thống vào vận hành, khai thác.”

Ông đánh giá như thế nào về việc áp dụng ETC vào công tác thu phí?

“Việc áp dụng công nghệ ETC trong thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ là xu hướng tất yếu, đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và đang từng bước được triển khai đồng bộ và hoàn thiện tại Việt Nam. Do những lợi ích to lớn mà công nghệ này mang lại như: giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí cho chủ phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực trạm, giảm ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch, và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát; góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước…”

Khi các làn ETC được hoạt động hiệu quả thì việc luân chuyển công nhân viên của đơn vị được thực hiện ra sao ?

“Sau khi đưa hệ thống ETC vào khai thác, sẽ có số lượng lớn người lao động bị mất việc. Đây cũng là nỗi trăn trở, lo lắng lớn của Tổng công ty và lãnh đạo các đơn vị đang sử dụng lao động. Phần lớn những lao động này trước đây được tiếp nhận, đào tạo bố trí công việc và và trả lương theo chính sách phục hồi thu nhập, do thuộc vùng ảnh hưởng của dự án có nhà cửa, đất đai phải di dời và đã có thời gian dài gắn bó, cống hiến từ khi các tuyến đường mới đưa vào khai thác.

Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục phối hợp và chỉ đạo các Công ty trước hết động viên, làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động; đồng thời hoàn thành ngay công tác rà soát, đánh giá lại số lượng CBVNV bị ảnh hường để lập phương án luân chuyển, bố trí công việc khác phù hợp với khả năng và nhu cầu công việc. Số còn lại sẽ nghiên cứu, đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ khi người lao động bị mất việc làm”, ông Quang trăn trở.

Ông đánh giá như thế nào khi VEC từng là vướng mắc khó xử lý khiến dự án thu phí không dừng nhiều lần trễ hẹn, sau khi được tháo gỡ cơ chế, 4 tuyến cao tốc do Tổng công ty đến nay đã cơ bản hoàn thành?

“Đúng là trong những năm qua, việc triển khai hệ thống ETC của VEC có nhiều khó khăn, vướng mắc (trước thời điểm năm 2022, VEC mới triển khai được 8 làn thu phí theo công nghệ DSRC tại tuyến TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây từ năm 2017 và 15 làn ETC tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình từ năm 2020). Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT và Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp cùng với ý chí, nỗ lực của tập thể người lao động thuộc Tổng công ty và Nhà thầu, đến nay hệ thống ETC trên toàn bộ 4 tuyến cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Trong thời gian tới, VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia giao thông”.

Xin cám ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận