Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe

Tác giả: VĂN HÙNG

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 02/04/2018 16:11

Những năm gần đây, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT phần lớn đều liên quan đến ý thức của lái xe. Xuất phát từ lý do đó, thời gian qua Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến khâu quản lý, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), góp phần giảm thiểu TNGT.

 

Image468339

Sân sát hạch lái xe loại 1 Trường Cao đẳng nghề Cơ khí Nông nghiệp

Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có 8 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 9 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 4 trung tâm sát hạch lái xe (SHLX) ô tô. Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch cấp GPLX, những năm gần đây các đơn vị đã quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng tiêu chuẩn quy định để phục vụ công tác đào tạo, sát hạch, đảm bảo chất lượng cho việc cấp GPLX. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quy trình đào tạo cả về phần lý thuyết lẫn thực hành. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đội ngũ lái xe, ngoài việc bắt buộc phải đảm bảo các tiết học về lý thuyết, các trung tâm còn đặc biệt chú trọng đến việc thực hành, tích cực thực hiện đưa học viên đi thực tế ngoài đường để tích lũy thêm kinh nghiệm cũng như linh hoạt hơn trong việc xử lý các tình huống khi tham gia giao thông.

Để công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX đảm bảo đúng quy định và chất lượng, hàng năm Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý đào tạo và Sát hạch lái xe cùng các bộ phận liên quan trong Ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch, kiên quyết xử lý các đơn vị không tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác đào tạo từ khâu tuyển sinh đến giảng dạy; chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho học viên, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, SHLX; cử chuyên viên theo dõi định kỳ, đột xuất kiểm tra từ khâu tiếp nhận, báo cáo đăng ký học, kiểm tra hết môn, thi cấp chứng chỉ nghề và đăng ký sát hạch, kế hoạch và tiến độ đào tạo, danh sách giáo viên và xe tập lái tham gia giảng dạy… Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm công tác đào tạo theo quy định; đổi mới chương trình giảng dạy, nâng cấp trang thiết bị, tuyệt đối không được bỏ qua bài học, cắt bớt thời gian đào tạo, rút ngắn số giờ hoặc kilomet trong phần học thực hành lái xe. Đặc biệt, Sở yêu cầu các trung tâm lồng ghép nội dung nâng cao trách nhiệm đạo đức người lái xe khi tham gia giao thông vào chương trình đào tạo. Cùng với việc đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, công tác giảng dạy cũng từng bước đi vào nền nếp, thời gian học lý thuyết và thực hành luôn được đảm bảo, trong đó giáo dục đạo đức đối với người lái xe được tăng lên.

Ông Phạm Tuấn Giang - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và SHLX Hoàng Hoa cho biết, với sự quan tâm của Sở GTVT, từ khi thành lập (năm 2010) đến nay, Trung tâm liên tục đầu tư nâng cấp, đảm bảo đủ các điều kiện cho công tác đào tạo và sát hạch xe mô tô và ô tô các hạng. Hiện nay, Trung tâm có điều kiện cơ sở vật chất và số phương tiện khá hiện đại, đạt Quy chuẩn 40 của Bộ GTVT, cho phép đào tạo lái xe ở hầu hết các cấp: Đào tạo mới (từ A1 - C), với lưu lượng hơn 510 học viên/thời điểm. Thêm nữa, để đảm bảo yêu cầu chuẩn đối với một cơ sở đào tạo lái xe, Trung tâm trang bị 45 xe ô tô tập, trong đó có 8 xe lắp thiết bị; trang bị hệ thống máy chủ với 40 máy vi tính đảm bảo cho học và thi phần lý thuyết; lắp đặt hệ thống camera giám sát công khai suốt quá trình học. Bên cạnh đó, Trung tâm còn trang bị các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo nghề sửa chữa ô tô, tin học… Đặc biệt, với sân tập sa hình được xây dựng theo Quy chuẩn của Bộ GTVT, có đầy đủ các dạng địa hình theo giáo án, diện tích rộng, cho phép nhiều xe có thể tập và sát hạch cùng một lúc. Đội ngũ CB, CNV của Trung tâm gồm 65 người, trong đó có 55 giáo viên giàu kinh nghiệm, chuyên môn giỏi và tâm huyết với nghề, sẵn sàng đáp ứng đào tạo, sát hạch tại Trung tâm và phục vụ thi sát hạch cho những cơ sở đào tạo khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã yêu cầu các trung tâm sát hạch lắp hệ thống camera, thiết bị lưu trữ hình ảnh, âm thanh trên ô tô sát hạch; tiếp nhận, cài đặt và sử dụng phần mềm bộ 450 câu hỏi thay cho bộ 405 câu hỏi dùng để SHLX; thực hiện cơ giới đường bộ, góp phần công khai minh bạch quá trình sát hạch, nâng cao chất lượng đào tạo, cấp GPLX, tránh tình trạng tiêu cực trong công tác đào tạo, SHLX. Việc SHLX ô tô, mô tô trên địa bàn tỉnh được tổ chức tại các trung tâm SHLX có đủ điều kiện, sử dụng thiết bị chấm điểm tự động để đánh giá trình độ của người lái xe khi sát hạch lý thuyết và thực hành; sử dụng thiết bị để giám sát quá trình SHLX trên đường.

Đối với việc cấp, đổi GPLX, Sở đã triển khai hệ thống quản lý, cấp đổi GPLX theo mẫu mới từ tháng 9/2011 trên hệ thống được Tổng cục ĐBVN trang bị theo đề án, nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch, cấp GPLX; thực hiện việc cấp đổi GPLX qua mạng Internet (dịch vụ công đổi GPLX trực tuyến) từ tháng 7/2015 (tại địa chỉ http://www.dichvucong.gplx.gov.vn:8000); đầu tư, mua sắm trang, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ triển khai hệ thống quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX theo mẫu mới ngay từ tháng 9/2011 (là một trong số ít các địa phương trên toàn quốc triển khai sớm nhất hệ thống này); đầu tư trang, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác cấp, đổi GPLX trực tuyến (dịch vụ công cấp độ 3); thực hiện đầu tư, trang bị hệ thống máy vi tính kết nối mạng LAN phục vụ công tác đào tạo, sát hạch tại trung tâm đào tạo và SHLX theo tiêu chuẩn được quy định tại Quy chuẩn quốc gia về trung tâm SHLX cơ giới đường bộ - Mã số QCVN 40:2012/BGTVT. Thời gian cấp, đổi được rút ngắn từ 7 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc. Việc trả kết quả hồ sơ, GPLX được thực hiện qua đường bưu điện, làm giảm chi phí đi lại cho người dân.

Đặc biệt trong năm 2017 vừa qua, nhiều cơ sở đã làm tốt công tác đào tạo và SHLX, trong đó có những đơn vị nổi bật như: Trường Trung cấp nghề số 11 - Bộ Quốc phòng, Trường Cao đẳng nghề số 2 - Bộ Quốc phòng, Công ty Honda Việt Nam - đây là những đơn vị đi đầu về chất lượng đào tạo cũng như tỷ lệ học viên sát hạch đạt kết quả cao trong các kỳ sát hạch.

Ông Hoàng Long Biên - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, thời gian tới Sở GTVT tiếp tục siết chặt công tác quản lý, chỉ đạo phòng chuyên môn, TTGT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra về việc thường xuyên duy trì điều kiện hoạt động tốt nhất đối với công tác đào tạo, SHLX; tăng cường kiểm tra việc thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ, đủ các học phần đào tạo theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch quá trình SHLX, giảm thiểu tác động, can thiệp của con người trong công tác sát hạch, cấp GPLX…, qua đó góp phần giảm thiểu TNGT

Ý kiến của bạn

Bình luận