Áp lực công việc đè nặng lên người lao động Nhật Bản. Họ thậm chí không được trả thù lao cho nhiều giờ làm thêm của mình. Ảnh: Flickr. |
Ở Nhật Bản, karoshi là thuật ngữ chỉ những cái chết do làm việc quá sức. Đó cũng là điều sẽ xảy đến với nhiều người trẻ ở xứ phù tang, nếu họ không nhận thức được sự nguy hiểm khi làm việc quá khả năng chịu đựng.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Makoto Iwahashi - thành viên nhóm vận động Posse - chia sẻ suy nghĩ của mình về nguyên nhân ngày càng nhiều thanh niên Nhật làm việc đến chết.
Theo Iwahashi, phần lớn nhân lực trẻ ở quốc gia này nghĩ làm thêm giờ là cách duy nhất để giữ việc, cũng như chứng tỏ giá trị bản thân tại cơ quan. Quan niệm này vô hình trung biến họ thành nô lệ cho công ty và ông chủ của mình.
Hiện nhiều doanh nghiệp thích tuyển nhân công trẻ và "giữ chân" họ lâu dài hơn là thuê ngắn hạn. Cơ chế này khác rất nhiều so với trước đây, khi nhân viên phải tích cực làm thêm giờ để được công ty khen thưởng, giữ lại lâu dài.
Môi trường làm việc tại Nhật Bản đã trở thành "đấu trường sinh tử" khi chỉ những người làm việc chăm chỉ nhất, sẵn sàng làm việc "thâu đêm suốt sáng" để thuyết phục công ty mình xứng đáng được ở lại, mới có thể tồn tại.
Trang CNBC từng dẫn kết quả một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy số công ty buộc nhân viên làm thêm 100 giờ/tháng chiếm 12%, trong khi số đơn vị ép làm thêm 80 giờ/tháng chiếm 23%.
Chính phủ Nhật hiện đề xuất luật mới cho phép số giờ làm thêm mỗi tháng chỉ từ 45-60 giờ.
Hiện tượng karoshi được ghi nhận lần đầu vào năm 1987, khi Bộ Y tế Nhật Bản xác nhận nhiều ca tử vong đột ngột của giám đốc các công ty. Bộ Lao động nước này thừa nhận có 2 loại karoshi. Thứ nhất là tử vong do bệnh tim mạch vì làm việc quá sức. Thứ hai là tự tử vì căng thẳng tinh thần do công việc. Năm 2015, số người chết vì làm việc quá sức tăng lên mức kỷ lục - 2.310 trường hợp, theo Bộ Lao động Nhật. Tuy nhiên, theo Hội đồng bảo vệ nạn nhân Karoshi quốc gia, con số thực tế là 10.000 người. Ngày 25/12/2015, nữ nhân viên văn phòng Matsuri Takahashi nhắn tin cho mẹ, rồi nhảy xuống từ khu ký túc xá dành cho nhân viên của Dentsu - công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản. Theo thỏa thuận, cô gái 24 tuổi làm 70 giờ/tuần. Song thực tế, cô bị buộc làm tới 100 giờ/tuần. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.