Dẫn chứng số liệu kim ngạch hai chiều 7 tháng năm 2016 từ Tổng cục Thống kê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lo ngại Việt Nam có nguy cơ trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hoá của khu vực ASEAN với cơ cấu 600 triệu dân.
Tại phiên họp Đánh giá công tác hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra chiều nay 26/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dẫn chứng số liệu về tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khối ASEAN sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2016 tới nay.
Xuất khẩu Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 9,582 tỷ USD, giảm 12,3%; nhập khẩu từ ASEAN đạt 13,215 tỷ USD, giảm 5,1%.
Cán cân thương mại hai bên thì Việt Nam nhập siêu 3,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay từ các nước ASEAN. Trong đó, nhập siêu lớn nhất từ Malaysia, Singapore và Thái Lan. Việt Nam chỉ thặng dư với Lào, Campuchia và Myanmar khoảng vài chục triệu USD.
"Mặc dù ASEAN là thị trường lớn với quy mô 600 triệu dân nhưng ta có rủi ro sẽ trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hoá của khu vực ASEAN. Rồi về lĩnh vực ô tô, Thái Lan đang soán ngôi Trung Quốc, Hàn Quốc về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, xe ô tô từ Ấn Độ giá rẻ vài trăm triệu cũng tràn lan trong nước rồi...
Chúng ta vào AEC từ đầu năm đến nay, mặc dù nói đường xa mới biết ngựa hay nhưng rủi ro có tiếp tục không chúng ta cần phải chuẩn bị, từ Chính phủ đến doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người dân", Phó Thủ tướng nói.
Đồng tình với thách thức mà Phó Thủ tướng nêu, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, bà Đào Hồng Lan cho hay, ở lĩnh vực lao động việc làm, khi vào AEC, dự kiến lao động trong 8 ngành nghề sẽ được dịch chuyển tự do.
Tuy nhiên, với sự chuẩn bị như hiện nay, khả năng lao động của Việt Nam rất khó cạnh tranh. Mặc dù trình độ chuyên môn lao động của Việt Nam không thua kém gì các nước khác nhưng ngoại ngữ kém.
"Trong khi nhiều nước có sự chủ động, họ chuẩn bị rất tốt về lao động, từ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp đến kỷ luật, thì lao động Việt Nam vẫn quanh quẩn, chưa được đào tạo. Đó là thách thức của Việt Nam", bà Lan nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, sau một thời gian triển khai nhiều FTA đem lại lợi ích kinh tế không rõ rệt, thể hiện ở điểm sử dụng ưu đãi từ phía doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, nguyên nhân là các FTA trước ký kết hầu hết nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và các nước, các đối tác cũng trung lập, cạnh tranh hơn là bổ sung.
Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa rõ ràng, tập quán làm ăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cũng chưa tận dụng được hết các ưu đãi.
"Doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta quen bán tại cầu cảng, mua tại cầu cảng.Tức là mua thì người ta mang tới tận cửa, không có nhu cầu tìm kiếm tận nguồn hàng nên không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế. Bán thì ở Việt Nam thường bán hàng cho một thương nhân tới tận Việt Nam mua hàng nên câu chuyện nước ngoài giảm thuế cho mình ra sao cũng chưa quan tâm lắm", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cho biết trong tương lai nếu có đàm phán thêm các hiệp định tự do thương mại thì phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để đàm phán và nguyên tắc đàm phán là Việt Nam cần được “ứng xử” đặc biệt trong thực thi hiệp định vì là nước kém phát triển; lựa chọn các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho ta.
Thực tế, một số thị trường mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản, Hàn Quốc có cơ cấu kinh tế bổ sung cho Việt Nam đã góp phần cân bằng lại hoặc thu hẹp cán cân thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.