Các du khách tới từ các đất nước có mùa đông lạnh kéo dài thường thích nghỉ dưỡng lâu tại những bãi biển đẹp của Việt Nam. |
Trong 10 năm qua, Thomas (người Pháp) cùng với Araya, bạn gái người Thái Lan, sống ở nhiều nơi khác nhau, lúc ở châu Âu, khi ở Hong Kong, Nhật... Vào tháng 8, họ từ Pháp về Bangkok thăm bố mẹ của Araya và tranh thủ qua chơi Hà Nội lần đầu tiên. Có dịp làm quen với những người bạn Việt Nam, tham khảo các tuyến tham quan, họ mới thấy hối tiếc vì không sang chơi sớm hơn.
Sau chuyến đi, Thomas tìm hiểu thêm nhiều điểm đến khắp Việt Nam. Biết lái xe máy nên kỹ sư 40 tuổi này thích các tuyến đường khám phá miền núi phía Bắc. Để chiều người yêu, anh cũng lên kế hoạch nghỉ dưỡng ở Nha Trang và đi chơi ở TP HCM.
Trước khi nhận công việc mới vào đầu tháng 12, Thomas định dành toàn bộ tháng 11 để đi chơi Việt Nam. Tuy nhiên, khi anh thông báo kế hoạch với người quen, anh biết mình không được miễn visa (thị thực nhập cảnh) như chuyến đi trước. Chính sách thị thực của Việt Nam có quy định: "Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày" áp dụng với du khách tới từ các nước được đơn phương miễn visa.
Ngoài ra, các công dân Pháp như Thomas chỉ được miễn visa trong vòng 15 ngày. Nếu làm theo kế hoạch dự kiến, anh sẽ phải làm thủ tục và nộp phí visa. Điều này khiến Thomas cảm thấy không thoải mái vì anh hầu như không gặp rào cản này khi đi du lịch châu Á.
"Tôi dự định đợt này đi chơi ở Việt Nam cả tháng, nhưng giữa thời gian đó phải bay về Pattaya (Thái Lan) để dự đám cưới bạn. Nếu như vậy, tôi sẽ không được miễn visa mà phải làm thủ tục. Tôi thấy việc này vừa tốn tiền vừa mất thời gian và sợ phát sinh trục trặc ảnh hưởng tới hành trình", Thomas chia sẻ.
Sau đó, anh và bạn gái quyết định chuyển hướng sang đi nghỉ tại Bali (Indonesia) - nơi họ từng tới một lần trước đó. "Bali có nhiều điểm vui chơi, khu nghỉ dưỡng tiện nghi, lạ, nhiều tuyến đường chạy xe cũng khá đẹp. Không chỉ thế, các thủ tục nhập cảnh tiện lợi nên chúng tôi thích là có thể xếp hành lý lên đường luôn", Thomas kể. Thời gian Indonesia miễn visa với các nước thuộc Liên minh châu Âu lên tới 30 ngày.
Hiệu quả ban đầu của chính sách visa cởi mở
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thủ tục visa là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành du lịch vì nó thể hiện được sự cởi mở của đất nước. Việc mở cửa visa có thể giúp tăng ngay một lượng khách đáng kể mà chưa cần tác động của các yếu tố khác.
Năm 2017, số lượng khách quốc tế tới Việt Nam gần 13 triệu người. Một trong những lý do dẫn tới thành công này được nhiều chuyên gia du lịch nhận định là đến từ các chính sách tạo thuận lợi, trong đó có việc miễn visa cho 24 nước (Nga, Nhật, Hàn Quốc, 5 nước Tây Âu...) và áp dụng visa điện tử cho 46 nước.
Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực, lượng khách của Việt Nam vẫn còn kém khá nhiều. Thái Lan có 35 triệu khách quốc tế, Malaysia có 25 triệu...
Lợi ích của việc "mở cửa" visa đã được chứng minh kể từ khi Việt Nam bắt đầu miễn visa đơn phương cách đây hơn chục năm. Theo thông tin của Tổng cục Du lịch, lượng khách Hàn Quốc từ 230.000 vào năm 2004 tăng lên tới 2,4 triệu người vào năm 2017 (gấp 10 lần). Trong cùng khoảng thời gian đó, khách Nhật tăng từ 267.000 lên 700.000 người.
Tương tự, các thị trường xa về địa lý như Anh, Đức, Tây Ban Nha... cũng có lượng khách tăng từ 15% mỗi năm kể từ khi visa được miễn.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho biết việc miễn visa giúp khách quốc tế tiết kiệm được thời gian, chi phí, qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Thực tế cho thấy, những nước có thể thu hút trên 20 triệu lượt khách mỗi năm đều có chính sách miễn thị thực rất thông thoáng.
"Nếu chúng ta đã định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lượng ngoại tệ lớn về cho đất nước, có nên chăng mở cửa để đón khách. Số khách quốc tế đến và chi tiêu vào các dịch vụ sẽ cao hơn gấp nhiều lần với chi phí visa mà chúng ta thu về", bà Phương Hoàng chia sẻ.
Bất cập trong chính sách visa của Việt Nam
Với Thomas, anh vẫn có thể xách ba lô lên đường mà không quan tâm tới thủ tục giấy tờ, miễn là chỉ chơi trong vòng 15 ngày ở Việt Nam. Nhưng nhiều du khách ở các nước có nền kinh tế phát triển ở châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha... vẫn phải làm visa ở các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, đăng ký online hoặc làm visa cửa khẩu.
Chính sách visa của Việt Nam bị đánh giá là khắt khe khi chỉ miễn cho 24 nước. Con số này ở Thái Lan là 61 nước, Singapore miễn cho 158 nước, Malaysia là 155 nước, Indonesia là 169 nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam ở hạng mục các yêu cầu về visa nằm ở nhóm cuối: 116 trên tổng số 136 nước được khảo sát.
Ngoài ra, các nước có du khách chi tiêu nhiều như châu Âu, Mỹ... không được hưởng ưu đãi đáng kể. Một số nước vẫn phải làm visa dưới nhiều hình thức khác nhau. Số nước được miễn làm thủ tục thì chỉ được ở Việt Nam trong 15 ngày; một tháng sau đó, họ mới có thể quay trở lại Việt Nam.
Các quốc gia Đông Nam Á có nhiều đặc điểm tương tự về mặt cảnh quan như đường bờ biển dài, phong cảnh núi rừng, giá cả phải chăng... Bởi vậy, nhiều du khách nước ngoài dễ chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực thuận lợi hơn về các thủ tục xuất nhập cảnh.
Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản cùng các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đã được ưu đãi visa từ lâu thường có thời gian đi ngắn ngày, số tiền chi tiêu ít. Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thu hút lượng khách tới từ các nước xa như châu Âu, Mỹ, Australia, New Zealand... với thời gian đi dài ngày và chi phí bỏ ra lớn.
Bởi vậy, TAB nhiều năm qua đề xuất điều chỉnh chính sách thị thực để ngành du lịch có thể đạt được mục tiêu 18,5 triệu khách và thu về 35 tỷ USD vào năm 2020. Theo đó, thời gian miễn thị thực cần tăng lên 30 ngày; bãi bỏ quy định "Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày"; bổ sung các nước được miễn thị thực (Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ); thêm các nước được áp dụng visa điện tử. TAB hy vọng tới năm 2020, Việt Nam miễn visa cho 60 nước, áp dụng visa điện tử cho 80 nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.