Việt Nam và 5 nước thúc đẩy tự do giao thông thủy sông Mê Kông – Lan Thương

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 19/11/2022 16:42

Ngày 19/11, dự án "Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước sông Mê Kông – Lan Thương" chính thức được khởi động, nhằm thúc đẩy tự do giao thông thủy.

Việt Nam và 5 nước thúc đẩy tự do giao thông thủy sông Mê Kông – Lan Thương - Ảnh 1.

Hội nghị khởi động dự án được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý về đường thủy, hàng hải của 6 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Cục Đường thủy nội địa VN chủ trì tổ chức Hội nghị Khởi động và công bố báo cáo đầu kỳ dự án "Hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định giữa các nước Mê Kông – Lan Thương" trong lĩnh vực GTVT, đường thủy.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của đại diện Bộ GTVT Việt Nam, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và đại diện cơ quan cấp Cục chức năng về đường thủy, hàng hải thuộc Bộ GTVT các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.

Dự án được thực hiện từ nguồn vốn Quỹ đặc biệt trong khuôn khổ Hợp tác Mê Kông – Lan Thương, do Cục Đường thủy nội địa VN chủ trì, nhằm mục tiêu tổng thể là thúc đẩy tự do giao thông thủy khu vực sông Mê  Kông – Lan Thương và hỗ trợ thương mại quốc tế cho các nước ven sông Mê Kông, đảm bảo phát triển vận tải thủy khu vực an toàn, hiệu quả và bền vững.

Mục tiêu cụ thể là rà soát hiện trạng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định liên quan đến hoạt động vận tải thủy của các quốc gia lưu vực sông Mê Kông. Đề xuất khuyến nghị về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về giao thông thủy nhằm hiện đại và hài hòa giữa các quốc gia thành viên, bao gồm bổ sung các quy định về giao thông thủy đối với quốc gia chưa ban hành.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các quốc gia thành viên nhằm triển khai hài hòa các quy chuẩn, quy định, tiêu chuẩn liên quan đến vận tải thủy.

Việt Nam và 5 nước thúc đẩy tự do giao thông thủy sông Mê Kông – Lan Thương - Ảnh 2.

Dự án nhằm mục tiêu tổng thể là thúc đẩy tự do giao thông thủy khu vực sông Mê Kông - Lan Thương và hỗ trợ thương mại quốc tế cho các nước ven sông Mê Kông - Ảnh internet

Các kết quả mà dự án dự kiến sẽ đạt được gồm: hệ thống hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về giao thông thủy của 6 nước thành viên lưu vực sông Mê Kông – Lan Thương; Xây dựng lộ trình hài hòa để khuyến nghị các cơ quan thẩm quyền của các nước; Thành lập nhóm công tác kỹ thuật vận tải đường thủy nhằm góp phần tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực vận tải thủy.

Dự án sẽ khảo sát, thu thập dữ liệu, nghiên cứu đối với 3 nhóm đối tượng chính: kết cấu hạ tầng đường thủy, phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy của các quốc gia. Phạm vi nghiên cứu xung quanh khu vực sông Mê Công – Lan Thương và tập trung ở 4 nước ở hạ lưu sông: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Bên cạnh đó, so sánh, đánh giá theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về giao thông thủy của các tổ chức quốc tế như Hiệp hội thế giới về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, Hiệp hội báo hiệu hàng hải và hải đăng quốc tế…

Dự án dự kiến công bố kết quả, kết thúc vào tháng 11/2023 và bàn giao sản phẩm đến các quốc gia thành viên.

Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, sau thời gian hoàn thiện các thủ tục nội bộ, đến cuối năm 2020, Cục Đường thủy nội địa VN được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm chủ dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dự án phải tạm thời lùi trong hơn 1 năm.

"Mục tiêu cụ thể, chính yếu nhất của dự án mà Việt Nam mong muốn là xây dưng được diễn đàn chung hợp tác về kỹ thuật trong lĩnh vực vận tải đường thủy, qua đó các cơ quan quản lý, chuyên gia của 6 quốc gia có thể gặp gỡ, trao đổi về quy định kỹ thuật tiến tới hài hòa hóa để phát triển vận tải bằng đường thủy bền vững trên dòng sông chung Mê Kông - Lan Thương", ông Đạo nói.

Sông Lan Thương – Mê Kông là dòng chảy qua 6 nước, bắt đầu từ thượng nguồn ở Trung Quốc (với tên gọi Lan Thương), khi ra khỏi địa phận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lần lượt chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam (với tên gọi sông Mê Kông). Dòng Lan Thương – Mê Kông có tổng chiều dài 4.880km, diện tích lưu vực rộng 795.000 km2.

Năm 2012, Thái Lan đưa ra sáng kiến hợp tác phát triển giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông – Lan Thương và nhận được sự hưởng ứng nhiệt nhiệt của các nước thông qua Chương trình Hợp tác Mê Kông – Lan Thương, nhằm cùng gìn giữ nguồn tài nguyên sông và khai thác sử dụng cho nhiều mục đích phục vụ kinh tế, xã hội.

Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2016 tại Vân Nam, Trung Quốc với chủ đề "Chung một dòng sông, chung một tương lai", và tại đây Quỹ đặc biệt của Hợp tác được thành lập với mục tiêu góp phần triển khai thực hiện các định hướng lớn của cơ chế hợp tác, đề xuất dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy định trong lĩnh vực GTVT đường thủy của Việt Nam được thông qua.

Ý kiến của bạn

Bình luận