Trụ sở liên doanh Ford Sollers ở Nga |
Ford đã tuyên bố chuyển quyền kiểm soát liên doanh Ford Sollers cho công ty Sollers của Nga, công ty này sẽ sở hữu 51% vốn cổ phần của liên doanh, theo trang thông tin Vestifinance. Ford sẽ ngừng sản xuất xe hơi ở Nga vào cuối tháng 6/2019 và sẽ đóng cửa 2 nhà máy ô tô ở Naberezhnye Chelny và Vsevolozhsk, cũng như nhà máy sản xuất động cơ Elabouga.
Năm 2011, Ford Motor Company, 1 trong 3 đại gia ô tô Mỹ, đã thành lập một liên doanh với công ty Sollers của Nga với số cổ phần bằng nhau. Chỉ trong vài năm, liên doanh Ford Sollers đã sản xuất 7 mẫu xe tại 4 nhà máy với trung tâm nghiên cứu và phát triển để điều chỉnh và nội địa hóa các mẫu xe của Ford.
Ford đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào ngành công nghiệp ô tô Nga, bao gồm sản xuất 5 mẫu xe của Ford, ra mắt 1 nhà máy mới để chế tạo động cơ với khoản đầu tư là 275 triệu đô la và nội địa hóa 300 thiết bị phụ tùng.
Ford Sollers sản xuất 7 mẫu xe gồm: Ford Focus và Ford Mondeo tại nhà máy Vsevolojsk gần St. Petersburg; Ford Explorer, Ford Kuga và dòng thương mại Ford Transit tại Elabouga; Ford Fiesta và Ford EcoSport tại Naberezhnye Chelny.
"Những nhân viên trong diện tinh giảm và các nhà cung cấp sẽ được bồi thường lên đến 200 triệu đô la”, đại diện Ford tại Nga cho biết.
Giới phân tích thị trường nhanh chóng cho rằng vì Ford đã tiến hành một chính sách giá cả không hợp lý, nhưng nhà sản xuất Mỹ đã giải thích việc rời khỏi Nga nằm trong chương trình tái cấu trúc chung mô hình kinh doanh tại châu Âu.
Nga là một trong những thị trường lớn nhất ở châu Âu và có tiềm năng rất lớn. Các nhà máy của Hyundai, VW và Toyota đều có trụ sở tại Nga, nhưng Ford đã đánh giá thấp sở thích của người tiêu dùng Nga khi nhắm vào các mẫu xe giá rẻ và hy vọng thu hồi vốn đầu tư nhanh chóng.
Trong 2 năm qua, thị phần của Ford tại thị trường Nga đã không giảm và duy trì ở mức 3% vào cuối năm 2018, giống như những năm trước, theo thông tin từ Ủy ban các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Doanh số Ford tại Nga tăng lên 5,7% trong năm 2018, tương đương 53.234 số xe bán ra. Nhưng 2 tháng đầu năm 2019 đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh và doanh số của Ford tại Nga đã mất 50%, cổ phần hãng xe này giảm xuống còn 1,8%.
Nhưng Ford không phải là người đầu tiên đóng cửa các nhà máy ở châu Âu và Nga. Vào tháng 8/2017, sau nhiều năm thua lỗ, tập đoàn General Motors (GM), một thành viên khác trong "bộ ba các ông lớn" của ngành công nghiệp ô tô Mỹ, đã tuyên bố bán lại cho tập đoàn PSA của Pháp dây chuyền sản xuất 2 mẫu xe Opel và Vauxhall ở châu Âu.
Năm 2015, sau 3 năm thua lỗ, GM đã tạm dừng hoạt động của nhà máy tại St. Petersburg, ngừng các dây chuyền lắp ráp tại Kaliningrad và Nizhny Novgorod. Cuối cùng, số lượng xe GM đã bị thu hẹp ở châu Âu và Nga.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.