Với mức thuế suất thông thường, đúng ra 2 công ty này phải nộp khoảng 13.000 tỷ tiền thuế thu nhập. Tuy vậy, số thực nộp chưa bằng phần lẻ của con số này.
Lâu nay, Samsung Electronics vẫn được biết đến là một trong những tập đoàn sản xuất các linh kiện và thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Năm 2015, gã khổng lồ Hàn Quốc này đạt doanh thu 177 tỷ USD và 16,8 tỷ USD lợi nhuận sau thuế.
Lãi của Samsung tại Việt Nam bằng tổng lãi của PVN + Viettel
Trong cuộc bám đuổi quyết liệt với Apple và sự cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn điện tử của Đài Loan, Trung Quốc hay Nhật Bản, Samsung Electronics cũng như các công ty vệ tinh trong hệ thống Samsung đã đầu tư cả chục tỷ USD để xây dựng những tổ hợp sản xuất quy mô lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh.
Samsung Electronics đã thành lập ít nhất 5 pháp nhân tại Việt Nam là Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên(SEVT), Samsung Display Vietnam (SDV), Samsung CE Complex và công ty Samsung Vina Electronics chuyên kinh doanh các sản phẩm điện tử của Samsung tại thị trường trong nước.
Trong số này, SEV và SEVT là 2 đơn vị chủ chốt, không chỉ tại Việt Nam mà là của toàn bộ hệ thống Samsung Electronics trên toàn cầu.
Năm 2015, hai công ty này đạt tổng doanh thu 33,4 tỷ USD và 3,1 tỷ USD lãi sau thuế - đóng góp 19% tổng doanh thu và lợi nhuận của Samsung Electronics. Mức lợi nhuận này bằng với tổng lợi nhuận của 2 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước là Viettel và PVN cộng lại.
Tổng lợi nhuận của 2 công ty Samsung bằng tổng lợi nhuận của 2 tập đoàn lớn nhất nước là PVN và Viettel.
Trong số các công ty thành viên của Samsung Electronics, SEV và SEVT là 2 trong số 3 công ty thành viên có không chỉ đứng đầu về lợi nhuận mà lãi vượt trội so với các công ty còn lại.
Không những thế, đây còn là 2 công ty thành viên có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao nhất. Điều này không quá khó hiểu khi mà Samsung khi đầu tư vào Việt Nam đã được hưởng rất nhiều ưu đãi, đặc biệt là về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việt Nam là “thiên đường thuế” của Samsung
Với 3,1 tỷ USD lợi nhuận làm ra trong năm 2015, với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là 22% thì đúng ra 2 công ty SEV và SEVT sẽ phát sinh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp vào khoảng 600 triệu USD ~ 13.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, như đã đề cập ở trên, do được hưởng rất nhiều ưu đãi nên số thuế thực nộp của SEV hay SEVT đang cực kỳ thấp so với lợi nhuận làm ra. Số thuế mà 2 công ty này đã nộp (gồm cả các loại thuế khác ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp) trong năm 2015 chưa bằng bằng phần lẻ của con số trên.
Theo số liệu từ cơ quan thuế mà báo chí trong nước dẫn lại, trong năm 2015, các dự án của Tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh đã nộp 1.684 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước còn công ty SEVT nộp ngân sách 950 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2015, Samsung Electronics và các công ty con trên toàn cầu đã nộp gần 5 tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc Việt Nam - quốc gia mang về gần 20% lợi nhuận cho Samsung - lại chỉ được hưởng số thuế quá nhỏ trên tổng số thuế mà Samsung đã nộp rõ ràng là một bất cập.
Do được miễn giảm thuế nên trong những năm qua, Samsung đã “tiết kiệm” được vài tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Với thuế suất rất thấp, Việt Nam thực sự đã trở thành “thiên đường thuế” của tập đoàn này. Đây cũng là lý do mà Samsung ngày càng rót nhiều tiền đầu tư cũng như chuyển nhiều hoạt động sản xuất về Việt Nam.
Các doanh nghiệp đóng thuế nhiều như Viettel, PVN, Vinamilk, Vietcombank, Honda Việt Nam… chắc hẳn sẽ rất “buồn” khi nhìn thấy những con số này.
Đơn cử như tập đoàn Viettel, tập đoàn này đạt 45.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2015 và phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 10.600 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.