Các phương tiện chở quá tải bị bắt trên sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TP HCM) năm 2016 |
Trên địa bàn TP HCM từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy do chở quá tải, trong đó có những vụ nghiêm trọng.
Vi phạm liên tục
Trong đó, điển hình là vụ chìm tàu trên biển Cần Giờ làm 9 người chết vào năm 2013; vụ 17 thuyền viên khi đang trên tàu có trọng tải 2.000 tấn neo đậu tại phao số 5 sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ) thì bị lật úp khiến 4 người chết...
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, dù giảm hơn so với cùng kỳ năm 2016 nhưng cũng đã xảy ra 8 sự cố giao thông đường thủy. Ngày 24-2, sà lan tự hành làm sập trụ chống cầu Bà Tàng. Ngày 29-4, phương tiện tàu kép kéo sà lan va chạm với một canô trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ngày 1-6, sà lan tự hành chở cát va đâm vào nhịp số 3 cầu Rạch Dơi…
Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, lực lượng thanh tra giao thông đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hơn 530 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy, với tổng số tiền gần 1,6 tỉ đồng.
Đại diện Sở Giao thông vận tải thừa nhận chưa thể xử lý hết được tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là nạn chở quá tải. Chưa kể, trên các tuyến sông, kênh, rạch tại TP HCM cùng khu vực lân cận, nhiều hoạt động trong giao thông đường thủy còn mang tính tự phát, sử dụng phương tiện với nhiều chủng loại không đúng quy định nên việc áp dụng, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật rất hạn chế, khiến tình hình vi phạm càng diễn ra phức tạp hơn.
Thiếu bến bãi trầm trọng
Khó khăn nhất chính là TP HCM đang thiếu trầm trọng bến bãi lưu giữ phương tiện. Nhiều trường hợp dù phát hiện vi phạm cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở hoặc phạt rồi cho đi, không thể tạm giữ phương tiện, bảo quản hàng hóa... Chính vì lý do này mà nhiều chủ phương tiện lờn luật, thường xuyên chở quá tải, nhất là trên các tuyến sông Sài Gòn, Soài Rạp...
Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội Điều tra giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy (PC68) Công an TP HCM, cho biết TP hiện chỉ có 1 bến tạm giữ phương tiện vi phạm nằm trên địa bàn quận 8. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận và lưu giữ tại điểm này lại rất hạn chế, tối đa chỉ đáp ứng được các loại phương tiện từ 500 tấn trở xuống.
Trong khi đó, khu vực điểm tạm giữ nêu trên đang thi công hệ thống cống ngăn triều, các loại phương tiện có tải trọng lớn không thể lưu thông. Vì vậy, dù phát hiện vi phạm cũng không thể chuyển các loại phương tiện lớn vào trạm tạm giữ nên việc xử lý vốn đã khó càng thêm khó.
Theo trung tá Mẫn, thực trạng nêu trên cho thấy yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải có thêm trạm tạm giữ với quy mô lớn hơn, cần xây dựng ở vị trí không bị vướng những công trình thi công.
"Đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều đơn vị quản lý trong lĩnh vực giao thông thủy trước đó đã kiến nghị Ban An toàn giao thông TP đồng ý cho lập thêm trạm và đã được thông qua. Các đơn vị đã xác định sơ bộ những vị trí dự định lập trạm tạm giữ mới. Dự kiến ngày 13-10, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ đi khảo sát cụ thể để tìm vị trí phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu hiện hữu" - trung tá Mẫn cho biết.
Tĩnh không cầu quá thấp TP HCM có gần 1.000 km sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy. Trong đó, khoảng 800 km là tuyến đường thủy nội địa và 200 km là tuyến hàng hải cùng 4 khu vực cảng biển. Hoạt động giao thông đường thủy tại TP được đầu tư phát triển nhưng ngoài khó khăn về tình trạng thiếu bến bãi còn nhiều bất cập liên quan đến độ tĩnh không của các cây cầu, gây ảnh hưởng đến khả năng lưu thông, dễ xảy ra tai nạn; ảnh hưởng rất lớn đến việc kết nối giao thông thủy từ TP HCM với các tỉnh lân cận. Trong đó, đặc biệt là ở hướng kết nối với ĐBSCL qua các tuyến Chợ Đệm - Bến Lức (về Long An), kênh Chợ Gạo (về Tiền Giang), những tuyến đường thủy có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.