Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay; thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay; quản lý hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất cảng hàng không, sân bay; hoạt động kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay.
Các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp khai thác nhà ga hành khách, hàng hóa. |
Theo đó, các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp cảng hàng không; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách hoặc nhà ga hàng hóa.
Nghị định quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Đối với doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác khu bay, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không phải có tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ; tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp xăng dầu hàng không, dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ về vốn tối thiểu đối với việc thành lập và duy trì điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay. Theo đó, đối với doanh nghiệp cảng hàng không kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế là 200 tỷ đồng Việt Nam; kinh doanh tại cảng hàng không nội địa là 100 tỷ đồng Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không gồm: khai thác nhà ga hành
khách; khai thác khu bay; khai thác nhà ga, kho hàng hoá; bảo đảm hoạt động bay (bao gồm dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng hàng không; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm cứu nạn); cung cấp xăng dầu hàng không; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; cung cấp suất ăn hàng không, vốn tối thiểu là 30 tỷ đồng Việt Nam.
Còn vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng
trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không là 10 tỷ đồng Việt Nam.
Sảnh chờ tại nhà ga T1- Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. |
Nghị định quy định rõ trong trường hợp doanh nghiệp cung cấp nhiều loại dịch vụ hàng không thì áp dụng quy định về mức vốn tối thiểu cao nhất.
Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay phải là pháp nhân Việt Nam.
Theo Quy định mới của Chính phủ, cả Vietjet Air và Vietnam Airlines cũng đều sẽ phải từ bỏ kế hoạch đối đầu tranh giành quyền sở hữu toàn bộ nhà ga T1- Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.
Trước đó, dù đã được nhượng quyền khai thác 1 phần nhà ga T1-CHKQT Nội Bài song Chủ tịch HĐQT Vietjet Air Nguyễn Thanh Hà tiếp tục gửi văn bản lần thứ 2 kiến nghị cho phép Vietjet Air được thầu lại nhượng quyền, quản lý và khai thác toàn bộ nhà ga T1.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng có mong muốn tương tự. Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, việc mua nhà ga T1 sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga đồng thời quản lý và chịu trách nhiệm khai thác phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong ga để nâng cao chất lượng, dịch vụ, thuận lợi cho hành khách.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.