Trong 9 tháng đầu năm, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, cả nước đã nhập khẩu hơn 109.000 xe ô tô nguyên chiếc các loại, với kim ngạch 2,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2018, ô tô nhập khẩu tăng tới 267% về lượng và 257% về giá trị. Còn theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của các hãng xe thành viên đã tăng 18%, trong đó doanh số xe lắp ráp giảm 13% nhưng xe nhập khẩu tăng tới 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số tăng trưởng cao trong hơn 2/3 chặng đường năm 2019 có thể khẳng định, thị trường ô tô Việt Nam đã “khởi sắc” mạnh mẽ sau năm 2017 khủng hoảng với tỷ lệ giảm giá xe thấp kỷ lục trong lịch sử và năm 2018 rục rịch cho những “bước tiến” trở lại. Theo giới chuyên gia kinh tế, sự tăng trưởng mạnh hiện nay là kết quả từ các chính sách tiền đề như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu ASEAN về mức 0% đã được áp dụng từ đầu năm 2018; thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô giảm xuống mức 0%, đi kèm điều kiện về sản lượng…
Cùng với đó, trong năm 2019 sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế cùng sự chuyển dịch tích cực của đầu tư nước ngoài và thương mại cũng là những yếu tố đã tạo nên sự thay đổi có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Nhờ đó, Triển lãm VMS - sự kiện lớn nhất của ngành ô tô năm nay không còn màu sắc ảm đạm như năm trước, thay vào đó là không khí vô cùng sôi động và là sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn trong cộng đồng.
Ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chia sẻ, Việt Nam hiện có thế mạnh là nguồn dân số trẻ, cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Từ đó có thể thấy rằng, Việt Nam sẽ là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong những năm tới đây. Trong xu thế đó, các hãng xe sẽ phải nỗ lực đổi mới nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng ngày càng cao của người Việt, đó là nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Để có thể đạt được điều này, ông Toru Kinoshita bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và ủng hộ của Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Theo ông Laurent Genet - đại diện Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA), nhu cầu của thị trường đang ngày một gia tăng nhanh chóng khiến các thương hiệu cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên quy mô của VMS 2019. Mặt khác, điểm nổi bật của triển lãm năm nay không chỉ là hàng loạt công nghệ hiện đại nhất được áp dụng cho các mẫu xe, mà còn cả trong trải nghiệm của khách tham quan với ứng dụng giải pháp công nghệ tương tác.
VMS 2019 có sự góp mặt của gần 100 mẫu xe từ 15 thương hiệu xe hơi danh tiếng thuộc Hiệp hội VAMA và Hiệp hội VIVA cùng các thương hiệu trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phụ tùng, linh kiện, nâng cấp xe, đồ chơi công nghệ... VMS năm nay thiếu vắng một số thương hiệu được ưu chuộng tại Việt Nam như: Hyundai, Chevrolet, Kia, Mazda, BMW, Porsche, Maserati, Aston Martin, Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce…
Triển lãm VMS 2019 được đánh giá là “sự trở lại” với quy mô lớn và nhiều đổi mới rất đáng kể, nhất là về mặt công nghệ. Điều này cũng cho thấy sự phát triển của thị trường ô tô trong năm 2019 có thể mới chỉ là sự khởi đầu. Trong những năm tới, sự phát triển có thể còn tiếp đà và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là khi thị trường ô tô Việt Nam đang bắt đầu có những tín hiệu tích cực nổi bật như sự phát triển của thương hiệu Việt Nam như Vinfast, sự tham gia mạnh mẽ của dịch vụ phụ trợ và nhất là các chính sách mới về nhập khẩu.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.