Vì sao lao động từ Hàn Quốc về nước khó tìm việc? |
Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 12 năm qua đã có trên 90.000 lượt người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác giữa hai nước; trong số đó mỗi năm cũng có hàng nghìn lao động hết thời hạn phải quay về nước.
Tuy nhiên, có một thực tế là những lao động này sau khi trở về nước rất khó tìm việc.
Sau 5 năm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, tháng 1/2017, anh Nguyễn Hữu Hiền, ngụ tại tỉnh Thanh Hóa trở về nước. Niềm vui sum vầy với gia đình, người thân chưa trọn thì nỗi lo đã bắt đầu ập xuống.
“Hai tháng sau khi về nước mình bắt đầu cảm thấy bị mất phương hướng bởi không biết làm gì để đảm bảo cho cuộc sống sau này”, anh Hiền chia sẻ. Sau gần 4 tháng “ăn không ngồi rồi”, anh Hiền quyết định khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh với hy vọng tìm được một công việc phù hợp bởi theo anh thị trường lao động tại đây sôi động hơn.
Còn chị Huỳnh Phước Sang, ngụ quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi trở về từ Hàn Quốc đã trải qua 2 công ty làm việc chỉ trong 1 năm. Hiện chị làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng cho vị trí kiểm hàng mặc dù trình độ tay nghề của chị hơn hẳn nhiều công nhân khác.
“Thời gian đầu mới trở về nước tôi đề nghị mức lương 9-10 triệu đồng/tháng với các công ty nhưng liên tục bị từ chối. Sau đó tôi buộc phải chấp nhận mức lương 6-7 triệu đồng bởi không công ty nào chịu trả cao hơn”, chị Sang cho biết.
Không đi tìm việc làm sau khi trở về nước, nhiều bạn bè của chị Phước Sang lựa chọn con đường mở dịch vụ kinh doanh, buôn bán.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trên con đường này, trường hợp của anh Nguyễn Hữu Bá, quê ở Nghệ An là ví dụ.
Với số vốn tích cóp được sau 5 năm ở Hàn Quốc, anh Bá mở tiệm bán cà phê ở quê nhà. Tuy nhiên, do thị trường cạnh tranh khốc liệt, việc kinh doanh liên tục thua lỗ, anh buộc phải đóng cửa tiệm và đang loay hoay đi tìm một công việc khác để mưu sinh.
Khó xin được việc làm phù hợp khi về nước, điều kiện sống không đảm bảo đó là một trong những lý do khiến tỷ lệ người lao động Việt Nam bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng tăng cao.
Anh Ngô Xuân Phú, một lao động đang làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ: Không lao động nào muốn ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp nhưng khi về nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, vì thế một bộ phận không nhỏ người lao động đã bỏ trốn sau khi hết hợp đồng.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 12/2016, trong số gần 40.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, có khoảng 16.000 người cư trú bất hợp pháp, chiếm 39%.
Cần tiếng nói chung
Trong phiên giao dịch việc làm đầu tiên dành cho lao động trở về từ Hàn Quốc, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Cao Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có gần 30 doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 3.000 việc làm.
“Chúng tôi đã thực hiện khảo sát nhu cầu của người lao động và nhận thấy thực tế có nhiều người lao động từ Hàn Quốc trở về đang gặp khó khăn trong việc tìm một công việc ổn định. Do vậy tại phiên giao dịch việc làm này, chúng tôi đã kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh”, ông Thắng chia sẻ.
Trước đó, Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 33 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của 700 lượt doanh nghiệp và 4.000 người lao động.
Nhận định về chất lượng nguồn lao động Việt Nam trở về từ Hàn Quốc, ông Park Se Jin - Giám đốc điều hành công ty TNHH City Focus Lighting, đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, lao động từ Hàn Quốc về thường có tay nghề tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp và có vốn tiếng Hàn, giúp họ hòa nhập nhanh hơn và có thể cập nhật các công nghệ mới mà công ty đưa ra. Đó cũng là lý do mà đơn vị này mong muốn tìm kiếm các ứng viên là lao động trở về từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ông Park Se Jin cho hay, lao động từ Hàn Quốc trở về thường yêu cầu mức lương quá cao. Chúng tôi biết ở Hàn Quốc các bạn được trả mức lương cao hơn nhiều, có khi lên đến 2.500-3.000 USD/tháng nhưng với mặt bằng thị trường Việt Nam thì không thể trả mức lương như vậy.
Cùng chung quan điểm, đại diện Công ty TNHH Dongmyung Contruction (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, mức lương bình quân mà Công ty này đưa ra khi tuyển dụng là 500 USD cho các vị trí như phiên dịch viên, nhân viên kinh doanh, tổ trưởng… nhưng người lao động liên tục chê thấp.
“Không phải lao động nào từ Hàn Quốc về cũng đáp ứng được các tiêu chí mà chúng tôi đưa ra. Vì thế mức lương đó là hợp lý. Nếu ứng viên có năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc thì chúng tôi sẵn sàng trả lương 1.000 USD/tháng, thậm chí là cao hơn”, vị đại diện này cho biết.
Trong khi đó, do có 7 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Ngọc Linh, ngụ tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn tìm được một vị trí thông dịch viên tiếng Hàn hoặc vị trí tổ trưởng, quản lý phân xưởng tại một doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau nhiều lần thương lượng, anh Linh cho rằng mức lương mà các doanh nghiệp trả quá thấp, trong khi thời gian làm việc lại quá dài. “Nhiều công ty tuyển phiên dịch viên tiếng Hàn nhưng mức lương đưa ra chỉ tầm 9-10 triệu đồng, trong khi đó lại phải làm thêm ngoài giờ, tôi thấy như vậy là không hợp lý lắm”.
Theo Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Cao Thắng, trong các đăng ký của doanh nghiệp tham gia phỏng vấn thì mức lương trung bình khoảng 7-10 triệu đồng/tháng.
Mức lương này trong bối cảnh thị trường lao động của Thành phố Hồ Chi Minh và các tỉnh lân cận là chấp nhận được.
Vì vậy, theo ông Thắng, người lao động trước khi về nước cần có sự chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu kỹ để có thể thích nghi với thị trường lao động Việt Nam nhằm tránh sự hụt hẫng và nhất là không nên so sánh với mức lương cũng như điều kiện làm việc ở Hàn Quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.