Ngày 28/3/2020, chuyến tàu liên vận đầu tiên khởi hành từ Vũ Hán đi châu Âu sau đợt phong tỏa dài ngày vì đại dịch, đánh dấu sự hoạt động trở lại bình thường của tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu |
Cử xe buýt đón công nhân trở lại làm việc
Ngay từ đầu năm 2020, khi đại dịch toàn cầu bước vào giai đoạn căng thẳng, một số nhà máy tại trung tâm sản xuất và xuất khẩu Nghĩa Ô, thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Máy móc tại cảng đường sắt Nghĩa Ô chạy gần như không ngừng nghỉ để xếp các container lên những chuyến tàu vận chuyển hàng thiết yếu đi châu Âu. Trong suốt đại dịch, nhu cầu về vật tư y tế và nhu yếu phẩm tăng liên tục trên toàn thế giới, đặc biệt là máy thở ước tính tăng gấp 10 lần. Công ty sản xuất máy thở Beijing Aeonmed Co đã hoạt động 24/7 và chuyển đổi các dây chuyển sản xuất khác sang tập trung sản xuất máy thở để đáp ứng lượng đơn hàng xuất khẩu tăng cao. Kể từ tháng 02/2020, đã có 12.000 công ty mới ở Trung Quốc bắt đầu sản xuất khẩu trang và quạt thông gió. Nhiều chuyến bay vận chuyển vật tư y tế do Trung Quốc sản xuất đã hạ cánh xuống các quốc gia trên thế giới và thậm chí còn được đích thân lãnh đạo cấp cao của các nước đón tiếp. Đây là những giai thoại sống động về cách Trung Quốc cố gắng duy trì và khôi phục lại chuỗi cung ứng không chỉ trên lĩnh vực y tế để giúp các nước chống lại đại dịch mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như may mặc, điện tử, ô tô...Vào thời điểm cả đất nước còn đang chiến đấu với làn sóng dịch bệnh ở tỉnh Hồ Bắc - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch đầu tiên, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một loạt biện pháp bao gồm hỗ trợ vốn, lao động, hậu cần để giúp các doanh nghiệp và công ty ngoài vùng dịch hoạt động sản xuất trở lại. Chính quyền Nghĩa Ô đã tổ chức những chuyến xe khách đón công nhân từ khắp mọi miền cả nước quay trở lại làm việc trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành bị phong tỏa. Với nỗ lực đó, những công ty như Yiwu Zhong Cai Printing - một công ty chuyên sản xuất vở viết ở Nghĩa Ô đã có thể tiếp tục sản xuất bình thường ngay cả khi virus vẫn đang lây lan trên toàn thế giới. Ông Tian Jicheng - Giám đốc công ty chia sẻ: "Chúng tôi đã hoạt động trở lại 100% từ tháng 02 năm ngoái để thực hiện đơn hàng vở viết xuất khẩu đi một số quốc gia châu Phi phục vụ cho đợt khai giảng của học sinh vào mùa thu. Máy móc hoạt động 24/7 và chúng tôi thậm chí còn tăng tiền thưởng để khuyến khích công nhân". Lô hàng vở sau đó được vận chuyển bằng tàu biển trong vòng 2 tháng để đến được châu Phi. Không giống như vở viết, khoảng thời gian 2 tháng là quá dài đối với những vật phẩm y tế khẩn cấp như khẩu trang, áo bảo hộ và găng tay. Đó là lý do tại sao Nghĩa Ô duy trì dịch vụ đường sắt chở vật tư y tế đến châu Âu trong suốt thời gian dịch bệnh. Bên cạnh cung cấp vật tư y tế, Trung Quốc cũng cố gắng cung cấp nguyên liệu thô thiết yếu cho các hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á, chẳng hạn như cử những chuyến máy bay chở nguyên liệu đến các xưởng may ở Myanmar để người lao động địa phương trở lại sản xuất. Theo báo cáo của Hiệp hội Hợp tác tài chính châu Á, Trung Quốc không chỉ là nước xuất khẩu hàng hóa sản xuất lớn nhất thế giới mà còn là nước xuất khẩu hàng hóa trung gian lớn nhất được các nhà máy trên thế giới sử dụng, chiếm khoảng 32% tổng sản lượng thế giới. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp nguyên liệu hoặc linh kiện chính cho các lĩnh vực như điện tử, ô tô, máy móc, dệt may...
Tận dụng lợi thế đường sắt
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, hàng chục quốc gia trên thế giới đã đóng cửa nền kinh tế, khiến chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Trong cuộc khủng hoảng này, một hình thức vận tải xuyên lục địa bất ngờ vươn lên dẫn đầu tại Trung Quốc, đó là đường sắt xuyên Á - Âu. Các tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu bị đánh giá là chưa thật sự hiệu quả trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí vận tải hàng không đắt đỏ, vận tải biển và đường bộ bị gián đoạn thì những chuyến tàu liên vận lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vốn dĩ thông thường đường sắt xuyên Á - Âu đã rẻ hơn nhiều lần so với hàng không và chỉ chậm hơn khoảng 1 tuần. Trong thời điểm giá cước vận chuyển hàng không tăng cao chóng mặt và thời gian vận chuyển bị kéo dài đối với cả hàng không và hàng hải thì đường sắt trở thành lựa chọn khả thi cho các công ty. Toàn bộ tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu bao gồm cả các tuyến từ Vũ Hán đều hoạt động suốt mùa dịch. Đây là tuyến đường sắt được thành lập vào năm 2011, được coi là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia và khu vực tham gia sáng kiến này. Theo dữ liệu của Công ty Vận tải container Đường sắt Trung Quốc, năm 2020 đã có hơn 11.000 chuyến tàu chở hàng chạy trên tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Với lưu lượng hàng hóa đường sắt đang gia tăng, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã phân bổ 200 triệu nhân dân tệ (28,6 triệu USD) để hỗ trợ xây dựng các trung tâm GTVT tại 5 thành phố nhằm cải thiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường sắt Trung Quốc - châu Âu.Tháng 4 vừa qua, tuyến đường sắt xuất phát từ Trường Sa (thủ phủ của tỉnh Hồ Nam), miền Trung Trung Quốc đến Kiev (Thủ đô của Ukraine) đã đi vào hoạt động. Chuyến tàu chở hàng đầu tiên với 50 toa chở nội thất, thực phẩm, máy móc, nhu yếu phẩm và các loại hàng hóa khác đã đến Kiev sau 17 ngày, nhanh hơn nhiều so với 45 ngày vận chuyển bằng đường biển. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã chứng minh tầm quan trọng của việc quản lý chuỗi cung ứng đối với cộng đồng quốc tế, cũng như cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang tiên phong trong việc nắm bắt cơ hội và tạo điều kiện để mở rộng lĩnh vực đường sắt liên vận, đồng thời chung tay cùng các các quốc gia khác chống lại đại dịch để sớm khôi phục lại chuỗi cung ứng trên toàn cầu qMinh Phương (tổng hợp)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.