ảnh minh họa |
Thời hoàng kim
Sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, Bill Clinton đã chọn Venezuela là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm khu vực Nam Mỹ, năm 1997. Điều này cũng dễ hiểu khi "quốc gia hoa hậu" này không chỉ là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất và giàu nhất khu vực Mỹ Latin vào thời điểm đó, nhờ nắm giữ nguồn cung dầu mỏ vào loại lớn nhất thế giới, mà còn có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng ở khu vực mà Mỹ luôn muốn duy trì vị thế ảnh hưởng độc tôn.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Hugo Chavez (Tổng thống Venezuela từ năm 1999 cho đến khi qua đời năm 2013) thực thi hàng loạt chính sách kinh tế theo chủ nghĩa dân túy, Venezuela bắt đầu rơi vào suy thoái, lạm phát gia tăng, trong khi tình trạng bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo quá mức càng khiến nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Cùng với việc giá dầu giảm mạnh trong giai đoạn từ 2015, nguồn thu nhập từ dầu mỏ không còn đủ để Venezuela bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách nặng nề, vốn là hệ quả của việc vay nợ nước ngoài quá mức, trong khi tham nhũng ngày càng tràn lan và các công trình đầu tư công bị lãng phí.
Đồng nội tệ mất giá nhanh chóng, cộng thêm sự không thân thiện của Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro đối với các công ty nước ngoài đã dẫn đến "cuộc tháo chạy" của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó Pepsi (PEP), General Motors (GM), United (UAL) đã thu hẹp hoạt động và rời khỏi Venezuela. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ thất nghiệp ở Venezuela trong năm 2017 lên tới 25%. Hàng loạt cuộc di cư ồ ạt đang diễn ra do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Quá khứ đang lặp lại
Tuy nhiên, cần biết rằng đây không phải lần đầu tiên quốc gia này lâm vào tình trạng tồi tệ như trên. Thập niên 1980 cũng đã từng chứng kiến Venezuela lâm vào khủng hoảng nặng nề khi giá dầu mỏ sụt giảm, cộng thêm việc phá giá tiền tệ, những chính sách kinh tế thất bại và những mâu thuẫn nội bộ. Hệ quả là năm 1992 đã diễn ra hai cuộc đảo chính nhưng đều thất bại, tuy nhiên điều đó cũng đủ để viên sĩ quan Hugo Chavez giành được nhiều thiện cảm của nhân dân Venezuela, nhờ đó đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela năm 1998 với tỉ lệ 56%.
Dù vậy, mọi việc chưa kết thúc êm ả đối với Venezuela, khi năm 2002, phe đối lập lại tiến hành đảo chính, song thất bại. Bạo loạn và đình công nổ ra khiến kinh tế Venezuela một lần nữa rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, nặng nề nhất là vào năm 2003. Bảy năm sau đó, tình trạng nghèo đói và lạm phát bắt đầu gia tăng chóng mặt và kéo dài cho đến tận hôm nay, dù Chavez đã qua đời và Tổng thống Maduro được bầu thay thế từ năm 2013.
Đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Maduro bị ám sát hụt. Tuy nhiên, với tình hình đang diễn ra, một cuộc bạo loạn, lật đổ hay đảo chính nữa có thể sẽ lại diễn ra nhằm mục đích thay đổi thể chế của Venezuela.
Từ lâu, Mỹ luôn xem Venezuela là cái gai trong mắt và không loại trừ khả năng sẽ sớm có những biện pháp cứng rắn hơn bên cạnh chính sách cấm vận hiện nay.
Ai được lợi nếu chính quyền Maduro sụp đổ?
Mối quan hệ từng một thời nồng ấm giữa Mỹ và Venezuela đã thay đổi kể từ khi Hugo Chavez lên nắm quyền và không những thay đổi hàng loạt chính sách kinh tế, ngoại giao mà còn muốn tách khu vực Mỹ Latin ra khỏi "sân sau" của Mỹ, đồng thời có những tuyên bố chống Mỹ khá mạnh bạo.
Dưới thời ông Chavez, quan hệ ngoại giao với Nga, Bolivia và Cuba được đẩy mạnh, khi ba nước thiết lập một hiệp định thương mại nhằm ngăn cản ảnh hưởng của Mỹ vào khu vực.
Ông Chavez cũng quan tâm và ủng hộ một số nước cánh tả tại khu vực như Ecuador và Nicaragua, bên cạnh việc xúc tiến quan hệ ngoại giao với những quốc gia như Belarus hay Iran. Điều này dĩ nhiên làm Mỹ không hài lòng, khi mà Venezuela luôn là một trong những quốc gia có tầm quan trọng địa - chính trị lớn nhất tại Nam Mỹ, là đầu tàu trong "lòng chảo Caribe" và sở hữu trữ lượng khổng lồ về dầu khí, nước sạch, đồng và một số kim loại hiếm.
Trong khi đó, hai cường quốc kinh tế khác là Nga và Trung Quốc cũng muốn nâng tầm ảnh hưởng lên Venezuela thông qua các gói viện trợ và cho vay khổng lồ. Nga đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương nhằm bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho Venezuela cũng như một số quốc gia Nam Mỹ khác. Lẽ dĩ nhiên cả Nga lẫn Trung Quốc đều không muốn chính quyền Venezuela hiện nay sụp đổ bởi có thể ảnh hưởng đến các khoản vốn cho vay tại nước này.
Ngược lại, nếu chính quyền của ông Maduro bị thay thế, Mỹ sẽ có cơ hội can thiệp vào việc thành lập một chính phủ mới thân Mỹ, từ đó tái định hình lại chiến lược ở khu vực Nam Mỹ, thực thi mục tiêu cuối cùng là phá hủy Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và tăng cường chính sách bao vây, phong tỏa các chính phủ "không được lòng Hoa Kỳ" tại Mỹ Latin, đảm bảo vị thế độc tôn ảnh hưởng tại khu vực.
Venezuela không chỉ đang vướng vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn lâm vào thế kẹt địa - chính trị giữa ba cường quốc lớn nhất hiện nay. Quốc gia này không chỉ đối mặt với thảm trạng nội bộ mà còn có thể rơi vào một cuộc chiến bất cứ lúc nào, khi mà ngày 11/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những đe dọa tấn công quân sự nước này.
Đối với những quốc gia Nam Mỹ khác, nếu nền kinh tế và chính trị Venezuela sụp đổ, đó sẽ là một bài học đắt giá cho thấy sự giàu có của một nền kinh tế có thể thay đổi bất cứ lúc nào nếu không thể duy trì các chính sách kinh tế, ngoại giao phù hợp. Đối với những quốc gia vẫn đang còn quan hệ làm ăn với Venezuela tất yếu sẽ bị ảnh hưởng, trong khi những đối thủ, những quốc gia thân Mỹ như Colombia cũng sẽ tìm kiếm cơ hội gia tăng sức ảnh hưởng và lấn át "ông bạn láng giềng" này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.