“Con rồng chuyển mình”
Trước tiên, Báo cáo e-Conomy SEA 2018 - một nghiên cứu về kinh tế kỹ thuật số do Temasek (Singapore) và Google thực hiện cho thấy kinh tế số tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD năm 2018, tăng trưởng 38% trong giai đoạn 2015-2018. Trong đó, thương mại điện tử gần như tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017, quảng cáo trực tuyến và game online tăng trưởng hơn 50% mỗi năm. Không chỉ vậy, Việt Nam còn là quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của kinh tế kỹ thuật số so với GDP là lớn nhất trong khu vực, con số này là 4% vào năm 2018; đứng thứ 2 là Singapore với 3,2%; tiếp theo Indonesia 2,9%; Thái Lan và Malaysia cùng 2,7%; Philippin 1,6%. Đối với quy mô nền kinh tế kỹ thuật số, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực, đạt giá trị 9 tỷ USD; sau Indonesia và Thái Lan. Nhưng quy mô của Việt Nam được dự báo tăng rất nhanh, chỉ 6 năm sau, đến 2025 quy mô kinh tế số nước ta sẽ đạt 33 tỷ USD, gấp 3,7 lần. 6 năm tăng 3,7 lần, quả là tốc độ thần kỳ. Vì thế, Temasek và Google so sánh kinh tế số Việt Nam như "con rồng chuyển mình".
Theo dữ liệu của tập đoàn Miniwatts Marketing, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu, xấp xỉ 67% dân số, hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới; một nền tảng lý tưởng để phát triển kinh tế số.
Theo báo cáo của Liên Hợp quốc về chỉ số Chính phủ điện tử 2018, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã tăng 11 bậc, xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI). Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia đã nhảy vọt từ chỉ số phát triển EGDI từ mức trung bình đến mức cao.
Một báo cáo mới đây của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ) cũng chỉ ra rằng: Việt Nam đang xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới; đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa.
Kinh tế số có 5 lĩnh vực kinh doanh cơ bản, gồm thương mại điện tử; dịch vụ du lịch trực tuyến; dịch vụ gọi xe online; dịch vụ viễn thông; dịch vụ thanh toán trực tuyến. Đối với thương mại điện tử, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia về quy mô thị trường, nhưng đã vượt qua Thái Lan; nhưng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm kể từ 2015 được dự báo sẽ là 43% - một tốc độ nhanh nhất khu vực. Cuộc khảo sát gần đây của Công ty TNHH CBRE Việt Nam ghi nhận ý kiến người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều cho rằng sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế và sẽ mua sắm trực tuyến. Giới phân tích cũng đưa ra dự báo: Đến năm 2020, dự kiến tại Việt Nam có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người. Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán rất tiềm năng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới
Tiếp theo là dịch vụ du lịch trực tuyến, bao gồm đặt vé máy bay online, thuê khách sạn và các hình thức lưu trú online, Việt Nam nằm trong Top Asean 4. Thứ ba là dịch vụ gọi xe online được dự báo có tốc độ tăng trưởng 29%. Thứ tư là dịch vụ viễn thông, Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao di động. Trong số đó, thuê bao băng rộng di động (3G và 4G) là hơn 51 triệu thuê bao, nằm trong top 20 quốc gia có mật độ thuê bao lớn nhất.
Cuối cùng là dịch vụ thanh toán trực tuyến, đây là lĩnh vực mà Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều do người dân vẫn có thói quen tiêu dùng và giao dịch bằng tiền mặt.
Nền tảng lý tưởng
Mặc thanh toán trực tuyến còn hạn chế, nhưng do chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa đến 10% nên kinh tế số nước ta vẫn được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là có triển vọng tiến xa với tốc độ hàng đầu khu vực Đông nam Á. Và thời khắc bùng nổ của kinh tế số Việt Nam khởi đầu từ 2019.
Vì sao lại có những đánh giá lạc quan như vậy, trong khi các hạ tầng cho kinh tế số, như hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng phân phối điện tử, hạ tầng nhân lực thương mại điện tử và công nghệ thông tin, hạ tầng an toàn an ninh thông tin ở nước ta còn nhiều hạn chế?
Vấn đề nằm ở triển vọng. Từ cuối năm trước, Bộ TT-TT đã chủ trương cấp tần số từ năm 2019 để thử nghiệm công nghệ 5G. Như vậy, đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G, Việt Nam sẽ là nước đi đầu. theo số liệu của Bộ này, thiết bị 2G, 3G được sử dụng hiện nay là 100% nhập ngoại; thiết bị 4G lần đầu tiên đã có hàng "made in Vietnam". Dù vậy, thời gian để có thiết bị 4G là khá lâu, mất 8 năm. Nhưng đối với thiết bị cho 5G, Bộ TT-TT cho biết sẽ có "hàng Việt" ngay từ ngày đầu khi chạy chính thức vào năm 2020. Đồng thời đưa ra triết lý phát triển kinh tế số hết sức mới mẻ cho các nhà mạng: Mạng lưới, hạ tầng cần phải có trước, đầu tư trước, kinh doanh sau... Ngày 25/1 vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 (WEF Davos 2019) Việt Nam và WEF đã ký 3 Thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý nhất là Thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam và kết nối Trung tâm này với các Trung tâm CMCN 4.0 của WEF trên thế giới. Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký Thỏa thuận này với WEF. 3 thỏa thuận này chính là để hiện thực hoá việc thúc đẩy kinh tế số tại nước ta.
Tháng 9 năm trước, Bộ TT-TT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ xây dựng chiến lược phát triển các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam trên cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp dịch vụ lớn của Việt Nam chuyển sang làm công nghệ cao.; và thành lập Cục Công nghiệp ICT trên cơ sở Vụ CNTT hiện có nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam trong thời gian tới. Chức năng của các Cục này ngoài việc xây dựng chính sách, quy định quản lý còn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển CNTT, hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường cho sản phẩm của CNTT hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng lĩnh vực CNTT, hỗ trợ chuyên môn hóa các khu vực sản xuất, tăng cường hoạt động của các doanh nghiệp CNTT ở nước ngoài, điều tra khảo sát nghiên cứu phân tích về CNTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, xúc tiến đầu tư và thương mại...
Đây là những tiền đề cho sự phát triển của hạ tầng kinh tế số, là nền tảng lý tưởng cho các lĩnh vực kinh doanh số ở Việt Nam cất cánh như nhận định “con rồng chuyển mình” của Temasek và Google.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.