Ảnh minh họa. |
Mới đây, thủ đô Hà Nội chính thức đưa vào sử dụng đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, con đường phá kỷ lục về chi phí do đoạn đường chỉ dài 500m nhưng ngốn hết 969 tỷ đồng. Trung bình, để làm mỗi mét đường, Hà Nội phải mất gần 2 tỷ đồng.
Sở dĩ đường Nguyễn Văn Huyên có giá "chát" chủ yếu là do tiền bỏ ra để giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân.
Dự án này thu hồi 28.986 m2 đất của 231 hộ gia đình, 14 tổ chức và 179 ngôi mộ thuộc 2 phường Quan Hoa và Dịch Vọng, 194 căn hộ tái định cư được phê duyệt tại tòa nhà NO2 Tây Nam Đại học Thương Mại.
Theo phương án phê duyệt của UBND Thành phố Hà Nội vừa công bố, giá đền bù để làm con đường này cao nhất là 78 triệu đồng/m2; thấp nhất là 33 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Có gia đình được đền bù trên 20 tỷ đồng.
Với tổng mức đầu tư hơn 969 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đã chiếm hơn 680 tỷ đồng. Còn lại, chi phí xây lắp chưa đến 80 tỷ đồng. Như vậy, chi phí mặt bằng đã gấp hơn 8 lần so với tiền thực chi để xây dựng đường.
Trước đó, Hà Nội cũng từng có những tuyến đường khác được mệnh danh là "đắt nhất hành tinh" khi đưa vào lưu thông.
Tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa: Đầu năm 2010, Hà Nội cho thông xe đường vành đai I, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) có chiều dài 550 m với tổng mức đầu tư 642 tỷ đồng, được coi là “con đường đắt nhất hành tinh”. Tính trung bình mỗi mét chiều dài tuyến đường này tốn hơn 1 tỷ đồng.
Tuyến đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu: Đầu năm 2014, Hà Nội cũng đã thông xe đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu sau 5 năm khởi công xây dựng. Tuyến đường này chỉ dài hơn 500 m nhưng tổng mức đầu tư lên đến hơn 700 tỷ đồng. Trung bình, mỗi mét đường ngốn 1,4 tỷ đồng.
Đường Trần Phú kéo dài: Đầu năm 2015, Hà Nội cũng thông đường Trần Phú kéo dài sau suốt 20 năm "treo" dự án. Đường Trần Phú kéo dài với tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng, đoạn đường dài 450m, trung bình 0,5 tỷ đồng mỗi mét đường.
Có vẻ như, càng các con đường xây dựng sau, chi phí lại càng đội lên cao hơn. Cứ mỗi con đường trong số này được đưa vào sử dụng, dư luận lại được dịp "vui miệng" gắn thêm cụm từ mĩ miều "đắt nhất hành tinh" vào phía sau. Con đường này lập kỷ lục đắt nhất nhưng rồi lại có con đường khác đắt hơn phá kỷ lục cũ.
Nguyên nhân chính đều đến từ chi phí giải phóng mặt bằng quá tốn kém và mất thời gian.
Giải phóng mặt bằng là câu chuyện nan giải muôn thuở ở Hà Nội mỗi khi có dự án làm đường nội đô. Với mật độ dân cư như hiện nay lên đến 2000 người/km2, nếu không có quy hoạch tổng thể rõ ràng, trong tương lai không xa chắc hẳn sẽ có những con đường "đắt nhất hành tinh khác" soán ngôi dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.