Vì sao cứ hễ va chạm giao thông là hành hung người khác?

Ý kiến phản biện 21/12/2018 14:41

Hiện nay, tình trạng nhiều người cứ xảy ra va chạm giao thông là lao vào hành hung người khác mà không cần phân biệt đúng sai hoặc chờ cơ quan chức năng giải quyết. Nhiều trường hợp còn tước đoạt mạng sống của người khác một cách vô cớ, dã man.


va-cham-nhe-tren-duong-thanh-nien-di-sh-tan-cong-p
Ảnh minh họa

Mới đây nhất là vụ Bùi Quang Hoàng (Khánh Hòa) sau khi va quẹt giao thông với một người đàn ông đã xảy ra xô sát, rồi đâm chết ông này. Hay vụ một nam thanh niên ở tỉnh Điện Biên đi SH sau khi xảy ra va chạm giao thông với người phụ nữ đi xe máy đã gọi bạn mang xăng đến và đốt xe máy của người phụ nữ cháy trơ khung giữa đường trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Có thể nói, cách cư xử vô văn hóa, côn đồ hung hãn khi xảy ra các vụ va chạm tai nạn giao thông đang ở mức đáng báo động. Cách hành xử xấu xí này không chỉ biểu hiện sự xuống cấp đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân mà còn bộc lộ sự yếu kém, thiếu nghiêm minh của hệ thống pháp luật. Minh chứng là rất nhiều vụ hành hung, gây thương tích liên quan đến va chạm giao thông không bị xử lý nghiêm, xử lý đến nơi, đến chốn gây bức xúc cho người dân.

Việc không xử lý nghiêm những kẻ hành xử côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật trong các vụ va chạm giao thông tạo tiền lệ xấu cho cách hành xử côn đồ gia tăng một cách nguy hiểm. Điều này không những ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội mà còn đe dọa đến cuộc sống yên bình của người dân. Nhiều khi ra đường không sợ đi sai luật, vi phạm an toàn giao thông mà chỉ lo bị kẻ khác vô cớ hành hung, gây thương tích chỉ vì va quẹt nhỏ nào đó!

Do đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những kẻ coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác, hành xử côn đồ khi xảy ra va chạm giao thông. Mặt khác, khi giải quyết va chạm giao thông cũng nên chủ động, linh hoạt. Theo đó, nên tôn trọng sự tự thỏa thuận bồi thường, hòa giải giữa các bên, nếu va chạm giao thông không gây hậu quả nghiêm trọng.

Không nên cứng nhắc khi giải quyết các vụ va chạm nhỏ như yêu cầu các bên phải về trụ sở, tạm giữ xe, giấy tờ... tạo ức chế không cần thiết cho những người liên quan. Điều này vừa góp phần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả khi có va chạm giao thông, đồng thời hạn chế tình trạng ức chế, thiếu niềm tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật mà gây ra sự việc đáng tiếc./.

Ý kiến của bạn

Bình luận