Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến bao giờ có lãi?

Doanh nhân 04/01/2020 05:36

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng “rót” tới 4.700 tỷ đồng cho dự án hàng không Vinpearl Air và xác định thua lỗ trong 3 năm đầu khai thác.

 

 

vin-1577986580-width700height346
Để có thể "cất cánh", trước hết, Vinpearl Air sẽ cần cái "gật đầu" của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không.

Cổ đông đã nộp đủ tiền

Nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, theo hồ sơ của Vinpearl Air vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, hãng này có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư. Vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%.

“Hồ sơ dự án đã bổ sung chứng từ nộp tiền của các cổ đông tại các Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), bao gồm: Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia 585 tỷ đồng, ông Phạm Khắc Phương 325 tỷ đồng, ông Hoàng Quốc Thủy 390 tỷ đồng” - Tờ trình của Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Ông Phạm Khắc Phương sinh năm 1967 là người từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl. Ông Phương vốn là sinh viên xuất sắc của đại học Mỏ địa chất Hà Nội và năm 1986 được tuyển sang học tại trường đại học Địa chất Moscow. Từ năm 1994, ông Phương tham gia tập đoàn thực phẩm Technocom Ucraina - tiền thân của Vingroup sau này.

Năm 2001, sau khi ông Phạm Nhật Vượng cùng các thành viên sáng lập quyết định về nước lập nghiệp, ông Phương đảm nhận vị trí Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Du lịch và thương mại Hòn Tre. Đây được xem là dự án đầu tiên Vingroup với mục tiêu xây dựng làng du lịch sinh thái tiêu chuẩn 5 sao tại vùng đảo ở Nha Trang. Ngoài đóng vai trò chủ chốt tại Vinpearl, ông Phương từng có thời gian giữ vị trí trưởng ban kiểm soát CTCP Vincom.

Ông Hoàng Quốc Thủy là một trong những người sáng lập Technocom cùng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ông Hoàng Quốc Thủy từng là Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Quang Thái - công ty từng là cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup.

Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia - cổ đông lớn nhất của Vinpearl Air có tiền thân là CTCP Phát triển du lịch Nam Hà, được thành lập vào tháng 6/2017.

Cơ quan thẩm định dự án hàng không này cũng thông tin việc các cổ đông của Công ty CP Hàng không Vinpearl Air đã chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp cho Công ty CP Vinpearl Air…

Một thông tin đáng chú ý, ngân hàng Vietcombank đã có cam kết tài trợ vốn cho dự án hàng không của tỷ phú Phạm Nhật Vương, với số tiền cam kết cấp tín dụng tối đa là 75% tổng mức đầu tư dự án.

“Hồ sơ dự án đã có cam kết của ngân hàng về việc thu xếp nguồn vốn vay. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vay vốn để huy động đủ nguồn vốn vay thực hiện dự án” - Bộ KH&ĐT cho biết.

Lỗ dự kiến trong 3 năm đầu, hoàn vốn sau 5 - 6 năm khai thác

Phân tích tài chính Dự án hàng không Vinpearl Air cho thấy dự án có giá trị hiện tại thuần cuối năm thứ 5 là 120,4 triệu USD; tỷ lệ hoàn vốn nội bộ trong thời gian 5 năm là 22,74%/năm. Dự án hoàn vốn sau 5-6 năm khai thác và dự kiến có lãi từ năm 2023.

Sau khi đi vào hoạt động, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air dự kiến sẽ mang lại cơ hội việc làm trực tiếp cho khoảng 500-600 lao động từ thời điểm giữa năm 2020 và tăng lên khoảng 2.200-2.300 lao động vào năm 2023-2024, chưa kể các việc làm gián tiếp thông qua các hoạt động kinh tế, du lịch, đào tạo. Vinpearl Air cũng sẽ giúp đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỷ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch 5 năm (năm 2024).

Liên quan đến thủ tục thành lập hãng hàng không, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng không VN cho hay để có thể "cất cánh", trước hết, Vinpearl Air sẽ cần cái "gật đầu" của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không.

Sau bước này, Vinpearl Air sẽ tiếp tục phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không tới Cục Hàng không VN.

Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện về vốn; phương án đảm bảo có tàu bay khai thác tổ chức bộ máy; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định 89/2019 vừa được Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92 quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng và Nghị định 30/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung có hiệu lực từ 1/1/2020.

Ngay cả khi có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vinpearl Air vẫn sẽ cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.

Ý kiến của bạn

Bình luận