Ý tưởng về các dòng xe địa hình SUV/Crossover với mui trần dù ít khi được các hãng xe triển khai, nhưng đã xuất hiện từ khá lâu. Từ Thế kỷ XX, những cái tên đình đám như Mercedes G-Class, Land Rover Defender, Jeep... cũng đã có các phiên bản mui bạt. Trong khi đó Land Rover là người tiên phong tạo ra một mẫu crossover mui trần với Range Rover Evoque, nối tiếp sau đó là Nissan với Murano CrossCabriolet. Và cái tên mới nhất mang kiểu dáng độc đáo này là Volkswagen T-Roc Cabriolet.
Trên thực tế Volkswagen đã ấp ủ kế hoạch sản xuất T-Roc Cabriolet từ khá lâu - chính xác là vào năm 2016 khi tung ra phiên bản ý tưởng có tên gọi T-Cross Breeze. Sau đó tới đầu năm 2018, hãng đã chính thức xác nhận sẽ đưa T-Roc vào sản xuất thương mại. Không chỉ đơn thuần là một chiếc T-Roc 5 cửa cắt bỏ mui, T-Roc Cabriolet còn có những sự thay đổi lớn khác như bỏ đi cửa sau, kéo dài cửa trước và đuôi xe được chỉnh sửa lại.
Cũng giống như các mẫu crossover mui trần trước đây như Evoque Convertible hay Murano CrossCabriolet, T-Roc Cabriolet được trang bị mui xếp mềm. Bộ mui này có thể đóng hoặc gập chỉ trong 9 giây ở tốc độ tối đa từ 30km/h trở xuống. Nhờ thiết kế thân rộng và khá thấp của chiếc T-Roc nguyên bản, T-Roc Cabriolet đã có một ngoại hình khá hấp dẫn và thể thao, ấn tượng hơn so với 2 mẫu crossover nêu trên.
Và để khiến T-Roc Cabriolet trở nên ấn tượng hơn nữa, Volkswagen đã đưa thêm 2 gói tuỳ chọn là Style và R-Line để khách hàng trang trí chiếc xe. Trong đó, gói Style bao gồm bộ mâm 17 inch cùng đèn đổi màu trong nội thất và cabin bọc da. Gói R-Line cũng có mâm 17 inch, nhưng được bổ sung thêm ghế thể thao cùng đèn sương mù. Ngoài ra, T-Roc Cabriolet với gói R-Line cũng có cảm giác lái thể thao hơn nhờ hệ thống lái được cân chỉnh lại. Thêm tiền, khách hàng có thể chọn mâm 19 inch cho cả 2 gói.
Bên trong cabin, thiết kế bảng táp-lô của T-Roc Cabriolet được thừa hưởng từ model với thân xe wagon 5 cửa truyền thống. Những tuỳ chọn cao cấp như dàn âm thanh Beats Audio, bảng đồng hồ màn hình 11,7 inch hay hệ thống thông tin giải trí với màn hình 8 inch vẫn tiếp tục xuất hiện trên chiếc xe. Các hệ thống an toàn như phanh khẩn cấp ở tốc độ thấp, nhận biết người đi bộ, hỗ trợ giữ làn... được lắp đặt tiêu chuẩn trên mọi gói trang bị của T-Roc Cabriolet.
Tuy nhiên để đổi lại kiểu dáng cá tính hơn, T-Roc Cabriolet đã phải hy sinh sự tiện dụng so với T-Roc thường. Do không còn cửa sau nên việc ra vào hàng ghế thứ 2 của chiếc xe nay cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra dù Volkswagen không công bố thể tích khoang hành lý của T-Roc Cabriolet, nhưng do vòm mui xe đã không còn kéo dài tới hết mui và phải nhường chỗ cho mui bạt nên khả năng chở đồ của phiên bản này cũng sẽ giảm xuống.
Và do không có hệ thống dẫn động 4 bánh, người lái T-Roc Cabriolet cũng không nên sử dụng chiếc xe để đi thám hiểm những địa hình hiểm trở. Đối với phiên bản này, Volkswagen đưa ra 2 lựa chọn động cơ là 3 xi-lanh tăng áp 1.0l 114 mã lực và 4 xi-lanh thẳng hàng tăng áp 1.5l 148 mã lực. Hộp số sàn 6 cấp là trang bị tiêu chuẩn cho cả 2 bản động cơ, nhưng chỉ có model 4 máy mới có tuỳ chọn số ly hợp kép 7 cấp.
Phải tới mùa xuân năm 2020 Volkswagen T-Roc Cabriolet mới chính thức mở bán. Hiện tại giá bán của xe chưa được Volkswagen công bố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.