Ông Phạm Quang Thanh - đại biểu Quốc hội Hà Nội. Ảnh: QH |
Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về dự Luật Cạnh tranh. Nhắc tới vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, đại biểu Phạm Quang Thanh nói, vụ mua bán này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng, tài xế Việt. Đây là vụ việc điển hình mua bán sáp nhập, tập trung kinh tế thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh thị trường trong nước.
Ông lo ngại, nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý, những hành vi tương tự sẽ xảy ra trong tương lai. Cơ quan chức năng khó có thể can thiệp để đảm bảo môi trường cạnh tranh quốc gia lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 lan rộng.
Trấn an đại biểu Thanh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong phần giải trình sau đó cho biết, dự luật có nhiều điểm sửa đổi phù hợp với xu thế hội nhập. Một trong số đó là mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi cạnh tranh ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc có khả năng tác động trong nước. Dự luật cũng đưa ra điều khoản cho phép Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia thực thi các nhiệm vụ thông qua khuôn khổ hợp tác quốc tế, các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, AXEM…
"Các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế được mở rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hoạt động tại Việt Nam nhưng chịu sự tác động về những hành vi phản cạnh tranh hoặc hạn chế cạnh tranh từ bên ngoài", ông Tuấn Anh khẳng định. Mặt khác, việc mở rộng này cũng tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện hành vi cạnh tranh dù xảy ra ở đâu.
Trước đó, cuối tháng 3, Grab đã công bố mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Grab tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.
Sau quá trình điều tra sơ bộ ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định điều tra 180 ngày vụ tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.
Không chỉ Việt Nam, đồng loạt các nước khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia... đều đã yêu cầu Grab gửi báo cáo chi tiết và áp dụng biện pháp điều tra vụ mua bán này.
Lo "phình" biên chế khi cơ quan cạnh tranh thuộc Bộ Công thương
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến lo ngại cơ quan cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công thương sẽ không đảm bảo tính độc lập trong xử lý các vụ việc cạnh tranh. Tại nhiều nước cơ quan này là tổ chức, thực thi quyền hạn độc lập. "Không nên để thuộc Bộ Công thương để đảm bảo tính độc lập trong điều tra các vụ việc", ông Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) nói.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) lo ngại chuyện sẽ tăng thêm biên chế khi vừa có cơ quan cạnh tranh vừa có Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Ông cũng đề nghị làm rõ chủ thể nào sẽ quyết định lập Cơ quan cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc để cơ quan cạnh tranh thuộc Bộ này sẽ không 'phình' thêm biên chế.
Là cơ quan thẩm tra dự luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội. Điều này phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.