Vì sao nền vận tải của nước ta được đánh giá là dị biệt?

Ý kiến phản biện 15/10/2015 14:29

Nền vận tải nước ta phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ, không giống như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Điều này dẫn đến chi phí của loại hình vận tải này tăng lên quá cao.

duongbo1
Nền vận tải nước ta phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ, không giống như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới

Phát biểu tại các hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp quy hoạch, phát triển giao thông vận tải trong nước, nhiều chuyên gia nhận định, nếu nói chúng ta làm quy hoạch trên phạm vi cả nước nói chung và hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM nói riêng, mà không tính đến nhu cầu vận tải thì là không đúng. Thực tế, bất cứ nhà quy hoạch nào cũng nắm rõ nguyên tắc này. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của Việt Nam là không dự báo được nhu cầu. Điều này ngược lại với các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản.... Tại các quốc gia này, từ 100 năm trước khi có trình độ phát triển ngang với Việt Nam hiện nay, họ đều đã đưa ra các dự báo chi tiết và có giải pháp thực hiện. Bởi vậy, đến thời điểm hiện nay, mạng lưới giao thông vận tải của các quốc gia này về cơ bản là tốt và hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Trước đó, trong chuyên mục trước về huy động vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, chúng tôi đã trích dẫn ý kiến của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong đó, một nội dung đáng chú ý được TS Lưu Bích Hồ chỉ ra, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ thống vận tải bị lỗi của Việt Nam, đó là công tác quy hoạch còn xuất phát từ sự tính toán và tầm nhìn chưa đầy đủ; cộng thêm cách thức thực hiện còn mang tính chính trị, dẫn đến hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Một vấn đề nữa cũng được nhiều chuyên gia chỉ ra là tính dị biệt của nền vận tải nước ta. Đó là nền vận tải phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ, không giống như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Điều này dẫn đến chi phí của loại hình vận tải này tăng lên quá cao, trong khi các loại hình vận tải khác không có sức cạnh tranh.

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: "Một là chi phí vận tải của chúng ta trong giá thành là quá cao. Hai nữa là vai trò của đường thủy và đường sắt là quá kém. Trước năm 1975, giao thông đường thủy ở miền Nam rất quan trọng, bây giờ toàn giao thông đường bộ thôi. Đề nghị làm rõ tại sao đường cao tốc của chúng ta lại cao thế, giá thành ở đâu, những yếu tố như thế nào, phải công khai minh bạch ra chứ cứ để như thế này thì không biết chúng ta sẽ phải trả bao nhiêu cho GTVT".

duongbo2
Vận tải đường biển và đường sông thì rất rẻ nhưng tốc độ rất chậm

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay để giải quyết vấn đề là tính toán các giải pháp phát triển cả nước gắn với nhu cầu vận tải. Chúng ta cùng đến với GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải để chia sẻ về nội dung này.

PV: Ở nước ta hiện nay theo giáo sư, vấn đề phát triển gắn với nhu cầu vận tải cần được thực hiện theo định hướng như thế nào?

GS.TSKH Lã Ngọc Khuê: Bây giờ nói định hướng trong một câu ngắn thì rất khó, không thể nói hết được. Tuy nhiên, về quy hoạch tổng thể thì chúng ta phải căn cứ vào tiêu chí tổng quát của giao thông vận tải là kịp thời, thông suốt, an toàn, hiệu quả và không xâm hại môi trường. Thế thì phải tính ra từng tiêu chí như vậy, thì ngành vận tải nào đáp ứng được cái nào thì mình phải khai thác cái đó. Thí dụ ô tô thì rất kịp thời, có thể đi vào mọi nơi nhưng nó không thông suốt, vì khối lượng nhỏ và số lượng đầu phương tiện rất lớn, rất dễ gây ùn tắc. Vì vậy, mình lợi dụng sự kịp thời nhưng lại phải hạn chế tối đa số lượng của nó. An toàn và hiệu quả thì ô tô cũng không chiếm ưu thế bởi đấy là loại vận tải nếu xét về hàng hóa thì chỉ thua máy bay thôi, bởi cần rất nhiều chi phí khấu hao, xăng hầu.

Cho nên, chi phí cho vận tải ô tô là đắt, chỉ sau mỗi hàng không thôi, cho nên phải hạn chế. Tuy nhiên, nói như thế phải ưu tiên đường sắt thì đường sắt lại có yếu điểm là không kịp thời, không thể đi đến mọi chỗ mọi nơi được. Đường biển và đường sông thì rất rẻ nhưng tốc độ rất chậm. Vì vậy, người ta nói rằng phải là một hệ thống liên hoàn, liên kết, trong đó phân công các chuyên ngành vận tải theo đúng chức năng và sắp xếp trong một mô hình tổng thể. Và làm thế nào trong mô hình, hệ thống tổng thể đó là tận dụng được ưu thế của từng loại hình vận tải và hạn chế nhược điểm của nó.

duongbo3
Vận tải đường sắt thì có yếu điểm là không kịp thời, không thể đi đến mọi chỗ mọi nơi được

PV: Vấn đề đặt các loại hình vận tải vào hệ thống tổng thể là như vậy. Tuy nhiên, theo giáo sư, làm thế nào để tính toán cụ thể hiệu quả của các loại hình này để có hướng ưu tiên cho phù hợp?

GS.TSKH Lã Ngọc Khuê: Hiệu quả nói cũng vô cùng, nhưng với ở cấp vĩ mô nhà nước thì cần tính xem một năm đất nước này chi phí cho vận tải là bao nhiêu. Nếu nói bài bản như Mac nói thì vận tải không làm ra giá trị sử dụng của hàng hóa, vận tải chỉ làm thay đổi vị trí và thay đổi giá bán của hàng hóa, vì vậy phải cố gắng làm giảm chi phí vận tải. Cho nên cần tính tổng chi phí vận tải của mình so với các nước khác trong cấu tạo GDP là bao nhiêu. Ví dụ theo thống kê mình có được của Mỹ thì chi phí vận tải hàng hóa của họ chỉ bằng 3,2% GDP; còn Canada là 3,4%. Còn của mình, vừa rồi theo thống kê của Ngâ hàng thế giới, tổng chi phí logistic của Việt Nam là 22%, trong đó vận tải chiếm 70%, tức là bằng khoảng 12% của tổng GDP. Tức là gấp 3-4 lần so với bình thường của các nước. Như vậy, chứng tỏ hệ thống của chúng ta rất không cân đối, không kinh tế và không hiệu quả. Vì vậy cho nên cần xem lại hệ thống của chúng ta có lỗi hệ thống hay không. Nhà nước cần tính tổng thể như thế để ra được hiệu quả.

PV: Cảm ơn những ý kiến của giáo sư.

Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là các nhà quản lý phải có tầm nhìn đúng; đồng thời phải có sự thay đổi tư duy để biến tư duy chính trị thành tư duy kỹ trị, kỹ năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, trong thời gian tới, những khảo sát nghiêm túc và cụ thể về hệ thống vận tải phải được đẩy mạnh, để đánh giá xem với một nềnvận tải chỉ có đường bộ độc diễn như hiện nay, với chi phí xăng dầu, chi phí đường xá, chi phí phương tiện tốn kém như vậy thì chúng ta có thích ứng được với hội nhập quốc tế hay không. Trên cơ sở đó, chúng ta mới định hướng phát triển, điều chỉnh chiến lược và cân đối nhịp độ đầu tư giữa các loại hình vận tải cho phù hợp; đặc biệt là giữa đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch Đầu tư cần nắm vai trò chủ đạo trong việc thực hiện quy hoạch vùng gắn với quy hoạch cả nước. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng cải thiện được tính dị biệt và lỗi hệ thống của nền vận tải, đưa kinh tế - xã hội cả nước cùng phát triển.

Ý kiến của bạn

Bình luận