Hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do xe đầu kéo gây ra ngày 31/5 khiến 5 người tử vong |
Xe đầu kéo liên tục gây tai nạn
Thời gian vừa qua, khi nói về TNGT dường như xe đầu kéo là từ khóa được nhiều người tìm kiếm nhất. Lý do cũng không mấy hay ho, bởi chính những chiếc xe đầu kéo đó là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn thảm khốc.
Đặc biệt là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào ngày 31/5, trên QL1, đoạn qua phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM, xe ô tô đầu kéo container nghiền nát xe ô tô con khiến 5 người tử vong. Đây là một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe đầu kéo gây ra.
Vụ việc trên chưa được khắc phục xong thì ngày 4/6, trên đường dẫn từ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây hướng ra đại lộ Mai Chí Thọ lại xảy ra một vu tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ô tô đầu kéo container và xe máy khiến hai người thương vong.
Mới đây nhất, chiều ngày 5/6, trên địa bàn quận 12, TPHCM lại tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn liên hoàn giữa xe đầu kéo chở container với xe tải chở xi măng khiến ách tắc giao thông nhiều giờ.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết tất cả những vụ tai nạn trên đều xảy ra vào buổi sáng, do tài xế lái xe container làm việc với cường độ quá cao, thông từ đêm cho đến sáng nên sức khỏe không đảm bảo.
Phần nữa do hiện nay đội ngũ lái xe container có đủ thâm niên trong nghề không nhiều, các doanh nghiệp phải tuyển thêm những tài xế chỉ có GPLX hạng C hoặc sử dụng GPLX giả FC vào làm. Cụ thể, tại TPHCM tính đến tháng 3/2015 có 7.668 đầu kéo container. Thế nhưng trong 5 tháng đầu năm 2105, Sở GTVT TP. HCM cũng chỉ mới cấp đổi cho 1.428 người từ bằng C lên bằng FC.
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra TNGT, đặc biệt là xe đầu kéo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT rà soát, kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô của các doanh nghiệp gây tai nạn và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt ở Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, cần tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp có xe đầu kéo chở container.
Có phải do thiếu GPLX hạng FC?
Ghi nhận từ một số doanh nghiệp vận tải, do công tác siết chặt xe quá tải từ Bộ GTVT trong những ngày qua, các doanh nghiệp vận tải xe đầu kéo container đứng ngồi không yên vì tình trạng khan hiếm lái xe có GPLX hạng FC.
Điển hình như Công ty TNHH giao nhận vận tải Minh Thành, doanh nghiệp không tuyển được tài xế có GPLX hạng FC nên một số xe phải ngưng hoạt động.
Nói về giải pháp để khắc phục tình trạng xe container gây tai nạn, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra do xe đầu kéo gây ra, đơn vị sẽ tổ chức tổng kiêm tra toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp có sử dụng xe đầu kéo chở container. Đặc biệt là khai thác từ tư liệu giám sát hành trình để kiểm soát hoạt động của các nhà xe này. Đồng thời tổ chức khám sức khỏe toàn diện cho lái xe chở container xem có đủ điều kiện để tham gia lái xe không, còn những tài xế đang lái xe nếu dùng chất kích thích sẽ loại bỏ ngay”, ông Hùng nói.
Trong thời gian ngắn nhưng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do xe đầu kéo gây ra. |
Cũng theo ông Hùng, các doanh nghiệp vận tải có xe đầu kéo chở container ở Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM thì lực lượng chức năng cần tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp này.
Còn ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho biết: “Do xe container nặng hàng mấy chục tấn nên các doanh nghiệp cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị kỹ thuật, phanh hãm của từng chiếc xe để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Hiện nay, một số doanh nghiệp mới chỉ thành lập ra bộ phận giám sát kỹ thuật của các doanh nghiệp nhưng vẫn mang tính đối phó, chưa hoạt động thực chất”.
Theo ông Thanh, nhiều xe đầu kéo container vẫn "chạy" dưới dạng hình thức tư nhân tự đóng góp vào HTX và tự quản lý, giám sát. Riêng tài xế có bằng lái xe hạng FC rất ít. “Sở dĩ có chuyện này vì để có bằng FC, ngoài kinh nghiệm lâu năm lái xe còn phải trải qua quá trình thực hành, sát hạch rất nghiêm ngặt. Cùng với đó, quy định xe tải phải chở đúng trọng tải của Bộ GTVT được siết chặt, DN phải đầu tư thêm phương tiện để vận chuyển, dẫn đến thiếu lái xe có bằng FC”
Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết thêm: “Muốn đảm bảo an toàn giao thông thì trước hết doanh nghiệp cần phải tăng cường vai trò của bộ phận giám sát. Đồng thời đăng kiểm Việt Nam nên giám sát kỹ thuật chặt chẽ hơn các chỉ tiêu kỹ thuật của những xe đầu kéo. Đồng thời, các doanh nghiệp phải kiên quyết thực hiện không bắt lái xe chạy liên tục 4h theo luật đường bộ để đảm bảo sức khỏe cho anh em lái xe. Nếu doanh nghiệp nào thiếu nhân lực thì phải tiếp tục đào tạo để nâng trình độ của tài xế lái xe bậc thấp lên bậc cao”, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Việt Nam chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.