Vị cứu tinh cho mỗi chuyến xa khơi

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 29/09/2016 06:04

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam được thành lập ngày 02/10/1996 với nhiệm vụ ban đầu là thường trực thu nhận các thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải và chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý. Cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu còn nhiều hạn chế, cán bộ kiêm nhiệm. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay đơn vị đã trở thành Trung tâm tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành mạnh nhất trong hệ thống tìm kiếm cứu nạn quốc gia.

cuu nan hang hai 1

Điểm tựa tin cậy những chuyến xa khơi

Thực hiện chức năng là đơn vị chủ trì hoạt động tìm kiếm, cứu nạn khi tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Việt Nam trực tiếp chỉ huy, điều hành hoạt động của lực lượng, phương tiện ngành Hàng hải và của các bộ, ngành khác được huy động tham gia hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển, bao gồm lập kế hoạch, xác định vùng tìm kiếm, tổ chức phân công khu vực hoạt động cho từng lực lượng, phương tiện, chỉ định chỉ huy hiện trường (OSC), thu thập, tiếp nhận thông tin hiện trường, điều chỉnh kế hoạch hoạt động tìm kiếm, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ đối tượng bị nạn và phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để giải quyết các công việc sau hoạt động tìm kiếm, cứu nạn (cấp cứu người bị nạn, bàn giao người, phương tiện bị nạn, hồi hương người bị nạn…).

Để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, đến nay Trung tâm đã có 5 phòng tham mưu và 4 đơn vị trực thuộc: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Khu vực I có vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn từ ranh giới phía Bắc vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Quảng Bình; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Khu vực II có vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Quảng Bình đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Bình Định; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Khu vực III có vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Ninh Thuận đến hết vùng biển tỉnh Kiên Giang (không bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa); Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải Khu vực IV có vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Bình Định đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Ninh Thuận và vùng biển quần đảo Trường Sa).

Với đội ngũ cán bộ, thuyền viên thuộc quản lý của Trung tâm hiện tại là 316 người, hầu hết là lao động có tay nghề cao. Toàn bộ đội ngũ sỹ quan tàu tìm kiếm cứu nạn đều có kinh nghiệm đi biển lâu năm, đã được huấn luyện để sử dụng thành thạo các trang, thiết bị chuyên dùng công nghệ cao, hiện đại về công tác tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thậm chí hy sinh tính mạng để cứu giúp người bị nạn trên biển.

Trung tâm được trang bị 7 tàu cứu nạn chuyên dụng (4 tàu loại 27m, 3 tàu loại 41m), trong đó có 6 tàu thuộc dự án đóng tàu dùng nguồn vốn ORET - Hà Lan, công nghệ đóng tàu theo tiêu chuẩn châu Âu. Các loại máy móc, thiết bị chuyên dụng hiện đại nhất trong khu vực hiện nay, cùng với 5 cano cao tốc tìm kiếm cứu nạn được phân bố tại các khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn, sự cố (tại Hải Phòng: Tàu SAR 411, SAR 273 và 01 canô ST750; tại Đà Nẵng: Tàu SAR 412, SAR 274 và 01 canô ST750; tại Vũng Tàu: Tàu SAR 413, SAR 272 và 01 canô ST750; tại Nha Trang: Tàu SAR 27-01, 02 canô ST750). Ngoài ra, Trung tâm cũng đã xây dựng xong hệ thống cơ sở hậu cần với đầy đủ cầu tàu, nhà làm việc, khu huấn luyện tìm kiếm cứu nạn tại 3 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực I, II, III; tiếp tục tiến hành dự án đóng mới 01 tàu chuyên dụng loại 62m, có tầm hoạt động, thời gian đi biển dài ngày để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên các vùng biển xa bờ; trang bị các hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực bao gồm: Thông tin vệ tinh Inmarsat, thông tin HF/MF, DSC.

Với các phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng hiện đại và đội ngũ cán bộ, thuyền viên chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, hàng năm Trung tâm thu nhận và xử lý từ 200 - 250 vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu thuyền trong và ngoài nước gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, sự cố gây ra trên cả nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế. Đặc biệt, từ khi đưa đội tàu chuyên dụng vào hoạt động, Việt Nam đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các nước trong khu vực công nhận là một trong những quốc gia có hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải phát triển nhanh và hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong lĩnh vực hoạt động kinh tế biển.

Nhằm đáp ứng tốt nhất công tác tìm kiếm, cứu nạn, Trung tâm duy trì chế độ trực ban tìm kiếm, cứu nạn 24/24h hàng ngày tại Phòng Phối hợp cứu nạn (phòng chỉ huy điều hành chung) và 4 phòng chỉ huy phối hợp tại các đơn vị trực thuộc. Các phòng điều hành được trang bị máy móc, trang, thiết bị thông tin liên lạc cần thiết để có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin báo nạn, liên lạc được với các phương tiện tham gia cứu nạn và phương tiện bị nạn để phối hợp xử lý vụ việc cứu nạn. Với tính năng kỹ thuật của trang, thiết bị thông tin liên lạc này, bộ phận trực thông tin tại Phòng Phối hợp cứu nạn và các đơn vị trực thuộc phối hợp với Hệ thống Đài thông tin duyên hải thực hiện chức năng phối hợp thông tin tìm kiếm, cứu nạn, có thể tham gia hoạt động thông tin liên lạc trong vùng A1, A2, A3 theo yêu cầu của hệ thống thông tin Cứu nạn và An toàn Hàng hải toàn cầu (GMDSS).

Trong trường hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển có sự tham gia của lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài, Trung tâm thực hiện chức năng là cơ quan đầu mối thông tin liên lạc giữa cơ quan chỉ huy, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển Việt Nam với lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của nước ngoài.

cuu nan hang hai

Tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học

Trong những năm gần đây, chất lượng đào tạo cán bộ viên chức, thuyền viên tại Trung tâm ngày càng được cải thiện. Các khóa học trong và ngoài nước, các hội thảo, tập huấn, diễn tập... về tìm kiếm, cứu nạn phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động được tổ chức thường xuyên. Nhiều hình thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đã được Trung tâm triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt, lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ: Triển khai thực hiện tốt công tác huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn trên bờ, trên biển cho thuyền viên và cán bộ nghiệp vụ. Huấn luyện tại bến, trên bờ: Thực hiện huấn luyện hàng ngày tại tàu cứu nạn và tại cơ sở hậu cần; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về tiếng Anh, võ thuật, lặn biển tìm kiếm cứu nạn, thông tin liên lạc về tìm kiếm cứu nạn, nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cho viên chức, người lao động; hướng dẫn về sơ, cấp cứu y tế ban đầu cho các đối tượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn.

Hàng năm, Trung tâm đã tiến hành trung bình từ 15 đến 25 đợt đi các địa phương để tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con ngư dân, người điều khiển phương tiện và chính quyền địa phương các cấp về công tác bảo đảm an toàn hàng hải và tìm kiếm, cứu nạn trên biển; đã trực tiếp dán trên 100.000 tờ gấp hướng dẫn về các địa chỉ liên lạc, phương pháp sơ cấp cứu, phương pháp cứu nạn, vị trí neo đậu tránh trú thời tiết xấu, tủ thuốc sơ cấp cứu y tế lên các tàu cá, tàu vận tải nhỏ; phát hàng ngàn phao tròn, phao áo cá nhân và hàng trăm túi thuốc y tế đến tận tay ngư dân, người đi biển.

Trung tâm đã phối phối hợp với Vụ ATGT tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền tuyên truyền về Công ước SAR79 và an toàn tàu cá; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền an toàn tàu cá và phát áo phao cho ngư dân theo chương trình của Ủy ban ATGT Quốc gia.

Về lĩnh vực Hợp tác quốc tế,Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia về tìm kiếm cứu nạn với các nước ASEAN; tiếp tục triển khai thực hiện Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn SAR 79, thỏa thuận về tìm kiếm cứu nạn với Philippines; tham gia các đoàn công tác của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT về tìm kiếm cứu nạn; tổ chức diễn tập xử lý thông tin với nước ngoài: Hàng năm duy trì diễn tập thường xuyên với Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, công tác hoạt động nghiên cứu khoa học  được phát động sâu rộng tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động Trung tâm để chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn. Kết quả đạt được bước đầu rất khả quan. Chỉ riêng trong năm 2014 và 10 tháng năm 2015, đã có 105 lượt người được trực tiếp cứu sống tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (trong khi trước đó, chúng ta thường xuyên phải nhờ các tàu thuyền nước ngoài hỗ trợ cứu thuyền viên tàu bị nạn tại khu vực Hoàng Sa). Có thể nói rằng, nhờ có các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật này, gần như toàn bộ các vụ việc cứu nạn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đều được các tàu tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm cứu, hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho bà con ngư dân, giúp bà con yên tâm bám biển, làm giàu cho quê hương, đất nước, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận