Tết là cao điểm gửi chó, mèo, thú cưng của nhiều gia đình. |
Theo chia sẻ của anh Dương Minh Vinh, chủ cơ sở trông giữ chó mèo NaiPet (đường Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà Nội), vào dịp Tết Nguyên đán, lượng chó mèo mà cơ sở anh nhận trông giữ có thể lên đến gấp 10 lần so với ngày thường.
Tết Âm lịch năm 2018, anh Vinh đã trông giữ khoảng 156 con. "Đợt Tết thì hầu hết mọi người đều gửi từ một tuần trở lên. Nhân viên bên mình cũng về nghỉ Tết hết nên một mình mình phải tự tay chăm sóc chúng.
Số chó mèo ấy chiếm hết 3 tầng nhà và cả một chuồng riêng. Mãi mùng 4 Tết mình mới ra khỏi nhà được" - Anh Vinh nói một cách vui vẻ.
Còn tại cơ sở trông giữ và chăm sóc chó mèo Kimi Pet trên đường Đê La Thành (Hà Nội), chị Nguyễn Thùy Linh - chủ cơ sở cho biết: "Nhu cầu khách gửi chó, mèo đến cơ sở bên mình trông giữ vào đợt Tết tăng gấp 4, 5 lần ngày thường”.
Nói về lý do nhu cầu trông giữ chó mèo tăng cao vào dịp Tết, anh Vinh cho biết: "Đa phần khách hàng gửi chó mèo đều là người xa quê và phải về quê ăn Tết. Có trường hợp do nhà xe không cho mang động vật lên xe nên chủ phải đi gửi.
Có trường hợp do Tết, khách quá bận rộn nên không thể chăm sóc chúng, có trường hợp khách đi du lịch nên gửi trông hộ.
Ngoài ra cũng có vài lý do đặc biệt khác như gia đình có người dị ứng với lông chó, mèo nên không thể mang chúng về chăm sóc được".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) là một khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ trông giữ chó mèo chia sẻ lý do của mình: "29 Tết năm nào gia đình tôi cũng vào trong Nam để ăn Tết với bên nội, đến mùng 2 mới ra nên mấy ngày vắng nhà đành phải gửi chó ở các cơ sở trông giữ hộ".
Đến tìm hiểu tại các cơ sở trông giữ chó, mèo hoặc có dịch vụ khách sạn dành cho chó, mèo, phóng viên Báo Gia đình và Xã hội được biết, từ trước Tết khoảng 2 tuần thì hầu hết các cơ sở đã có khách hàng đặt phòng cho thú cưng.
Đến khoảng ngày 26 – 27/12 âm lịch là các khách sạn chó mèo đều hết phòng. Muốn chắc chắn có chỗ cho vật nuôi của mình, các khách hàng đều phải gọi điện đặt chỗ trước cả tháng.
Mặc dù phí trông giữ chó, mèo vào ngày Tết tăng cao, có nơi lên đến 500.000 đồng/ngày, song nhiều người vì những lý do "bất khả kháng" nên vẫn phải chấp nhận gửi chó, mèo của mình tại các cơ sở để về nhà ăn Tết với gia đình.
Là người đã làm dịch vụ trông giữ chó mèo nhiều năm, anh Vinh đã được trải nghiệm nhiều tình huống bi, hài với chó, mèo của khách.
Câu chuyện đầu tiên anh Vinh nhắc đến là về một bạn sinh viên nữ trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Anh kể: "Tết âm lịch năm ngoái, bạn ấy mang 5 con mèo đến chỗ mình nhờ trông giùm mấy ngày Tết để về quê.
Mình cũng ngạc nhiên hỏi bạn ấy sao là sinh viên mà nuôi nhiều mèo vậy thì bạn ấy trả lời rằng đây đều là mèo bị bỏ rơi hoặc bị bệnh mà bạn ấy đi xin ở các trạm thú y về nuôi.
Để gửi 5 con mèo ở đây trong mấy ngày Tết, bạn ấy đã phải tiết kiệm 3 tháng lương đi làm thêm. Đáng lẽ số tiền bạn ấy phải trả là 7 triệu đồng nhưng vì cùng là người yêu động vật nên mình chỉ yêu cầu bạn ấy trả một nửa số tiền thôi".
Sau đó, anh Vinh tiếp tục kể về một câu chuyện khác. Đó là chuyện về một bé gái sống cùng với gia đình trong khu đô thị Ciputra – Nam Thăng Long, Hà Nội.
Bé gái còn nhỏ tuổi và rất yêu quý chú mèo của mình nhưng do em bị hen suyễn nên bố mẹ em không đồng ý cho nuôi. Trước Tết, gia đình em về quê thăm ông bà nên bố em mang mèo sang cơ sở của anh Vinh để trông giữ hộ.
Sau đó họ nhờ anh Vinh gọi điện cho con gái của mình giả vờ báo mất mèo để bé gái không thể nuôi mèo nữa.
Anh tâm sự: "Mình thực sự không muốn làm vậy nhưng bố em ấy bảo tình trạng hen suyễn của em sẽ trở nặng nếu tiếp tục nuôi mèo nên mình đành phải nhận lời.
Sau Tết, em ấy còn qua chỗ mình vừa khóc vừa tìm, rồi còn nhờ bạn bè đi dán tờ rơi khắp nơi tìm mèo lạc. Mình thực sự rất buồn. Chỉ hi vọng sau này khi lớn hơn, bệnh tình giảm nhẹ, em ấy sẽ có thể tìm được niềm vui bên những chú chó, mèo khác".
Bạn Đặng Thu Trang, nhân viên trông giữ chó, mèo tại cơ sở trên đường Trần Khát Chân chia sẻ một kỷ niệm khó quên khi chăm sóc mèo cho khách.
"Hôm ấy là phiên trực của mình, mình có nhiệm vụ tắm cho em ấy. Tuy nhiên, em ấy quá dữ với người lạ nên cào vào tay mình và để lại mấy vết rách dài, mình phải đi viện kiểm tra gấp. Sau đó, quản lý bên mình đành gọi điện xin phép chủ em ấy cho bọn mình cắt móng cho chú thú cưng ấy. Bạn ấy nghe câu chuyện xong đồng ý ngay, còn hỏi mình có sao không và xin lỗi mình nữa" - Trang hài hước chia sẻ.
Đã có rất nhiều trường hợp chó, mèo sau khi gửi tại các cơ sở trông giữ thì bị chủ bỏ rơi. Tại cơ sở của anh Vinh, ngày trước có một chú chó Ngao Tây Tạng khách gửi đã hơn một năm nhưng vẫn không có ai quay lại nhận.
Những chú mèo hoang được anh Vinh mang về nuôi đã hơn 1 năm.
Hoặc trường hợp của một chú chó giống Collie, người chủ gửi để đi công tác trong Sài Gòn, sau một tháng thì gọi điện cho anh Vinh báo sẽ không quay lại đón nữa.
Tại cơ sở của chị Linh cũng xảy ra trường hợp tương tự. Những con bị bỏ rơi thường là chó, mèo ta. Lo sợ việc rao bán có thể khiến những con chó, mèo ấy vào tay những người không tốt, có khi là vào lò mổ nên chị thường để cho nhân viên bên mình mang về chăm sóc.
Bản thân là một người yêu động vật, anh Vinh đã từng cưu mang hơn 20 chú mèo hoang và cả mèo bị bỏ rơi. Anh dành riêng sân thượng nhà mình cho chúng ở và tìm cho chúng những người chủ tốt, biết yêu thương, chăm sóc động vật. Hiện nay, số lượng chó, mèo anh đang nuôi giữ là 6 con, bao gồm 5 con mèo và 1 con chó.
Trông giữ chó mèo có thể là một nghề "hốt bạc" trong dịp Tết với mức thu nhập cao, song đằng sau đó là rất nhiều những câu chuyện cảm động, "éo le" mà người trông giữ chúng đã, đang và sẽ gặp phải.
Những người làm dịch vụ này, ngoài việc phải có hiểu biết về việc chăm sóc chó mèo thì còn cần phải có một tình yêu to lớn với động vật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.