Xe mô tô cấp cứu ở London (Anh) |
“Cấp cứu trước bệnh viện” là thời điểm đầu tiên mà người dân tiếp xúc với y tế và nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định sự sống còn của người bệnh nhất là đối với bệnh nhân nặng.
Tuy nhiên, chuyên ngành cấp cứu trước bệnh viện tại Việt Nam hiện rất yếu và luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Nguyên nhân vì sao?
Phóng viên có cuộc phỏng vấn BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội – người đã được đào tạo bài bản về chuyên ngành này tại Mỹ.
PV: Thưa BS, cấp cứu trước bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng và nó quyết định sự sống còn của người bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về tầm quan trọng của nó. Nguyên nhân vì sao thưa ông?
BS Nguyễn Thành: Cấp cứu trước bệnh viện là giai đoạn đầu tiên trong dây truyền cấp cứu điều trị bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nặng.
Công tác cấp cứu trước viện rất quan trọng và được các nhà chuyên môn rất quan tâm, bởi vì nếu người bệnh được cấp cứu xử trí đúng, kịp thời ở giai đoạn trước bệnh viện sẽ làm tăng khả năng sống sót, tăng khả năng cứu chữa tại bệnh viện, giảm được tỷ lệ di chứng sau này, giảm gánh nặng cho bản thân bệnh nhân, gia đình và toàn xã hội.
Tuy nó là một khâu quan trọng trong dây chuyền phục vụ người bệnh, nhưng hiện nay, cấp cứu trước bệnh viện vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu phương tiện hiện đại đồng thời sự hiểu biết của xã hội và thậm chí của nhiều y bác sĩ về chuyên ngành này chưa toàn diện. Rất ít lực lượng bác sĩ điều dưỡng muốn tham gia vào công việc này vì rất vất vả, phải đối diện với nhiều thử thách trên đường, thời gian đi xe nhiều, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp hạn chế.
Những năm trở lại đây, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn thừa biên chế, tuyển nhưng không ai muốn vào, hiện chúng tôi thừa 17 chỉ tiêu biên chế.
Khó khăn thứ hai là thông tin liên lạc và hạ tầng phục vụ thông tin liên lạc để trao đổi thông tin về tình trạng bệnh nhân giữa trung tâm điều phối với các xe cấp cứu chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thiết bị thông tin hiện nay rất sơ sài, trước đây có radio được Nhật Bản tài trợ năm 1999 nhưng giờ đã cũ, hỏng, xuống cấp không còn sử dụng được.
Khó khăn thứ 3 là thiếu xe cấp cứu. Hà Nội chỉ có hơn 20 xe cấp cứu. Dân số Hà Nội đông, nếu theo tiêu chuẩn WHO, chúng tôi phải cần từ 100 đến 150 xe cấp cứu mới đủ. Như vậy, chúng tôi mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu cấp cứu của người dân Hà Nội. Xe đã thiếu, trang thiết bị cấp cứu trên xe cũng đã cũ và xuống cấp, tần suất sử dụng lớn nên xe hỏng liên tục.
PV: ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – một trong những chuyên gia nổi tiếng về tim mạch đã từng chia sẻ trên facebook rằng, hệ thống cấp cứu y tế công ngày càng xuống cấp, nhiều giờ vàng trong tim mạch ngày càng bỏ phí. Còn ý kiến của ông như thế nào?
BS Nguyễn Thành: Theo cá nhân tôi, hệ thống cấp cứu y tế công của Việt Nam xuống cấp xuất phát từ nguyên nhân thiếu nhân lực và các trang thiết bị xuống cấp và lạc hậu. Người bị thiệt hại nhất chính lại là người dân.
Chỉ tính riêng về lĩnh vực cấp cứu trước bệnh viện, ở các nước tiên tiến trên thế giới họ có các trường đào tạo rất chuyên nghiệp còn ở Việt Nam vẫn chưa có, SGK chính thống cũng không có, muốn mở cơ sở đào tạo lại không xin được mã đào tạo. Ở đây chúng tôi đang rơi vào một vòng luẩn quẩn: muốn khai sinh chuyên ngành phải có được mã đào tạo, muốn có mã đào tạo phải có chuyên ngành trước. Hiện tại chúng ta chỉ tập huấn đơn lẻ cho tình nguyện viên, điều dưỡng bác sĩ ở cơ sở và đội ngũ như chúng tôi, chứ chưa lan tỏa hệ thống rộng rãi. Và điều đặc biệt nhất là công việc vất vả, đồng lương lại thấp không đủ sống nên không ai muốn vào.
Chính vì vậy, để phát triển hệ thống y tế cấp cứu trước bệnh viện ở Hà Nội cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân một cách tốt nhất, chúng tôi mong muốn, mỗi bác sĩ trong hệ thống y tế Hà Nội phải thực hiện công việc này như một nghĩa vụ, phải khai sinh một chuyên ngành mới là cấp cứu trước bệnh viện với đầy đủ hệ thống sách giáo khoa, trường lớp, có mã ngành đào tạo.
PV: ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ trên mạng xã hội như thế này: Đến bao giờ Hà Nội và Sài Gòn có đội xe cấp cứu thế này (tức là dùng xe mô tô cấp cứu giống như ở London). Ông đã mơ ước và thảo luận điều này với nhiều người từ nhiều năm trước. Xe máy cấp cứu có thể đến trước trong những khu phố nhỏ, nhận định tình hình bệnh nhân, sơ cứu, trao đổi với các chuyên gia bằng tele medecine hoặc đơn giản gửi dữ liệu qua... facebook. Ông có bình luận gì về ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu?
BS Nguyễn Thành: Đây là ý kiến hay và nó rất phù hợp với tình hình giao thông khó khăn như hiện nay ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, có triển khai được hay không cần có sự vào cuộc không chỉ của ngành Y tế mà cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý và cả cộng đồng.
Trước đó, phương án này đã được đề cập từ năm 2009 và được JICA của Nhật Bản tài trợ nhưng không thành công do chưa làm tốt khâu thông tin tuyên truyền tới cộng đồng nên người dân chưa hiểu và không chấp nhận sử dụng.
Năm 2013 -2015 chúng tôi đã liên hệ với các chuyên gia cấp cứu trước bệnh viện ở Luân Đôn và Hoa Kỳ triển khai thí điểm dự án mô tô cấp cứu tại Hà Nam, Phía bạn tài trợ 02 mô tô cấp cứu chuyên dụng, đồng thời giúp đào tạo cho các bác sỹ, điều dưỡng của khoa cấp cứu BV tỉnh Hà Nam, nhưng sau đó do vướng các thủ tục nhập cảnh không nhập đươc 02 xe mô tô đó nên dự án cũng đã thất bại
Chúng ta không những nên dùng các phương tiện như ô tô cấp cứu, mô tô cấp cứu, mà cần tính đến việc sử dụng cả xe đạp cấp cứu, phương tiện bay cấp cứu.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có nhiều ý tưởng phát triển thủ đô, và rất tâm huyết với y tế của thành phố. Trong đó, có việc dự án xây dựng Trung tâm điều phối cấp cứu tập trung trước bệnh viện lên tới nghìn tỉ ở đường Liên Cơ, Võ Chí Công rất hiện đại về cứu hỏa, công an, cứu hộ cứu nạn, cấp cứu. Tôi hy vọng, những ý tưởng đó sẽ được triển khai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.