Biển báo giới hạn tải trọng cầu Buôn Niêng 2 trước và sau khi có bài viết phản ánh của Tạp chí GTVT
Người dân địa phương cho biết, ngày 19/5, biển báo giới hạn tải trọng 10 tấn tại cầu cầu Buôn Niêng 2 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã bị xịt sơn bôi đen toàn bộ diện tích.
Sự việc này xảy ra khi Tạp chí Giao thông vận tải có thông tin phản ánh, thời gian qua, tại cầu Buôn Niêng 2 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) xuất hiện tình trạng đoàn xe ben tải trọng lớn nối đuôi nhau chở đá rầm rập đi qua cầu có biển giới hạn tải trọng 10 tấn gây bụi bặm, mất ATGT và tiềm ẩn nguy cơ sập cầu khiến người dân bất an.
Đoàn xe ben 4 chân BKS: 47H-029.24, 47H-029.26, 47H-012.14 (dán logo Công ty TNHH Minh Sáng) chở đá có dấu hiệu quá tải nối đuôi nhau bức tử cầu Buôn Niêng 2 có biển giới hạn tải trọng 10 tấn. Theo quan sát, tài xế phải liên tục canh bánh xe bởi chiều rộng của cầu Buôn Niêng 2 chỉ đủ xe lọt qua.
Đáng nói, đoàn xe chở đá có dấu hiệu quá tải, chở hàng rời có ngọn, gây mất ATGT, vệ sinh môi trường, tuy nhiên không thấy lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý.
Theo Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật MMT & Partners, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, biển báo giao thông (biển báo hiệu) là một trong những phần cấu thành của hệ thống báo hiệu đường bộ, được quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008.
Một trong những quy tắc chung, bắt buộc người tham gia giao thông cần phải tuân thủ là chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ (khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008). Việc không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu sẽ bị xử phạt hành chính tuỳ theo mức độ hành vi và loại phương tiện tham gia giao thông được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Luật sư Việt thông tin, tại khoản 1 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 thể hiện rõ các hành vi bị nghiêm cấm "Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ."
Theo đó, việc tẩy xoá, xịt sơn đen biển báo hiệu đã làm mất tác dụng của biển báo hiệu giao thông, không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông, mất mỹ quan đường phố, gây nguy hiểm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước.
Nói về hình thức xử phạt hành chính, luật sư Việt cho hay: Người có hành vi tháo dỡ, phá huỷ hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng, ngoài ra người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi trên (khoản 2 Điều 17 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình).
Về xử lý hình sự, theo luật sư Việt, hành vi bôi đen, xoá biển báo giao thông, phá hoại biển báo hiệu tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, hành vi phạm tội mà người thực hiện có thể bị truy cứu tránh nhiệm hình sự về Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cụ thể: "Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm".
Hoặc người vi phạm có thể bị xử lý với tội danh tại Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về "Tội cản trở giao thông đường bộ".
"Như vậy, trong trường hợp nếu biển báo hiệu là một thành tố trong công trình giao thông vận tải, quan trọng về an ninh quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý với tội danh "Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" với hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm.
Hoặc trường hợp vì hành vi phá huỷ biển báo hiệu giao thông của người vi phạm dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho người khác, hoặc gây thiệt hại về tài sản, như do che biển báo nên các phương tiện quá tải lưu thông dẫn đến hư hỏng cầu, đường thì người vi phạm có thể bị xử lý với tội danh "Tội cản trở giao thông đường bộ"", luật sư Việt nói.
Video đoàn xe ben chở đá bức tử hạ tầng cầu đường ở Đắk Lắk
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.