Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng công ty xây dựng đường thủy và đón nhận bức trướng của Bộ GTVT. |
Tiếp tục phát huy bề dày kinh nghiệm 35 năm
Ngày 8/12, Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập. Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã trao tặng bức trướng của Bộ GTVT cho Vinawaco.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Bùi Nguyên Khôi – Tổng Giám đốc Vinawaco chia sẻ, 35 năm là quãng thời gian chưa dài so với lịch sử, nhưng những thành công mà Tổng công ty đạt được là sự cố gắng vượt bậc của các thế hệ kế tiếp nhau. Từ Liên hiệp các Xí nghiệp Nạo vét sông, biển đến Tổng công ty Xây dựng Đường thủy – CTCP là một chặng đường lịch sử hào hùng, góp phần làm đẹp thêm truyền thống ngành GTVT.
Sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của Vinawaco trước hết là kết quả của sự chỉ đạo chặt chẽ, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp. Nhân dịp này, thay mặt toàn thể cán bộ, người lao động Tổng Công ty tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp,... đã quan tâm hỗ trợ, sâu sát, lãnh đạo và chỉ đạo mọi mặt hoạt động của Tổng công ty và là bạn hàng tốt, đối tác tốt trong suốt 35 năm qua.
“Chúng tôi xin bày tỏ tình cảm, sự tri ân của cán bộ, người lao động của Tổng Công ty đối với các đồng chí... những người đã từng làm việc cho Tổng công ty dù ở cương vị nào các đồng chí cũng luôn hướng về Tổng công ty luôn dành những tình cảm thân thiết nhất, cổ vũ, động viên, giúp đỡ nhiều mặt, tạo điều kiện để Tổng công ty phát triển”, ông Bùi Nguyên Khôi bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trao bức trướng của Bộ GTVT cho Vinawaco. |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chúc mừng và biểu dương tập thể cán bộ, CNVCLĐ qua các thời kỳ của Vinawaco vì những đóng góp cho sự phát triển của ngành GTVT mà cụ thể là kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa – lĩnh vực giao thông thế mạnh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhìn nhận về những thách thức mà Vinawaco đang phải đối mặt không thể vượt qua một cách dễ dàng trong một thời gian ngắn.... Hệ thống, dây chuyền thiết bị thi công của Tổng công ty là loại đặc chủng, có giá trị khấu hao lớn nhưng lại khó tìm việc, đây cũng là vấn đề khó khăn mà chưa đưa ra, tìm ra và sẽ còn tiếp tục để có cách giải quyết hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật chia sẻ: “Vinawaco có ngành nghề truyền thống là xây dựng đường thủy với bề dày kinh nghiệm xuyên suốt 35 năm qua, đó là thế mạnh quan trọng nhất của đơn vị cần phát triển với những bước đột phá hơn nữa. Nhất là trong cơ chế cạnh tranh gay gắt hiện nay, sự mở rộng phát triển ngành nghề cần có sự nỗ lực bằng thành tựu cụ thể chứ không dừng lại ở những ngôn từ lý thuyết. phải có sự thống nhất và quyết tâm cao, sự nỗ lực cố gắng hết mình của tập thể cán bộ, người lao động của Tổng công ty”.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng yêu cầu Vinawaco tập trung trọng tâm phát triển ngành nghề chính là xây dựng các công trình thủy, cầu đường, định hướng các công trình dân dụng, đầu tư. Vinawaco cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực – yếu tố cốt lõi nhất để thúc đẩy sự phát triển mang tính đột phá của đơn vị. Trong đó, phải nâng cao các nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật mới nhằm đáp ứng cho các ứng dụng khoa học mới trong thi công các công trình trọng điểm, đòi hỏi kỹ thuật lớn,….
Mặt khác, Thứ trưởng cũng yêu cầu Vinawaco bám sát mục tiêu, tiếp tục đổi mới, tái cấu trúc thực chất. Đồng thời, quyết liệt theo đuổi mục tiêu có thế mạnh là các dự án xây dựng công trình thủy, tận dụng được các lợi thế về thiết bị, công nghệ, nguồn nhân lực,.... quan tâm đến các nhà máy lọc dầu, nhiệt điện, thủy sản,….
“Cần phát huy những thành tựu đạt được trong suốt 35 năm qua, nhằm tiếp tục đổi mới, khắc phục những những mặt tồn tại, hạn chế, vượt qua những khó khăn thách thức đang đặt ra hiện nay để xứng đáng là đơn vị hàng đầu trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông Đường thủy nội địa”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Hành trình 35 năm
35 năm qua, Vinawaco đã mang nhiều tên gọi khác nhau và được giao những nhiệm vụ tương ứng với yêu cầu của thực tiễn trong từng thời kỳ lịch sử phát triển của Ngành Giao thông vận tải.
Đại hội lần thứ V của Đảng xác định: “Giao thông vận tải còn là khâu yếu trong nền kinh tế quốc dân, cần phải chấn chỉnh gấp”. Khẩu hiệu hành động: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” trở thành phong trào thi đua khắp toàn ngành GTVT lúc bấy giờ. Và đó cũng là thời điểm quan trọng đánh dấu sự ra đời của Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét sông, biển tiền thân của Tổng công ty Xây dựng Đường thủy tại quyết định số 2010/QĐ-TCCB ngày 09/12/1982 của Bộ GTVT.
Việc thành lập Liên hiệp vào thời điểm đó, nhằm tập trung các lực lượng và các tàu nạo vét sông, biển thành một đầu mối để xử lý kịp thời những vấn đề ách tắc giao thông đường thủy, đảm bảo an toàn cho các phương tiện thủy hoạt động.
Lực lượng sản xuất chính của Liên hiệp khi thành lập là 3 đơn vị nạo vét nguyên là tổ chức, lực lượng thuộc Cục Đường sông và Tổng cục Đường biển. Nhân sự các phòng, ban văn phòng Liên hiệp lúc đó không quá 30 người, chủ yếu là cán bộ của Công ty Tàu cuốc và Ty Bảo đảm Hàng hải. Trong những tháng năm gian khổ này, Liên hiệp đã góp phần mở thêm những bến cảng mới như cảng Cửa Lò, luồng Hà Nội - Lạch Giang,… phục vụ sự phát triển của đất nước.
Ngoài chức năng nạo vét sông, biển đảm bao giao thông đường thủy, các năm sau Liên hiệp được giao trực tiếp quản lý và xây dựng trên 40 cảng sông và hơn 3.500km đường thủy nội địa.
Ngày 9/12/1984 Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 2856/QĐ-TCCB về việc tăng cường và sắp xếp lại Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét sông, biển; đồng thời chuyển giao Ty Quản lý đường sông phía Bắc và Ty Quản lý đường sông phía Nam thuộc Cục Đường sông sang Liên hiệp. Liên hiệp có tên chính thức là Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông đường thủy I.
Ngày 02/8/1988, theo chỉ đạo của Bộ GTVT là đổi tên Liên hiệp các Xí nghiệp giao thông đường thủy I thành Liên hiệp các Xí nghiệp quản lý giao thông đường thủy.
Ngày 21/12/1991, Tổng công ty Xây dựng đường thủy được thành lập dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT trên cơ sở tách nguyên trạng các xí nghiệp sản xuất kinh doanh ra khỏi Liên hiệp các xí nghiệp quản lý giao thông đường thủy.
Ngày 06/01/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 21/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng đường thủy và ngày 15/5/2014, Tổng công ty đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 3 ngày 30/5/2014. Kể từ ngày 01/6/2014, Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần theo giấy phép đăng ký kinh doanh mới và con dấu mới.
Đến nay, Tổng công ty đã mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như: xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, tư vấn đầu tư, xây dựng các công trình cầu, đường giao thông bộ; công trình thủy điện, thủy lợi,.…
Trong hơn 15 năm đầu thế kỷ XXI hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước từ 5 -10%. Khi mới thành lập, sản lượng của Tổng công ty chỉ đơn thuần là mét khối nạo vét và hàng năm chỉ dao động từ 6 - 7 triệu m3, đến nay sản lượng nạo vét bình quân hàng năm đạt 15 triệu m3, ngoài ra Tổng công ty còn phát triển sang các lĩnh vực khác như: xây dựng cầu cảng, công nghiệp, dân dụng, sửa chữa công nghiệp và dịch vụ tư vấn xây dựng… đã mang lại tổng doanh thu bình quân trên 1.500 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.