Khác với những đợt ra quân lần trước, lần này tổ công tác Đội 3, gồm: Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Đội trưởng Đội 3 (chỉ huy); Trung tá Trần Hải Hoàng, Phó Đội trưởng và Đại úy Kiều Nam Hải thay đổi khung giờ kiểm tra nồng độ cồn đối với cán bộ, nhân viên đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Để tạo tính bất ngờ, hiệu quả, tổ công tác chọn thời điểm kiểm tra sau bữa cơm trưa, bữa cơm tối và đầu thời gian giao ca trực, bảo đảm chạy tàu.
Khá bất ngờ với sự xuất hiện của tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn khi vừa nhận ca trực (15h45 ngày 19/11), nhân viên Đỗ Sỹ Hồng (54 tuổi, gác cầu Nam Ô tại Km778+155, địa phận phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho biết, ông đã có gần 34 năm trong ngành đường sắt, còn khoảng hơn 2 năm nữa sẽ nghỉ hưu. Ông muốn có thêm những kỷ niệm ý nghĩa, đáng nhớ với nghề, nên việc giữ gìn sức khỏe, tinh thần làm việc luôn được ưu tiên. Vì vậy nhiều năm nay ông gần như không sử dụng rượu, bia và tuyệt nhiên không uống rượu bia khi lên ca.
Sau hơn 40 phút băng rừng, lội bộ qua các con đường mòn khu vực đèo Hải Vân, khoảng 16h35, tổ công tác tiếp cận ga Hải Vân Bắc tại Km769+680 (Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trực ban chạy tàu. Tại thời điểm này, ca trực chạy tàu gồm: Trần Hữu Phước, trực ban chạy tàu ga (trưởng ga), Phạm Hồng Sơn (gác ghi Bắc), Bùi Quang Hải (gác ghi Nam), Nguyễn Văn Tịnh (trực thông tin tín hiệu), Ngô Phước Minh (nhân viên tuần đường phân đoạn đèo Hải Vân). Kết quả kiểm tra, các thành viên trực ban chạy tàu không vi phạm nồng độ cồn.
Từng chứng kiến đồng nghiệp vi phạm nồng độ cồn, nhân viên tuần đường phân đoạn đèo Hải Vân Ngô Phước Minh chia sẻ: "Đồng nghiệp vi phạm cũng như bản thân mình vi phạm và xem đó như bài học đắt giá".
Tương tự, ông Trần Minh (nhân viên gác hầm số 9, Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cho hay, ông có gần 23 năm trong ngành đường sắt. Bình thường, thi thoảng có uống rượu bia nhưng trước và trong khi lên ca thì ông tuyệt đối không sử dụng rượu bia. Cách đây khoảng 18 ngày, đồng nghiệp cùng trực hầm số 9 (nhân viên Phạm Văn L. - PV) vi phạm nồng độ cồn. Sau khi bị lực lượng CSGT xử phạt hành chính, đồng nghiệp L. không chỉ bị cơ quan tiếp tục xử lý mà còn gây buồn phiền cho gia đình, vợ con. "Việc vi phạm liên quan đến công việc, đời sống... nên tôi sợ lắm, không dám uống rượu, bia khi lên ban, ca trực", ông Minh nói.
Tiếp tục kế hoạch kiểm tra, từ 17h30 đến 20h cùng ngày, tổ công tác thực hiện kiểm tra trực ban chạy tàu ga Lăng Cô, ga Thừa Lưu, nhân viên gác hầm số 7, đường ngang Km731+900, Km741+480 (địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế) và lái tàu, phụ tàu xí nghiệp đầu máy (Đà Nẵng). Kết quả kiểm tra, cán bộ, nhân viên trực ban, trực gác, lái tàu đều không có hành vi vi phạm, tất cả đều chấp hành tốt các quy định, bảo đảm an toàn chạy tàu trên tuyến.
Video lực lượng CSGT Đội 3 kiểm tra nồng độ cồn nhân viên đường sắt Bắc-Nam qua Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế
Tuy nhiên, qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại một số bộ phận có pháo phòng vệ đã hết hạn sử dụng. Ngay sau đó, tổ công tác đã có biên bản làm việc ghi nhận sự việc và đề nghị các đơn vị có phương án đề xuất bổ sung, thay thế pháo phòng vệ nhằm đảm bảo công tác phục vụ chạy tàu, cảnh báo phòng ngừa các sự cố trên tuyến, bảo đảm an toàn chạy tàu theo đúng quy trình, quy định.
Trực tiếp chỉ huy tổ công tác, Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Đội trưởng Đội 3 cho hay, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, tổ công tác không chỉ tiến hành kiểm tra bất ngờ mà còn tiến hành nhiều lượt kiểm tra vào các khung giờ khác nhau. Quá trình kiểm tra, lực lượng của đơn vị còn tăng cường tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực ban chạy tàu, nhân viên đường sắt chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường sắt, tuyệt đối không sử dụng rượu bia, ma túy khi lên ban trực chạy tàu.
"Việc chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu góp phần kiềm chế, giảm TNGT, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy", Trung tá Hùng thông tin.
Được biết, thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là các chức danh trực tiếp phục vụ chạy tàu đã sử dụng rượu, bia trước, trong quá trình làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Cục CSGT (Bộ Công an) đã xử phạt một số nhân viên đường sắt vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Trước thực tế đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan theo quy định; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, tránh tái diễn và xem đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không bao che, can thiệp cho cán bộ, viên chức, người lao động khi có các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn và xử lý nghiêm, không nể nang đối với các hành vi vi phạm.
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền các quy định pháp luật về TTATGT đường sắt đến cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, nhằm phòng ngừa, cảnh báo, giúp nâng cao nhận thức, giảm thiểu các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Trang bị các thiết bị đo nồng độ cồn chuyên dụng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp, đột xuất tại hiện trường việc tuân thủ quy định pháp luật về TTATGT đường sắt.
Tổ công tác Đội 3 băng rừng, lội bộ đến các chòi gác ghi, gác hầm kiểm tra nồng độ cồn
Tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn tại ga Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) lúc 18h30 ngày 19/11
Tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn trực ban chạy tàu ga Hải Vân Bắc lúc 16h30
Tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn nhân viên gác hầm, đường ngang qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong đêm 19/11
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.