Việt Nam sắp có thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới

Tác giả: L. Chi

saosaosaosaosao
Hàng hải 16/12/2023 10:51

Hải Phòng được quy hoạch là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế.

Ba trụ cột phát triển

Việt Nam sắp có thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới- Ảnh 1.

Một góc cảng cảng TC-HICT tại Lạch Huyện, Hải Phòng

Theo Quyết định số 1516 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển...

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng được quy hoạch là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.

Tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công nghiệp-xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm.

Trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7% (công nghiệp chiếm 46,8%); ngành dịch vụ chiếm 43,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,0%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%.

GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD.

3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

Việt Nam sắp có thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới- Ảnh 2.

Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc

Đầu tiên là cảng biển và dịch vụ logistics: Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.

Tiếp đến là chuyển đổi số: Là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.

Cuối cùng là phát triển du lịch: Xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà-Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà.

Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của thành phố, gồm: Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin; Dịch vụ cảng biển và logistics; Thương mại. Phấn đấu 3 nhóm ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 55 - 60% giá trị tăng thêm trên địa bàn thành phố vào năm 2030.

Phát triển giao thông đồng bộ

Việt Nam sắp có thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới- Ảnh 3.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch

Riêng phương án phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch xác định về đường bộ, tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ liên vùng, xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Nghiên cứu, hình thành tuyến đường chính đô thị nối cảng quốc tế Hải Phòng với Quốc lộ 18; tuyến đường nối từ đường 359 đi Quảng Yên (Quảng Ninh) qua cầu Bến Rừng.

Xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ, gồm: Các tuyến đường tỉnh và đường ven biển; các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã, giao thông nông thôn theo các quy hoạch được duyệt. Phát triển các tuyến trục chính đô thị hướng tâm và đường vành đai thành phố. Xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao lộ có mật độ giao thông cao; xây dựng mới hệ thống cầu vượt, cầu qua sông tại các trục đường chính. Quy hoạch mới đường cao tốc đô thị (hướng Bắc-Nam) tiếp cận với khu vực nội đô lịch sử.

Chuyển đổi các bến xe trong khu vực đô thị đông dân cư thành bãi đỗ xe, xây dựng mới 8 bến xe liên tỉnh. Bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố phù hợp nhu cầu từng khu vực, gắn với hệ thống công trình dịch vụ, công viên cây xanh.

Nâng cấp các tuyến xe buýt hiện có, mở thêm các tuyến mới. Xây dựng các tuyến xe buýt nhanh trên địa bàn thành phố. Mở rộng quy hoạch hệ thống giao thông, không gian ngầm để kết hợp các công trình thương mại, dịch vụ.

Về đường sắt: Xây dựng mới tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng – Hạ Long). Xây dựng 4 tuyến đường sắt đô thị và các ga kết nối các đô thị, khu chức năng và đầu mối giao thông chính của thành phố. Từng bước chuyển đổi tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đoạn trong khu vực nội thị (hiện có) thành đường sắt đô thị. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến tàu điện ngầm nội đô.

Về đường thủy nội địa: Phát triển các bến tàu khách du lịch kết hợp thương mại dịch vụ du lịch ven sông Cấm, Cát Hải, Đồ Sơn; bến tàu khách trung tâm Cát Bà, Cái Viềng, bến Gót, Cát Hải, Hải An, Đồ Sơn. Nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa trên hệ thống sông Đá Bạch, sông Cấm, sông Kinh Môn, sông Văn Úc, sông Lạch Tray.

Xây dựng hệ thống đường thủy nội địa do địa phương quản lý theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được duyệt. Nâng cấp các tuyến thủy nội địa hiện có tối thiểu đạt cấp IV. Phát triển các tuyến đường thủy ven biển, nối liền các cửa sông lớn của thành phố và các tỉnh lân cận như: Cửa sông Văn Úc, Lạch Tray, Thái Bình, Trà Lý, Diêm Điền…, kết nối với khu vực cảng biển Lạch Huyện để tận dụng ưu thế của vận tải sông pha biển; các tuyến đường thủy nội địa quanh các đảo thuộc quần đảo Cát Bà phục vụ vận chuyển khách du lịch; các đường thủy nội địa chuyên dùng nối Khu đô thị Cái Giá với luồng ven đảo Cát Bà.

Về cảng biển, cảng cạn: Cảng biển Hải Phòng thuộc nhóm cảng biển số 1 với quy mô, chức năng là cảng biển đặc biệt theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: khu bến Lạch Huyện; khu bến Đình Vũ; khu bến sông Cấm-Phà Rừng; khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc; bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải; các khu neo đậu tránh, trú bão. Hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn-Văn Úc. Nâng cấp hệ thống cụm cảng cạn Đình Vũ với công suất khoảng 300.000-550.000 TEU/năm; xây dựng mới cảng cạn Kiến Thụy với công suất khoảng 100.000-150.000 TEU/năm.

Về cảng hàng không, sân bay, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi theo quy hoạch được duyệt. Quy hoạch xây dựng sân bay chuyên dùng tại Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch và cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.