Loại động cơ phản lực sử dụng trên tiêm kích J-10 và J-11 của Trung Quốc trưng bày tại một cuộc triển lãm. Ảnh: SCMP. |
SCMP dẫn lời một nhà khoa học cao cấp của chính phủ Trung Quốc, tiết lộ rằng việc xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức sẽ cải thiện hình ảnh về chất lượng của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Lĩnh vực mà Trung Quốc đang đàm phán với Đức là công nghệ chế tạo lưỡi tuabin trong máy nén của động cơ.
Lưỡi tuabin sẽ chuyển đổi nhiệt sinh ra từ việc đốt cháy nhiên liệu thành năng lượng đẩy cho máy bay. Nó là một trong những thành phần quan trọng nhất trong động cơ phản lực hiện đại dùng cho dân sự và quân sự. Chất lượng của lưỡi tuabin quyết định đến độ an toàn, sức mạnh và độ bền của động cơ phản lực.
Nhà khoa học giấu tên này cho rằng đây có thể là một bước tiến rất quan trọng đối với động cơ phản lực sản xuất tại Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là thị trường máy bay thương mại lớn nhất thế giới. Hàng nghìn máy bay đã được đặt hàng từ Airbus và Boeing. Trung Quốc cũng đang phát triển máy bay chở khách C919 trong nước.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá trong công nghệ lưỡi tuabin. Đó là sự kết hợp trong tiến bộ về đúc hợp kim và thiết kế khí động học, cho phép Trung Quốc chế tạo động cơ phản lực mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý nhất là động cơ phản lực WS-15 được thiết kế để sử dụng trên máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc.
Động cơ WS-15 từng gặp vấn đề về độ tin cậy nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi nó ngang ngửa với Pratt & Whitney F119, động cơ phản lực tiên tiến nhất thế giới đang sử dụng trên tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.
“Chúng tôi đã sẵn sàng chia sẻ với đối tác Đức về phần cứng và công nghệ mới nhất của chúng tôi. Đại diện 2 bên đã hoàn thành vòng đàm phán đầu tiên”, nhà khoa học giấu tên nói. Một phái đoàn từ Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, nơi có cơ sở sản xuất động cơ phản lực chính của Trung Quốc sẽ đến thăm Berlin vào đầu năm nay.
Phái đoàn Trung Quốc sẽ đàm phán với các đối tác Đức để hoàn tất thỏa thuận xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức. Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức không bình luận về sự việc.
Công nghệ Trung Quốc thực sự vượt Đức?
Giáo sư Chen Jiang, Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, người tham gia phát triển động cơ phản lực cho Không quân Trung Quốc, cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc cung cấp công nghệ động cơ phản lực cho Đức. “Điều đó hoàn toàn là có thể. Công nghệ sản xuất của Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ ở nhiều lĩnh vực chiến lược trong những năm gần đây”, giáo sư Chen nói.
Tuy nhiên, một nhà khoa học về công nghệ phản lực ở Bắc Kinh, người làm việc nhiều năm tại Đức, cho biết thỏa thuận này không thể xảy ra. “Đức là đồng minh của Mỹ. Berlin phải đối mặt với nhiều hạn chế để hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm”, nhà khoa học giấu tên nói.
Trung Quốc đang nhập khẩu máy nén từ Nga để sản xuất động cơ phản lực trong nước. Ảnh minh họa: Chụp màn hình Youtube.
Ngoài ra, chính phủ và các tập đoàn của Đức đã lên tiếng lo ngại về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc thiết kế lại hoặc sao chép trực tiếp. Công nghệ mà Trung Quốc đang thảo luận với Đức là thiết bị laser dùng để khoét những lỗ siêu nhỏ trên lưỡi tuabin, cho phép không khí chảy qua và lấy đi nhiệt có hại.
Các nhà khoa học ở Tây An nói rằng công nghệ laser được sử dụng rộng rãi trong chế tạo động cơ phản lực. Trung Quốc đang sử dụng một giải pháp kỹ thuật mới khác với phương pháp truyền thống được áp dụng tại phương Tây.
Tuy nhiên, giới phân tích rất hoài nghi về việc Trung Quốc xuất khẩu công nghệ động cơ phản lực sang Đức. Thông tin được cung cấp từ một người giấu tên. Phía Đức không có bất kỳ phát ngôn nào về vấn đề này. Trung Quốc đang nhập khẩu động cơ phản lực AL-31F từ Nga để phục vụ cho việc sản xuất tiêm kích J-11, J-10 và tiêm kích trên hạm J-15.
Theo một báo cáo của Tổng công ty Hàng không Trung Quốc (AVIC) đăng trên Nhân dân nhật báo, vào tháng 7/2016, Trung Quốc đã sản xuất được phần lớn linh kiện của động cơ AL-31F nhưng tuabin và máy nén vẫn phải nhập khẩu từ Nga.
Diễn đàn các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận động cơ dòng Taihang được phát triển dựa trên công nghệ Mỹ và Liên Xô cùng với một số phát triển độc lập. Một số nhà khoa học nhận định có thể Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá trong việc sử dụng công nghệ laser để khoét lỗ siêu nhỏ trên kim loại.
Tuy nhiên, công nghệ này không phải là “cốt lõi” để sản xuất được động cơ phản lực chất lượng. Điều mà giới phân tích quan tâm là Trung Quốc sẽ nhận lại gì từ Đức nếu việc hợp tác thành công. Các nước trên thế giới đều giữ bí mật công nghệ động cơ phản lực của họ. Việc Trung Quốc muốn xuất khẩu công nghệ cho quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới là điều “đáng ngạc nhiên”.
“Chúng tôi sẽ mua cái gì đó khác từ họ để đổi lại. Nó có thể là phần cứng, hoặc công nghệ. Người Đức rất giỏi trong việc thiết kế và chế tạo máy nén cho động cơ phản lực”, một nhà khoa học tham gia đàm phán nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.